Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng

6 món ngon ở Cần Thơ dễ làm say lòng người

Ốc bươu nướng tiêu, bánh cóng hay canh chua cá hú bông so đũa là những món sẽ làm du khách nhớ mãi khi ghé thăm xứ Tây Đô.

Dưới đây là các món ngon đậm chất miền Tây mà du khách khó lòng bỏ qua khi về Cần Thơ.

Lẩu mắm mùa nước nổi


Lẩu mắm ăn kèm với bông điên điển. 

Miền Tây là đất sản sinh món lẩu mắm. Thế nhưng yếu tố góp phần đưa món ăn bình dân này lên hàng đặc sản phải kể tới Cần Thơ. Món lẩu được nấu bằng mắm sặc là sự giao thoa hài hòa của nền ẩm thực người Khmer với lưu dân phương Nam khai khẩn.

Ở miền Tây, bất cứ món ăn nào, từ kho, xào, canh…, đều nhất thiết phải có bông hay rau. Trong đó, lẩu mắm càng nhiều rau càng ngon, thường phải có đủ loại như đọt, lá non và không thể thiếu bông. Danh sách bao gồm từ kèo nèo, rau muống, bông súng, so đũa tím, bông bí, đậu rồng, bông kim châm, rau nhút, bông chuối đến bông điên điển đặc trưng mùa nước nổi. 

Sài Gòn cũng bán lẩu mắm nhưng ít nơi nào có loại bông chỉ trổ theo mùa nước nổi như miền Tây. Người miền Tây hay nói chơi rằng không có gì “mát rần trời” bằng chén lẩu mắm bỏ đầy ụ rau, tôm, thịt lươn, cá hú,… xì xụp húp trong những ngày mưa gió dầm dề.

Kho quẹt chấm tập tàng


Càng nhiều loại rau, chấm kho quẹt càng ngon. 

Kho quẹt từng được coi là “món ăn nhà nghèo” của dân bản xứ. Những khi thiếu thốn, chỉ cần bắc chảo, rót chút nước mắm rồi “quẹt”, qua “quẹt” lại. Khi mắm cô đặc, bám vào thành chảo, thơm ngút trời là có thể dùng chan cháo trắng hay chấm rau ăn cơm. Cách chế biến kho quẹt được lấy làm tên đặt cho món này.

Kho quẹt ngày nay vào nhà hàng, được cải tiến thêm bằng các nguyên liệu như tôm khô, thịt băm nhuyễn hay chỉ mắm kho với hành phi. Rắc thêm chút tiêu, món này còn làm gia vị cho đĩa rau tập tàng (nhiều loại rau luộc trong một đĩa).

Đặc biệt, ăn cùng kho quẹt không thể thiếu cơm cháy. Với miếng cơm cháy giòn giòn, gắp thêm vài cọng rau và để trên miếng kho quẹt, nhiều người dễ bâng khuâng thoảng nhớ vị quê nhà, thuở còn khốn khó.

Canh chua cá hú bông so đũa


Màu tím thẫm của bông so đũa làm nước lẩu trông lạ mắt.

Bữa ăn của người Nam Bộ hiếm khi thiếu canh chua. Trong đó, canh chua (hoặc lẩu) cá hú bông so đũa thường được nấu bằng nguyên liệu chính là cá hú hoặc đầu cá ngát.

Mỗi nồi canh chua ăn kèm một rổ rau đầy ắp, gồm kèo nèo, rau nhút, rau đắng hay bông so đũa tím thường trồng ngay tại nhà hoặc gần đó. Mùi thơm các loại rau hòa cùng vị béo và ngọt ngào của da, thịt cá. Canh chua thường ăn với cơm hay bún.

Cá rô đồng kho tộ


Cá rô kho dậy mùi tiêu xay. 

Do ngày một khan hiếm, cá rô đồng nay thường được nuôi, khi ăn có mùi cỏ, tạng cá dày, thịt bở. Trong những đợt tát đìa, mương, nếu may mắn, người dân mới trúng vài con cá rô đồng chính hiệu, nhỏ xíu nhưng nướng hay kho lại thơm nức mũi.

Đối với cá rô hay các loại cá đồng khác, ngoài nấu canh, ngon nhất vẫn là kho tộ. Quá trình chế biến gồm tẩm ướp cá sơ với nước mắm, ớt, tiêu, tỏi, hành phi, sau đó bắc lên kho. Cá muốn ngon và đậm đà phải kho trong tộ (nồi đất) để giữ nguyên độ ngọt, đồng thời nước sắc xuống vừa tới. Rắc chút tiêu xay lên bề mặt, cá rô kho tộ ăn kèm cơm cháy là đúng vị nhất.

Ốc bươu nướng tiêu


Bạn đừng bỏ qua nước ốc khi dùng ốc bươu nướng tiêu. 

Ngoài cá rô, ốc cũng là sản vật thiên nhiên ban tặng cư dân xứ ruộng khắp mọi vùng, không riêng gì đất miền Tây. Khách gọi tới đâu, ốc được nướng tới đó vì rất nhanh chín.

Ốc bỏ lên vỉ than nướng, sau khi thấm hơi nóng thì tách lớp mài. Lúc đó, người nấu có thể bỏ tiêu xay (hoặc muối tiêu), đến khi thấy nước ốc sôi là có thể gắp ăn. Trước khi nướng, một số nơi còn tẩm ướp sẵn ốc với gia vị giúp món ăn đậm đà hơn.

Bánh cóng


Tinh hoa ẩm thực Khmer gói ghém trong chiếc bánh cóng. 

Một trong số đặc sản nổi bật nhất của miệt Tây Đô phải kể đến bánh cóng. Nguồn gốc bánh xuất phát từ người Khmer và hiện vẫn được bán dọc đường các tỉnh miền Tây. Món này có nguyên liệu và cách làm nôm na như bánh khọt nhưng dày và lớp nhân phóng khoáng hơn.

