Hiển thị các bài đăng có nhãn Bạn trẻ - Cuộc sống. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bạn trẻ - Cuộc sống. Hiển thị tất cả bài đăng

Cô gái có sở thích trang trí mặt mỗi ngày

Sandra Suárez mỗi ngày đều đăng tải một bức hình trang trí mặt mình thật hài hước lên Instagram.
Theo Buzzfeed, Sandra Suárez - cô gái người Tây Ban Nha có sở thích khá khác người.

Sandra mỗi ngày thường sáng tạo ra một chiếc mặt nạ để trang trí lên khuôn mặt mình sao cho thật hài hước.
Bằng việc dùng màu nước và một số vậy dụng đơn giản, cô bắt đầu lên kế hoạch thực hiện dự án "làm đẹp" này trong suốt 365 ngày.
Hàng ngày, cô gái người Tây Ban Nha chia sẻ một bộ dạng khác nhau của mình lên Instagram. Cũng vì vậy mà hiện trang cá nhân Artedemiar của cô đã hút gần 53.000 người theo dõi.
Sandra cho biết, ban đầu cô chỉ thực hiện để cho vui, giúp thư giãn hơn sau những giờ làm việc căng thẳng.
"Đôi khi chúng ta thường mải mê làm mà quên chúng ta cũng cần phải giải trí" - cô nói.
Các hình ảnh hài hước của cô chia sẻ hàng ngày đều khiến cộng đồng mạng thích thú và không ngừng ủng hộ cô tiếp tục dự án.
Sandra cho hay: "Vừa qua đã có một số nữ sinh ở Indonesia nói rằng chính tôi là nguồn cảm hứng để họ học tập tốt hơn và có được những sáng tạo mới mẻ cho các hoạt động ngoại khoá ở trường. Thật sự tôi rất vui vì điều đó".
Cô gái trẻ dự định sẽ phát triển dự án này dưới nhiều hình thức độc đáo hơn.
Theo Trần Linh