Nhân bánh trộn từ bột đậu xanh với củ sắn, thịt bằm và đổ vào khuôn kích thước gần bằng chén. Tiếp theo, bánh được nhúng xuống chảo dầu, sau đó chiên tới khi chuyển màu vàng ngà là đặt thêm mấy con tép sông lên trên cùng.

Vị béo của bột mì cùng đậu xanh hòa quện đồng đều trong vị ngọt từ tép. Vỏ bánh giòn rụm, khi ăn không có cảm giác ngán. Bánh cóng có cách ăn tương tự bánh xèo, cuốn cùng các loại rau và chấm nước mắm tỏi ớt.

Mẹo dùng nước mắm không phải ai cũng biết

95% hộ gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm trong các bữa ăn hàng ngày - Theo Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, dùng nước mắm như thế nào cho ngon, cho đúng thì không hẳn bà nội trợ nào cũng nắm được.

Độ đạm quyết định chất lượng nước mắm


Độ đạm quyết định chất lượng nước mắm

Theo tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm thì nước mắm có độ đạm càng cao càng nhiều chất bổ dưỡng và hạn sử dụng càng lâu. Theo đó, nước mắm loại đặc biệt có độ đạm trên 48, loại thượng hạng có độ đạm trên 40, trên 24 là loại 1, trên 16 là loại 2. Nếu nước mắm có độ đạm dưới 10 là thấp và không đạt tiêu chuẩn. Khi nêm hay dùng pha nước chấm, chỉ cần sử dụng nước mắm 25 độ đạm là đã đảm bảo được độ thơm ngon bổ dưỡng của loại gia vị đặc trưng này.

Lưu ý

Trong nước mắm có chứa nhiều chất bổ dưỡng như chất đạm, các loại vitamin A, D và B12 nên khi chế biến, các bà nội trợ cần đặc biệt lưu ý không nên đun nước mắm quá lâu trên bếp sẽ làm biến đổi hương vị nước mắm, lại làm mất đi vị thơm ngon của món ăn.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người tiêu dùng nên chọn nước mắm có màu nâu cánh gián sậm đến nâu vàng, hương thơm nồng, có vị đạm cá nhiều, nước trong, không vẩn đục. Những loại nước mắm khi nêm, nấu có vị mặn gắt và chát ở đầu lưỡi thì đó là nước mắm có độ đạm thấp.

Bên cạnh thông số về độ đạm, người tiêu dùng cũng nên chú ý đến các thông tin khác khi chọn nước mắm như nhà sản xuất, nguồn nguyên liệu, chất phụ gia... Tránh mua các loại nước mắm không có bao bì nhãn mác hoặc nhãn mác không ghi rõ các nội dung bắt buộc như độ đạm.

Món nào mắm đó


Nước mắm tỏi ớt

Từ nước mắm nguyên chất đến bát mắm chấm trong mỗi món ăn là cả sự kỳ công và tinh tế của người nội trợ. Về cơ bản, nước mắm cốt ở cả ba miền đều như nhau, nhưng hương vị bát nước chấm của người miền Bắc, miền Trung và miền Nam lại khác biệt rõ rệt.

Thông thường nước mắm nguyên chất sẽ đuợc pha cùng nước, dấm, đường... tạo nên vị chua cay mặn ngọt và gia giảm thêm một số gia vị tùy thuộc vào từng món ăn, vừa tạo độ đậm đà vừa phải cho món ăn, vừa có tác dụng làm giảm cảm giác ngấy của dầu mỡ đọng lại trong món ăn.

Cách pha chế nước mắm thành nước chấm lại được các bà nội trợ vận dùng khéo léo và kết hợp tinh tế với từng loại gia vị riêng:

- Với món thịt luộc, cá hấp nên dùng nước mắm nguyên chất, không pha loãng, chỉ cho thêm ớt hoặc hạt tiêu, chanh hay quất.

- Một số món rán như món cá rán, nem rán, bánh cuốn, tôm tẩm bột rán... pha chế nước mắm lại là cả một nghệ thuật.

Trong mỗi món ăn, chúng ta cũng có cách nêm nước mắm khác nhau:

- Trong các món canh, nên nêm nước mắm sau cùng rồi bắc ra ngay.

- Riêng với món thịt kho, nhiều người hay có thói quen dùng nước mắm ướp khi thịt còn sống mà không biết rằng nó sẽ làm cho thịt bị cứng, mất đi vị thơm của miếng thịt. Chỉ nên ướp muối, mì chính... vào thịt rồi kho thịt đến khi gần chín, sau đó mới cho nước mắm vào và đun thêm một lát nữa, lúc này nước mắm sẽ làm tăng vị đậm đà cho món thịt kho.

- Đối với món tôm, tép kho cần chú ý tránh dùng nước mắm vì nó sẽ làm mất vị thơm đặc trưng của những loại thực phẩm này.

Món ăn kèm rau tươi cực ngon ở Sài Gòn

Trong tiết trời se mát, thi thoảng xuất hiện vài trận mưa rào, được ngồi ăn những món dân dã hấp dẫn bên cạnh rổ rau xanh cũng đủ khiến bạn mê mẩn.

1. Bánh xèo

Với lớp bột vàng bên ngoài giòn rụm, nóng hổi, người Sài Gòn cũng khá chuộng món bánh xèo nhân thịt, tôm, giá... Ăn bánh xèo mà thiếu rau sống thì khẳng định đã mất đi hơn một nửa độ ngon. Có người dùng bánh tráng cuốn, nhưng đúng nhất là dùng rau cải xanh lá to, có vị đăng đắng. Cho một phần bánh xèo vào lá cải, cho thêm các loại rau khác như diếp cá, salad, húng quế, dưa leo, đồ chua... rồi cuộn lại. Cầm nguyên cuộn bánh xèo đó chấm vào chén nước mắm và bỏ vào miệng nhai rột rột, giòn giòn. Bạn sẽ thích mê từ lần cắn đầu tiên.


Bánh xèo vàng giòn, thơm ngon, cuộn rau chấm nước mắm ngon mê ly. Ảnh:Flickr

2. Bò lá lốt

Những cuốn bò lá lốt và mỡ chài được nướng liền tay ngay trước mặt thực khách. Khi gọi một phần bò lá lốt, bạn sẽ được đem ra một mâm gồm bánh tráng, bún, rau tươi, giá sống, lát thơm (khóm), khế chua... Cuộn tất cả trong một miếng bánh tráng, đặc biệt cho nhiều rau vào, chấm với mắm nêm cay cay mặn mặn. Món bò lá lốt thường được chọn ăn vào những buổi chiều trời lạnh lạnh.


Bò lá lốt chấm mắm nêm sẽ ngon hơn khi được ăn với nhiều rau, khế, đồ chua... Ảnh:Khánh Hòa

3. Bánh tráng cuốn thịt luộc

Hầu hết những món cuốn bánh tráng đều phải ăn cùng với một rổ rau tươi. Có rất nhiều loại rau đa dạng với mùi vị hoàn toàn khác nhau nhưng giúp cho món ăn đạt được độ hoàn hảo như húng quế, húng thơm, diếp cá, tía tô... Bánh tráng thịt luộc ăn khá đơn giản. Chỉ gồm thịt heo luộc xắt lát, xếp gọn gàng trên đĩa. Kế bên những cọng rau được nhặt sẵn. Không chỉ có thịt luộc, bạn còn có thể hấp cá nục, cá diêu hồng... rồi xẻ ra cuộn chấm nước mắm.


Bạn sẽ được thử qua nhiều loại rau lạ và ngon khi ăn món bánh tráng cuốn thịt luộc.

Thưởng thức đồ nướng ngon trong tiết trời thu Hà Nội

Mùa thu đến, trời se lạnh, sẽ rất lý tưởng khi cùng nhau quây quần bên bếp nướng của một quán nằm dưới sân một khu tập thể thoáng mát, dễ chịu, không ồn ào, xô bồ như ngoài phố.


Đồ nướng Hà Nội bây giờ khá đa dạng. Quán ăn tại sân khu tập thể này phục vụ món nướng than hoa, khách tự túc nướng, vừa vui tay, vừa nóng hổi, ngon miệng. Điểm cộng là quán dùng loại bếp chạy pin rất văn minh, sạch sẽ, vì thế khách không ngại bẩn, hay bàn ăn lỉnh kỉnh đồ. 


Ngoài ra, giá cả của quán khá cạnh trạnh: 169.000 đồng một set ăn với đĩa thịt lớn,bánh mì, rau dưa muối ăn kèm đủ cả, đủ cho 3 người ăn lai rai cả tối.


Đồ nướng quán này được tẩm ướp khá ngon và phong phú. Ngon nhất có lẽ là sườn - miếng sườn dày, vị đậm đà. Khi nướng kỹ, cháy cạnh, miếng thịt mềm ngọt bên trong mà giòn thơm bên ngoài.


Ngoài ra còn có món bò ba chỉ Mỹ. Bạn cứ để nguyên cả dải thịt cuộn tròn rồi nướng, thi thoảng lật đi lật lại cho miếng thịt chín đều. Nguyên liệu đắt nên mỗi phần bò Mỹ cũng chỉ được một vài cuộn.


Cách tẩm ướp có cả giềng mẻ rất thơm thì món thịt heo ba chỉ cũng dễ gây nghiện. Vì ngon, bổ, rẻ nên thịt heo ba chỉ được khách gọi thêm khá nhiều.


Set nướng ở đây còn có những món kinh điển như nầm, gà, đủ để khách không bao giờ cảm thấy bữa nướng nhàm chán.


Nước chấm cũng là một điểm cộng của quán. Không đơn thuần là gia vị chanh như mọi nơi, quán này tự pha chế một loại nước mắm nêm đậm đà, dậy mùi, rất kích thích vị giác và kích thích hương vị món ăn.


Ăn xong đồ nướng, bạn có thể gọi thêm một số món tráng miệng của quán, như sữa chua caramen, chè xoài hột é. 

Địa chỉ: Phá lấu Thành Công - số 101 D9 khu tập thể Thành Công, Hà Nội (từ đường Đê La Thành rẽ vào Nguyên Hồng, đến nhà D7 rẽ trái vào 30 m).

Bí quyết lựa, khử mùi và chế biến các loại thịt

Muốn món ăn thơm ngon, bạn cần biết cách lựa thịt, khử mùi và chế biến khéo léo. Dưới đây là những bí quyết để có một món thịt thơm ngon đúng điệu dành cho các bà nội trợ.

* Lựa thịt tươi ngon

Với tất cả các loại thịt, cần chú ý quan sát:

- Cảm quan bên ngoài: Thịt tươi sẽ có màng ngoài khô, không bị nhớt. Về màu sắc, thịt bò ngon có màu đỏ tươi, thịt trâu có màu đỏ thẫm, nếu không khéo dễ lầm thịt trâu với thịt bò. Riêng thịt heo tươi có màu hồng sáng, thịt gà màu vàng sáng. Không lựa những miếng thịt có màu tái xanh, hơi thâm và có mùi khó chịu.



- Độ đàn hồi: Miếng thịt tươi có độ đàn hồi cao, dùng ngón tay ấn vào miếng thịt, khi buông ra không để lại vết lõm. Miếng thịt ôi vết lõm không biến mất và tay có cảm giác bị dính.

- Vết cắt: Thịt tươi thớ thịt săn chắc, khi cắt vết cắt bình thường, màu sáng, thịt khô, dẻo và dính vào dao, nhất là thịt bò; trong khi thịt ôi có vết cắt màu tối và hơi ướt.