Bài học nói dối và giọt nước mắt của mẹ

Cô giáo bảo con nói dối là một tính xấu và không nên có. Trẻ con càng không nên nói dối. Nhưng, con đã từng nói dối mẹ.
Ngày còn học cấp II, con đã lấy tiền của mẹ và đi chơi điện tử cả buổi. Đến tối mẹ gọi, con giả vờ đi học thêm để chơi cho đến khuya. Rồi những tối, mẹ vào phòng xem con học bài. Con giả vờ chăm chỉ học khi có mẹ ở đó rồi “đuổi khéo” mẹ đi. Con ôm máy tính và đeo tai nghe, đóng kín cửa phòng bật nhạc rồi cày game tới sáng. Thấy con thức khuya, sáng sớm đã ngáp dài mệt mỏi, mẹ vội lục lọi đồ ăn và thuốc bổ cho con để con lấy sức học tập. Nhưng mẹ đâu biết đó là vở diễn con đã lên kịch bản từ trước. Mẹ vẫn tin con vì con được cái sáng trí, kết quả học tập của con cũng không quá tệ.
Hồi học đại học, con ít về nhà. Lần nào con về mẹ cũng mua hết cái này đến cái khác, làm hết món này đến món kia. Mỗi lần con đi, mẹ lại giấu bố, dúi thêm tiền để con tiêu thêm. Nhưng số tiền ấy, con lại dùng vào mấy trò vô bổ. Con tham gia đội đua xe và phượt nhóm. Những khoản tiền chi trả cho những cuộc rong ruổi ấy không có điểm dừng. Ngày bố mẹ phát hiện ra chính là ngày con nằm sõng soài trong căn phòng trắng toát ngột ngạt mùi chất tẩy rửa bệnh viện. Mẹ khóc, con chưa thấy nước mắt mẹ rơi nhiều đến vậy.
Có lần, con đi chơi về khuya. Mẹ đứng cổng chờ đến 12 giờ đêm. Con nồng nặc mùi rượu, ngồi quặt quẹo sau chiếc xe ôm. Mẹ lại giấu bố thức cả đêm chăm con. Mẹ không mắng, nước mắt mẹ lại rơi lã chã khiến tin con đau nhói.
Con nhớ nhất ngày con học năm thứ 3, con dẫn bạn gái về nhà nằng nặc đòi cưới. Bố cầm roi đánh con và đuổi con ra khỏi nhà. Mẹ ôm con, che trận mưa roi của bố. Mẹ giận con lắm, chẳng thèm nói với con câu nào. Ông bà ngoại nhiếc mắng con, bảo con làm khổ mẹ. Mọi người đổ lỗi cho mẹ đã quá nuông chiều làm con hư.
Có bố mẹ nào dạy con nói dối và cãi lời người lớn? (Ảnh minh họa)
Con vừa nghe câu chuyện về những đứa con làm bố mẹ phiền lòng.
Có đứa nói dối mẹ đi học, rồi vào quán chơi điện tử hoặc đến nhà bạn gái chơi. Có những đứa hôm nay quên sách ngày mai quên vở, rồi cùng lũ bạn học đòi đua xe, cá độ, ăn mặc hở trên rách rưới. Bố mẹ khuyên nhủ, chúng lại bảo lớn rồi tự biết lo. Con cũng mới xem clip trên mạng thấy người ta tung cảnh con cái chửi bới và vô lễ với chính người cha đẻ của mình.
Lòng con quặt thắt vì chính con đã từng bao lần nói dối và làm bố mẹ đau lòng.
Con đã hiểu sự khổ tâm của mẹ, biết được những giọt mồ hôi mặn chát đầy vất vả của bố. Con bỏ chơi trò điện tử ngày nào, bỏ những cuộc chơi quên ngày tháng.
Con biết, nước mắt của mẹ đã không ngừng rơi khi con ra đời. Rồi nuôi con lớn, mẹ chịu đựng những lời chê trách của mọi người vì thương con và sợ con khổ.  Con tự hỏi mẹ đã dành bao nước mắt để cho con? Con đã lớn, đã trưởng thành. Con muốn đôi mắt mẹ sẽ lấp lánh nụ cười chứ không phải đong đầy nước mắt.
Khi con cái sai lầm, mọi người thường đổ lỗi cho sự giáo dục của gia đình, nhà trường. Nhưng cũng một mái trường, có khi cùng bố mẹ mà đứa chị - đứa em đã trái tính trái nết nhau. Thế nhưng có bố mẹ nào dạy con nói dối và cãi lời người lớn?
Theo Đỗ Huệ