- Mỡ: Thịt bò có lớp mỡ màu vàng và cứng, trong khi thịt heo chỉ nên lựa mua miếng thịt có lớp mỡ trắng trong. Thịt heo có mỡ vàng là heo bệnh. Với thịt gà, mỡ màu vàng tươi là thịt ngon.

- Da: Da heo mỏng, dính liền với thịt. Da gà vàng là thịt ngon, cần phân biệt màu vàng tự nhiên với màu vàng do đã ngâm hóa chất.

- Tủy xương: Thịt tươi sẽ bám chặt vào thành xương, thịt ôi xương tủy dễ long ra.

- Thớ thịt: Thớ thịt tươi trông săn chắc, không bị nhão. Thịt bò có thớ nhỏ, mềm mịn và gân trắng nhỏ. Thịt trâu có thớ thịt lớn hơn.

* Khử mùi hôi ở thịt

- Thịt heo ít có mùi hôi nên chỉ cần xát qua ít muối rồi rửa sạch là được. Tuy nhiên, nếu mua phải loại heo có mùi hơi nặng, chỉ cần luộc thịt trong nước sôi khoảng ba phút rồi rửa sạch mới chế biến, thịt sẽ hết mùi hôi. Trong lúc nấu, thường xuyên vớt bọt cũng giúp thịt không hôi.


- Thịt cừu có mùi đặc trưng, đôi khi rất khó chịu, vì thế bạn có thể sử dụng rượu sakê và gừng để khử bớt mùi. Ngoài ra, có thể dùng rượu sakê rưới trực tiếp lên thịt cừu, sau đó bóp nhẹ hoặc ngâm thịt cừu trong rượu khoảng 15 phút, xả sạch lại bằng nước.

- Thịt bò có mùi gây nên nhiều người thấy khó ăn hơn thịt heo. Có thể khử mùi bằng cách nướng củ gừng, cạo lớp vỏ cháy, giã nhuyễn rồi xát lên thịt bò, sau đó rửa sạch. Hoặc sau khi rửa sạch, dùng rượu để rửa lại.

- Thịt vịt rất hôi nếu không biết khử mùi đúng cách. Cắt bỏ phần phao câu cho nhẹ bớt mùi. Sau khi rửa muối và xả sạch, thoa hỗn hợp rượu và gừng giã nhuyễn vào bên trong lẫn bên ngoài, để khoảng 20 phút rồi xả sạch, mùi hôi sẽ biến mất. Khử mùi hôi thịt gà cũng tương tự. Ngoài ra, khi nấu thịt gà hoặc vịt, cho củ gừng đập giập vào món ăn sẽ rất thơm.

- Thịt dê có mùi gây. Cắt thịt thành miếng rồi cho vào nồi nước nóng, thêm một ít bã rượu. Cứ 500g thịt dê thì 500g nước và 25g bã rượu. Nước sôi vớt ra, thịt dê đã hết mùi gây. Cũng có thể rửa sạch thịt dê bằng nước nóng, cắt thành những miếng to rồi cho một lượng hương liệu vừa phải (hồi, quế, hồ tiêu...) vào và luộc tới lúc sôi.

* Chế biến thịt

Tùy theo sở thích người ta lựa chọn thịt để chế biến, tuy nhiên có những món ăn khác nhau phù hợp với những loại thịt khác nhau, nếu chọn nhầm, món ăn sẽ không ngon.

- Món xào: Thường nấu nhanh nên thích hợp với thịt nạc mềm không mỡ. Xào thịt heo hay thịt bò sẽ ngon hơn xào với thịt gà, thịt vịt. Thịt bò dùng thăn hay đùi đều được.

- Món kho: Thịt có chút mỡ hay xương sẽ làm món kho thêm đậm đà. Thịt heo có thể dùng nạc dăm, ba rọi, thịt đùi hay sườn đều ngon. Thịt bò nên dùng nạm hoặc bắp.


- Món nướng: Sườn nướng dù là thịt heo hay thịt bò đều thơm ngon, riêng thịt gà thì nên chọn đùi hay cánh, vì béo hơn những bộ phận khác.

- Món hầm: Do nấu lâu nên những loại lâu mềm như: xương, đuôi, đùi, bắp, gân đều làm cho món hầm ngon tuyệt.

- Món quay: Món quay rất thích hợp với các loại gia cầm như gà, vịt, chim cút, bồ câu… Thịt bò thường không được dùng trong các món quay.

Chả dông - đệ nhất đặc sản Phú Yên

Mảnh đất Phú Yên chìm đắm trong xứ sở của đất trời, của mênh mông biển cát với những hàng dương xanh ngắt soi bóng. Những chiều hè, gió biển xô bờ cứ thế mát rượi cũng là lúc mà dông - những con bò sát trú sâu dưới vùng đất cát ngoi lên bờ kiếm ăn. Và những người săn dông, luôn tranh thủ săn bắt, mua đi bán lại để rồi tạo nên một đặc sản vô cùng thơm ngon, đặc biệt nơi xứ nẫu - đó chính là chả dông.

Thịt dông băm nhuyễn và được ướp với gia vị.
Những con dông săn về được chặt đầu, bỏ ruột, lột da rồi rửa thật sạch... sẽ cho ra những thớ thịt trắng bong, ngọt, thơm khó tả. Thịt dông đem băm thật nhuyễn, cho vào một ít gia vị, thêm tỏi, hành củ, ướp với nước mắm ngon... thì thịt sẽ chẳng còn mùi tanh mà thơm lựng một cách quyến rũ.


Muốn có món chả dông ngon lành, thịt dong được cuộn tròn trong những miếng bánh tráng mềm. Sau đó đem chiên với chảo dầu thật nóng. Đợi lúc chả chín, màu vàng tươi, vớt ra rồi mà mùi thơm của miếng chả với mùi nóng hổi vừa ra lò cứ thế hòa quyện, chứng kiến cái cảnh chiên chả dông thì không thể nào kìm lòng nổi. Ăn vụng một vài miếng chả ngay trên bếp lửa đỏ, bạn sẽ được tận hưởng trọn vẹn cái hương vị thơm ngon lừng lựng ấy mà chẳng nơi đâu có được.