Nữ sinh 2 năm liền đoạt giải quốc gia môn Sử

Với việc đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn sử năm nay, Vũ Hoàng Ngọc Lê, lớp 12C2 trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đã gây ấn tượng bởi cú đúp đạt giải quốc gia liên tục trong 2 năm học.
Ấn tượng
Có niềm đam mê với môn lịch sử từ bé, ngay từ khi còn học cấp 2, Ngọc Lê đã gặt hái cho riêng mình một bảng thành tích đáng nể. Tiêu biểu là giải nhì cấp thành phố và nhiều giải thưởng của trường trong các cuộc thi tìm hiểu lịch sử.
Từ những nền tảng đó, cô nữ sinh này đã xuất sắc đứng thứ hai về điểm số trong đợt thi tuyển vào lớp 10 chuyên Sử trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Ngay năm lớp 11, Lê đã được chọn vào đội tuyển Sử dự thi học sinh giỏi quốc gia. Không phụ lòng mong mỏi của gia đình, thầy cô và bạn bè, cô học trò nhỏ đã giành được giải ba quốc gia trong kỳ thi học sinh giỏi lịch sử năm ngoái. Tiếp nối thành công đó, năm nay em lại khiến nhiều người phải nể phục khi tiếp tục “ẵm” được giải thưởng quốc gia, một vinh dự không dễ để có thể đạt được.
"Cú đúp" giải quốc gia của Ngọc Lê có sự đóng góp không nhỏ từ những câu chuyện, lời ru của mẹ
Hân hoan với giải Nhì đạt được, Lê chia sẻ: “Mặc dù, không được giải Nhất, nhưng với giải thưởng này và việc được ra Thủ đô dự lễ tuyên dương đã là cả một niềm tự hào vô cùng lớn với chính bản thân em, ghi nhận những nỗ lực mà em đã theo đuổi”. 
Khiêm tốn kể về những kỷ niệm đáng nhớ với cú đúp này, Lê cho biết chính bản thân cũng không nghĩ tới việc nhận được những vinh dự lớn này. “Lịch sử là niềm đam mê, cùng đó là sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo bộ môn, nhưng năm ngoái em đã rất bất ngờ khi nhận được giải ba vì thời điểm ấy mới chỉ học lớp 11. Năm nay, thực sự em đã vỡ òa trong sung sướng khi tiếp tục đoạt giải quốc gia” cô nữ sinh nói.
Học Sử ngay từ những gì xung quanh   
Điều đặc biệt, niềm đam mê đến với em, và giờ đây là những thành công mà em đạt được, xuất phát từ chính từ những câu chuyện, lời ru của mẹ. “Chính mẹ cũng là người đam mê với sử học, và qua những câu chuyện, lời ru ấy đã làm cho em thấy thú vị từ bé, từ đó ngày càng tìm hiểu nhiều sách, tư liệu về lịch sử và không biết từ bao giờ lịch sử đã đi vào trong tâm trí em”, Lê chia sẻ.
Về cách học hiệu quả của mình, Lê cho biết, do từ bé đã thường xuyên nghe báo đài nên cô học trò này đã có thể biết tới và ý thức được các sự kiện lớn, trọng đại của dân tộc. Nghe nhiều thành quen, khiến những điều đó dần khắc sâu vào tâm trí. Sau đó, với từng giai đoạn, em tìm hiểu có những sự kiện khác gì liên quan, ví dụ như những sự kiện và mốc thời gian nào dẫn đến những sự kiện tiêu biểu đó,... “Em thường xuyên tìm hiểu sách báo bên ngoài những điều thú vị về lịch sử mà học trong sách giáo khoa không thể nào biết được. Chỉ cần tìm thấy những điều thú vị ở các sự kiện sẽ giúp mình nhớ được dễ dàng và lâu hơn, đặc biệt là những thông tin bên lề”, Lê nói.
Nói về bí quyết học sử của mình, Lê cho rằng dùng sơ đồ tư duy-hình cây để xâu chuỗi các sự kiện là hết sức cần thiết. Và việc chính bản thân đọc và tự xây dựng sơ đồ này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, có thể dùng thêm những hình ảnh minh họa hoặc từ ngữ liên tưởng đặc biệt nào đó để có thể ghi nhớ. Lấy dẫn chứng, em đã từng thông qua một bức hình trong sách giáo khoa về một hội nghị, để xem nét mặt, thái độ của những đại biểu, qua đó ghi nhớ về diễn biến sự kiện đó.
Tuy vậy, cô nàng hai năm liền đạt giải quốc gia này cũng chia sẻ khó khăn khi học môn Sử. Nhiều sự kiện trong sách giáo khoa trình bày dài dòng và khô khan khiến Lê thấy khó tiếp cận, và nếu không biết cách lọc từ ngữ và các ý thì khó có thể nhớ được. Chưa kể, việc quá ít hình ảnh minh họa cũng hạn chế cảm hứng của em với môn học này.
Để có được những thành công hôm nay, Lê cho rằng phương pháp dạy sử của thầy cô đóng vai trò quan trọng
Theo Ngọc Lê, việc học sử giúp em nhiều điều trong cuộc sống, vì mạch thời gian đều liên quan đến những sự kiện xảy ra ở hiện tại và tương lai. “Mỗi khi xem thời sự hay những chương trình, các bộ phim nói về những sự kiện từng thời kỳ, kiến thức có được giúp em dễ hiểu, cảm thấy thích thú khi giải thích cho mọi người”, Lê cười nói.
Không chỉ là một học sinh xuất sắc ở trường, là “kho kiến thức” có thể giúp đỡ các bạn cùng lớp, Lê là một người chị mẫu mực, đầy trách nhiệm ở nhà, khi đã tiếp tục truyền cho em gái mình tình yêu với môn Sử bằng việc kể lại cho em những câu chuyện và ý nghĩa của những sự kiện đó.   
Với việc đạt giải Nhì quốc gia, bỏ qua cơ hội được tuyển thẳng vào nhiều trường Đại học, cô nữ sinh này đang ấp ủ ước mơ trở thành một chiến sĩ công an. Sắp tới, Lê sẽ đăng ký dự thi Học viện cảnh sát, tuy nhiên, để vào được ngôi trường này, tới đây em tiếp tục nỗ lực học đều 3 môn khối C để vượt qua kỳ thi tuyển sinh.
Theo Thanh Hùng