\

Chả dông thường được ăn kèm với rau sống, chấm vào một chén mắm chua ngọt cay xè thì vô cùng ngon và tuyệt vời. Nếu được đem nhắm với bia hay rượu đế thì chằng thể sánh với một thứ mồi nhậu nào khác, quả thật là một thứ mồi bình dân nhưng vô cùng quý giá. 

Đến Phú Yên rồi, ngắm hết mấy cái cảnh đất trời yên bình rồi, ăn những thứ hải sản mặn mà mùi biển hay những món ngon bình dân nơi đây rồi thì cũng đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những đặc sản làm từ con dông mà đặc biệt là chả dông. Quán chả dông được bán khắp nơi ở Tuy Hòa, trong quán ăn hay ngoài vỉa hè, mỗi lựa chọn đều cho bạn những trải nghiệm thú vị cùng với món chả dông thơm ngon đặc biệt này.

Cá linh kho tiêu - đặc sản mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ

Những chiếc áo bà ba thướt tha trên mỗi con đường của từng mảnh đất Tây Nam Bộ, những chợ nổi đặc trưng lênh đênh sông nước, những con người hiền lành với chất giọng ngọt ngào nơi đây... là tất cả những gì mà miền Tây sông nước luôn làm cho chúng ta - những con người đam mê và khám phá du lịch nhớ mãi. Và một điều vô cùng quan trọng, đi đâu thì đi, ăn gì thì ăn... nhưng đã về miền Tây rồi thì đừng bao giờ quên món Cá linh kho tiêu - một đặc sản hấp dẫn chẳng nơi đâu sánh bằng.


Món cá linh kho tiêu giản gị, bình dân nhưng vô cùng đặc trưng với mùi vị thơm ngon không lẫn vào đâu được. Nhớ mãi những buổi trưa hay xế chiều, ngồi quây quần bên mâm cơm trắng ăn với cá linh kho tiêu mà lòng cứ rạo rực. 


Cá linh kho tiêu được chế biến từ những những con cá linh tươi xanh nhất của mùa nước nổi miền Tây. Cá đem về rửa sạch, để ráo nước rồi ướp với ít gia vị, đặc biệt là tiêu với nước mắm ngon nhất. Sau đó, đem bắc lên nồi kho với lửa riu riu, đợi "sệt" nước lại rắc vào ít hành lá... khói bốc mùi nồng nàn mà cứ mỗi lần nhắc tới là "thèm chảy nước dãi".


Món này trở thành đặc sản của mảnh đất và con người miền Tây bởi cái hương vị thơm nồng đặc trưng của nó: mùi thơm, cay nhẹ của tiêu cùng với cái vị ngọt, sánh dẻo, chút bùi, chút béo của cá.... ăn cùng với cơm trắng, một ít rau muống chua thôi là đủ ngon đủ lành rồi, chẳng cần cầu kì, sang trọng...mà lòng cứ nhỡ mãi. 


Mùa nước nổi Nam Bộ thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Đây là lúc mà cá linh xuất hiện nhiều nhất với những con cá tươi ngon, thịt béo nhậy. Ngoài kho tiêu thì cá linh còn được chế biến rất đa dạng với nhiều món khác như: cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm ruốc, kho mía, khóm hay canh chua cá linh... Vì vậy, du khách hãy về mảnh đất miền Tây sông nước này để có cơ hội thưởng thức đặc sản cá linh kho tiêu dân giã mang đậm hương vị đặc trưng này nhé.

Thơm nồng hương vị đặc sản bánh canh Nha Trang

Nha Trang – thành phố du lịch xinh đẹp không chỉ nổi tiếng với biển xanh – cát trắng – nắng vàng mà còn được du khách nhắc đến với những món ăn, những đặc sản thơm ngon bổ dưỡng. Và món bánh canh Nha Trang là một trong những món ăn hết sức nổi tiếng ở Nha Trang mà khách du lịch nào hầu như cũng phải ăn qua một lần. Tuy là một món ăn dân giã nhưng đã trở thành đặc sản mà ai cũng biết đến

Có thể khi nhắc tới món ăn này, ai ai cũng cảm thấy bình thường vì món bánh canh thì nơi đâu cũng có. Và để trở thành đặc sản Nha Trang thì chắc chắn rằng món ăn ấy phải có cái gì đó hết sức đặc biệt. Cái ngon của tô bánh canh chính là ở cái thứ nước lèo thơm ngọt, thêm vào đó là cái mùi vị đặc trưng của những khúc cá biển ngon lành nơi đây. 


Dạo vòng Nha Trang, hẳn bạn đã từng thấy nhiều quán bánh canh thơm ngon, có thể là vỉa hè, có thể là những quán ăn lớn nhưng nơi đâu cũng bốc lên cái mùi nồng nàn của nồi nước lèo trong vắt. Nước lèo được nung với xương cá là chủ yếu để nước ngọt và được nung trong một cái nồi thật to. Những khúc xương cá tươi được nấu chín, thêm một ít gia vị… mở cái nắp rồi ra mà mùi thơm cứ bay lên chẳng ai mà kìm lòng được. 


Ghé vào những quán bánh canh, thoải mái kêu “một tô bánh canh đầy đủ nhé chủ quán !”. Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến họ làm cho bạn một tô ngon lành như thế nào? Bỏ bột bánh canh vào tô, múc một vá nước lèo đổ vào, bạn sẽ cảm thấy “ghiền” và lòng cứ nao nao để nhanh chóng được thưởng thức. Thêm vào đó những khúc cá dầm tươi ngon hay chả cá vàng thơm, một ít hành lá, hành phi, cuối cùng thì cho tiêu vào…. Đơn giản vậy thôi, tô bánh canh sẽ được đặt ngay trước mặt bạn. Ăn kèm thêm với nước mắm mặn, vài lát ớt, tỏi, vắt thêm miếng chanh, bảo đảm chẳng ai dám “chê” món ăn vô cùng đặc biệt này. 


Cá được ăn chung với bánh canh Nha Trang thường là cá thu tươi nhất và ngon nhất. Ngoài ra thì còn có thể ăn với bao tử cá, giò heo… đều rất ngon và chất lượng. Không những thế, bánh canh Nha Trang còn được ăn chung với bánh mì. Khúc bánh mì nóng, giòn rụm, chấm vào tô bánh canh ấy thì quả thật như thưởng thức một món ăn nào đó vô cùng tuyệt vời mà bạn chẳng ngờ tới. 


Chỉ vậy thôi, đủ để bạn có được một bữa ăn ngon lành nhưng vô cùng rẻ tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Nếu ai chưa từng thử món bánh canh này bao giờ thì hãy ghé lại một dịp nào đó để có cơ hội thưởng thức nhé! Chắc chắn bạn sẽ không thất vọng.

Cùng về miền Tây thưởng thức các món ngon chế biến từ chuột đồng

Ngoài món nướng, chuột đồng còn mê hoặc thực khách với hàng chục cách chế biến khác nhau như luộc ép lá chanh, áp chảo, rang muối..

Thịt chuột luộc ép lá chanh 



Sau khi làm sạch, chuột được luộc chung với nước mưa. Chuột chín, vớt ra, để ráo, rồi xếp lên thớt, cho lá chanh lên trên. Dùng một cái thớt khác, lèn chặt cho chuột chảy bớt nước mỡ. Để như thế vài giờ rồi tách thớt, lấy chuột chặt nhỏ, rắc lá chanh lên trên. Món này khi ăn kèm muốn tiêu chanh, thịt thơm, ngọt, dai chắc như thịt gà.

Chuột đồng áp chảo 


Loại chuột thường dùng để áp chảo là chuột cống nhum. Sau khi làm sạch, chuột ướp với ngũ vị, tiêu, đường, tỏi, muối, bột ngọt, mật ong... Để khoảng 2-3 tiếng cho thịt thấm đều gia vị rồi chiên chín với chảo không dính hay chảo áo một lớp dầu mỏng. Chuột đồng áp chảo có vị thơm, ngon, béo ngậy không khác heo sữa nướng.

Chuột đồng rang muối


Sau khi làm sạch, chuột được chặt thành từng miếng nhỏ, ướp với hỗn hợp gồm muối, chanh, ngũ vị hương bột ngọt... cho thấm rồi rang chín trên lửa lớn. Món ăn này không chỉ có hương thơm khó cưỡng, vị đậm đà mà thịt chuột dai mềm, săn chắc.

Chuột xào xả ớt


Chuột đồng làm sạch để ráo nước, ướp với sả ớt bằm nhuyễn, rồi thêm muối, bột ngọt, đường, nước mắm ngon. Đợi khoảng 30 phút cho gia vị ngấm rồi chiên trên lửa riu riu. Khi chiên, đảo đều để thịt chuột chín đều vàng. Món này có hương thơm của sả, cay nồng của ớt, béo ngậy của thịt, ăn cùng bánh tráng nướng hay cơm đều ngon.




Chuột quay lu 


Để chế biến món chuột quay lu phải chọn những chú béo múp. Làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút, sau đó móc từng con cho vào lu, vừa quay vừa trở tay. Trong lúc quay, liên tục thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng thì chuột chín. Mở nắp lu, những chú chuột đồng chín vàng, mùi thơm hấp dẫn. Bày chuột ra đĩa, dùng kèm với muối tiêu chanh, rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo. 


Chuột nướng



Thịt chuột sau khi thui rơm, làm sạch, ướp với muối hột, kẹp vào thanh tre nướng trên đống than đỏ rực. Khi chuột gần chín, trộn muối hạt, sả băm nhuyễn rang với ít mật ong phết lên trên. Khi ăn, xé từng miếng thịt chuột nướng nóng hổi, kẹp chung với các món rau răm, rau thơm, khế, xoài xanh, chuối chát, chấm muối sả.

Chuột khìa nước dừa


Chuột sau khi bắt về, bẻ răng, lột da rồi khoét một lỗ nhỏ dưới bụng, móc hết ruột ra. Sau đó, trộn hỗn hợp gồm hành tỏi, ngũ vị hương, đường, muối, bột ngọt dồn vào bụng chuột, rồi cho vào chảo, chiên chín. Khi chuột vàng đều, vớt khỏi chảo, xếp vào nồi, đổ nước dừa ngập thịt chuột, hầm lên lửa liu riu. Khi cạn nước, tiếp tục châm nước dừa, đun sôi rồi bắc xuống, cho đậu phộng rang chín vào. Món này ăn kèm với xá lách rau thơm, muối chanh tiêu hay nước chấm tỏi ớt.

Chuột nướng chao


Chuột săn hay mua về, làm sạch, ướp cùng ngũ vị hương, tiêu, ớt, sả, đường, bột ngọt ướp cho ngấm. Độ 30 phút sau nướng chuột trên lửa than hồng. Chao bóp nhuyễn, trộn ít mỡ heo, phết từ từ lên mình chuột. Khi nướng, trở đi trở lại khi chuột chín vàng, giòn rụm. Món này dùng kèm rau thơm và chao.

Chuột xào lăn


Sau khi làm sạch, thịt chuột được chặt ra miếng nhỏ vừa ăn, ướp với bột cà ri, ngũ vị hương, sả, ớt. Bắc chảo mỡ phi hành tỏi rồi đổ thịt vào xào. Thịt vừa chín tới, rưới nước cốt dừa, gạt bớt lửa cho nước dừa ngấm đều vào thịt. Món này ăn nóng kèm với rau thơm, chuối non xắt mỏng.

Chuột xào lá cách


Chuột làm xong để ráo, mang băm nhuyễn, ướp cùng bột cà ri, tỏi, sả, đậu phộng rang vàng, đâm nhỏ, gia vị vừa ăn. Khử mỡ hành, tỏi, cho thịt chuột vào xào khô, khi chín cho lá cách xắt nhuyễn vào trộn đều, nhắc xuống. Món này ăn nóng kèm bánh tráng nướng.

Ngoài các món trên, thịt chuột còn có thể chề biến thành hàng loạt món ngon như thịt chuột đông, chuột giả cầy, chuột rán, chuột xào chua ngọt, sốt cà chua, nhúng dấm, thịt nhồi chiên nướng, giò/chả chuột.

10 món cơm nổi tiếng trong nền ẩm thực Việt

Cơm với người Việt không được coi là một loại thức ăn mà thường coi là món chủ lực để ấm bụng trong các bữa ăn. Tùy vùng miền có rất nhiều loại cơm và biến thể của cách nấu.

1. Cơm gà – Hội An

Chưa ăn cơm gà xem như chưa tới Hội An. Cách nói có phần cường điệu ấy có lẽ xuất phát từ lòng tự hào khi đề cập đến cơm gà – một thứ hương vị quê nhà bình dị, khó quên của người dân phố Hội.

Cơm gà đơn giản là cơm nấu ăn với gà luộc nhưng cái đặc sắc là những yếu tố trong món ăn bình dị này như cơm, gà, nước chấm, đồ chua ăn kèm đều mang hương vị, phong cách ẩm thực rất riêng của miền Trung. Cái đặc biệt của món cơm gà xứ Hội bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo “gu” miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt mang thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.


Nước dùng gà được dùng để nấu cơm nên hạt cơm không trắng mà ánh một sắc vàng nhẹ, căng tròn, ngọt lịm vị gà. Với phong cách nhỏ nhẹ của người miền Trung, món cơm gà được bày trong chiếc đĩa nhỏ chỉ đủ làm lưng bụng thực khách. Đĩa cơm thường trang trí thêm ít lá bạc hà, rau răm, những lát hành tây trắng nõn, tương ớt đỏ tươi, muối tiêu lấm chấm, ăn kèm với loại tương ớt sền sệt, cay xé lưỡi theo khẩu vị của người địa phương.

Có một cách khác làm món cơm gà, nhưng người vùng Tam Kỳ - Quảng Nam hay Đà Nẵng mới thường chế biến theo cách này. Thịt gà không xé sợi mà chặt thành từng miếng vừa phải, vàng ươm. Gà không chỉ luộc, đôi khi còn được chiên giòn.

2. Cơm Ghẹ - Phú Quốc


Cơm ghẹ là món ăn ngon, giàu chất đạm, vị lạ đặc trưng rất ấn tượng và cũng rất khó quên khi đặt chân đến Phú Quốc.

Thành phần chính của cơm xào ghẹ Phú Quốc là cơm trắng, thịt ghẹ bóc sẵn, hành tây xắt lát mỏng, tỏi, ít tương cà vàng, dầu ăn. Thịt ghẹ bỏ vào chảo xào sau khi phi tỏi vàng cùng với hành tây, cơm trắng. Tương cà giúp cho món ăn có màu sắc đẹp, nêm gia vị vào để có hương vị ngon. Cơm xào ghẹ Phú Quốc khi chế biến có màu vàng ươm cũa tơ vàng óng ánh rất đẹp. Cơm khi xào xong được ăn kèm với dưa leo xắt nhuyễn, rau tươi, cà chua xắt lát dùng với nước mắm pha chế sẵn.

3. Cơm hến – Huế

Người Việt Nam bao giờ cũng ăn cơm nóng, còn cơm hến của xứ Huế lại được chế biến từ cơm nguội đánh tơi nhưng cơm hến được nấu từ thứ gạo ngon nên vẫn mềm dẻo. Ăn cơm hến tưởng như là một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà đơn giản như hến luộc, nước hến, hoa chuối thái rối, khế chua, rau răm...


Cơm hến hòa cùng vị bùi của đậu phộng, vị cay của ớt, vị đậm đà của mắm ruốc, tạo nên một món thanh đạm. Cơm hến là món khá cay, có mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ... Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi" rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon của cơm hến.


4. Cơm Âm phủ - Huế

Cơm Âm phủ là một món ăn có từ lâu đời của đất cố đô, rất đậm “chất Huế” gồm nhiều nguyên liệu tạo thành, đa màu đa sắc nhưng lại rất bình dân. Cái tên nghe rất lạ, tạo cho thực khách vẻ “sờ sợ” nhưng lại là một món ngon độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực Huế.

Cơm Âm phủ gồm các nguyên liệu như: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua... Cách làm cũng khá công phu. Cơm là thành phần chính nên việc chọn gạo để nấu là rất quan trọng. Để cơm ngon phải chọn gạo thơm, có chất lượng tốt.



Cơm Âm phủ có trong bốn mùa. Nếu có dịp đến thành phố Festival Huế, đắm chìm trong khung cảnh thơ mộng của nơi đây, du khách hãy thưởng thức món cơm đậm chất Huế này.

5. Cơm Tấm – Sài Gòn

Cơm tấm vốn là món đặc sản truyền thống của người dân miền Nam mà đặc biệt là người Sài Gòn. Xưa kia, người dân thường sử dụng món ăn này trong bữa sáng, vừa đơn giản mà thuận tiện. Nhưng nay, món cơm tấm độc đáo này được dùng trong nhiều cửa hàng, quán xá, nhà hàng, khách sạn như một món cơm chính trong bữa trưa, tối…



Cơm tấm là món ăn độc đáo bởi lẽ đây thứ cơm được nấu từ những hạt gạo vỡ nhỏ, vụn. Những mảnh hạt gạo vỡ được sàng riêng và nấu chín lên bằng bếp củi.



Cơm tấm có hương vị thật nhẹ nhàng nhưng rất đặc biệt và hấp dẫn người thưởng thức. Một đĩa cơm tấm ăn kèm với sườn, bì, chả, trứng và nước mắm sẽ khiến cho các vị giác của bạn phải trầm trồ bởi vị ngon mà không ngấy.

6. Cơm cháy - Ninh Bình

Tương truyền, cơm cháy Ninh Bình được hình thành hơn 100 năm (từ cuối thế kỷ 19), do một chàng thanh niên người Ninh Bình tên là Hoàng Thăng học được và phát triển từ một món ăn của người Hoa, sau đó mở rất nhiều tiệm ăn ở Hà Nội lẫn Ninh Bình. Từ đó món cơm cháy được lưu truyền, phát triển và trở thành một đặc sản của vùng đất Cố đô.



Để làm món cơm cháy thơm ngon, người Ninh Bình dùng gạo nếp hương, chọn hạt gạo tròn và trong để nấu. Khi nấu phải nấu bằng than củi và dùng nồi gang thì mới có miếng cơm cháy vàng thơm, vừa dẻo vừa ngon. Cháy lấy ra từ nồi mang ra phơi từ hai đến ba nắng. Cơm cháy cần được bảo quản nơi kho dáo, tuyệt đối tránh ẩm mốc, lúc gần ăn thì mới mang ra chiên giòn. Nếu chiên để qua buổi hay qua ngày thì cơm đều bị hôi dầu, ăn sẽ không ngon.


Ăn cùng cơm cháy có thể là thịt bò, tim, cật lợn xào với các loại rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua… ăn đến đâu, chan lên miếng cơm cháy đến đó. Miếng cơm kêu xèo xèo, bốc khói, toả ra mùi thơm. Khi ăn, cơm giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt mà đậm đà.

7. Cơm Dừa – Bến Tre

Xứ dừa Bến Tre không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa, qua bàn tay tinh tế của người dân nơi đây biến món cơm dân dã hằng ngày trở thành một đặc sản lạ lẫm với người ăn bằng món cơm dừa.


Để được món cơm dừa ngon phải mất gần hai giờ đồng hồ. Những trái dừa xiêm được cắt ngang một phần trên đầu quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy lại. Gạo ngon vo sạch bằng nước rồi sau đó vo lại nước cuối cùng bằng nước dừa, để ráo nước. Cho gạo vào trong trái dừa rồi đổ lượng nước dừa vào vừa đủ, đậy nắp lại cho kín. Cơm dừa nấu với nước dừa được hấp cách thủy trong nồi nên hương thơm, vị ngọt đều kết đọng lại trong mỗi hạt cơm. Khi cơm chín hơi ngả màu vàng nhạt do bị thấm hơi dầu từ cơm quả dừa. Cơm dừa ăn có vị beo béo nên ăn nóng mới ngon.


Cái thú khi ăn cơm dừa là ăn trực tiếp trên trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.

8. Cơm lam

Cơm lam là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa v.v. và nướng chín trên lửa.

Cơm lam bỏ trong những ống tre, đốt trực tiếp trên lửa, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Cơm lam ăn ngon, lạ miệng, hương vị khác hẳn cơm thường, chỉ cần bỏ ống cơm ra đó thấy mùi thơm rất hấp dẫn. Bẻ miếng cơm lam, chấm muối vừng hoặc muối lạc cho vào miệng, ta sẽ thấy ngon, thơm, dẻo, rất đậm đà, ngoài hương thơm của gạo nếp còn thoảng hương vị thơm thơm của nứa rừng qua lửa. Cơm Lam là món cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên.


9. Cơm niêu đập

Theo văn hóa của người Việt cho rằng nồi đất là nồi nấu ăn ngon nhất. Gạo Tám mà nấu bằng nồi đồng hoặc bằng các thứ nồi khác đều không thể có hương vị như nấu bằng niêu đất.



Cái niêu đất nung nâu sẫm be bé, miệng hơi khum to hơn tô canh một chút đậy nắp kín với đôi đũa cả gác một bên. Ăn cơm đập ở các nhà hàng, khi niêu cơm được bê lên, người phục vụ mới gõ nhẹ chiếc búa nhỏ vào niêu, những mảnh đất nung vỡ vụn rơi xuống đất còn lại trên tay là ổ cơm chín mịn màng ở giữa nhưng chung quanh là một lớp cháy giòn đều vàng mỏng.


Thường cơm niêu được ăn kèm với cá kho tộ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua mồng tơi….

10. Cơm nị


Cơm nị một món ăn truyền thống của người Chăm, Châu Giang, An Giang. Cơm nị thường là gạo nấu với sữa nhưng có người lại thích thêm nho khô vào để tăng thêm khẩu vị.



Người Chăm hay ăn Cơm nị với cà púa là món ăn được chế biến từ thịt bò rất độc đáo. Hai món ăn này thường bổ sung cho nhau tạo nên hương vị độc đáo và cầu kỳ mang khẩu vị người Chăm.

Cơm nị - cà púa mang mùi ngọt béo của sữa, vị bùi của đậu phộng, vị mặn ngọt của thịt bò cùng với vị cay xè của ớt, vị ngọt của nho khô làm ngẩn ngơ lòng thực khách. Tất cả đem lại cho người ăn một cảm giác thơm ngon, thật lạ miệng, no bụng mà chẳng thấy ngán.

Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress

.

© 2017 www.blogthuthuatwin10.com

Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: nguyenanhtuan2401@gmail.com
Điện thoại: 0908 562 750 ext 4548; Liên hệ quảng cáo: 4567.