Cô gái Việt bé nhỏ chinh phục đỉnh Harvard

Năm học 2014 - 2015, nhiều trường ĐH đẳng cấp thế giới đã “điểm danh” nhiều bạn trẻ Việt Nam với những suất học bổng toàn phần. Tuy nhiên, được ĐH Harvard tặng suất học bổng giá trị “khủng” như Lã Hồ Thị Minh Khuê thì có lẽ là trường hợp duy nhất.
Đa tài
Minh Khuê là con gái của nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu (Thời báo Ngân hàng). Chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ (vốn học giỏi Toán, nhưng lại thi vào ĐH Tổng hợp Văn), Khuê đa tài, tự chủ, đầy cá tính ẩn trong vẻ ngoài mềm mại, nữ tính. Khuê đoạt giải bạc trong cuộc thi piano quốc tế tại Hàn Quốc năm 2010.
Tháng 6/2013, Khuê thực hiện thành công hai dự án nghệ thuật của mình, đó là đêm hòa nhạc “Giai điệu Mùa Hạ” với bản Concerto Piano Beethoven N.3 cùng dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ kịch mà Khuê là pianist và một triển lãm nghệ thuật cá nhân mang tên “Tình yêu của tôi” trưng bày 22 tác phẩm hội họa mà Khuê sáng tác…
Thành công của hai dự án đó đã giúp Khuê gom được nguồn quỹ nho nhỏ để gây dựng 22 tủ sách cho một dự án sách hóa nông thôn.
Lã Hồ Thị Minh Khuê (Ảnh: Lê Thanh Tùng)
Gia đình Khuê có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mẹ chia tay nhau khi cô còn bé. Cô rất nhạy cảm, nhưng cũng giàu ý chí vươn lên. Trong suốt 12 năm học phổ thông, thỉnh thoảng, cô lại làm cho mẹ “đứng tim” khi cứ tự đặt ra cho mình những thử thách để vượt qua.
“Năm lớp 6, khi đó em còn nhỏ nên việc chọn học lớp chuyên Anh của Trường THCS Giảng Võ là theo định hướng của mẹ. Em cũng đồng ý rằng, đó là một lựa chọn sáng suốt, bởi trong một thời đại cảm hứng toàn cầu như hiện nay, muốn hòa nhập tốt với bạn bè quốc tế, thì sở hữu một khả năng tiếng Anh giỏi là chiếc chìa khóa vàng. Tuy nhiên, ngay từ bé, em đã rất yêu toán học. Trong quá trình học, em may mắn được học và tiếp xúc với những thầy cô giỏi và truyền cho em niềm đam mê toán học, trong đó có cô giáo Đoàn Thị Nụ - người dạy em 4 năm THCS. Em dành nhiều thời gian với môn toán và nhận ra vẻ đẹp của toán học, để rồi đam mê nó. Đó là lý do dù đang có những thành tích vượt trội về tiếng Anh, từng đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp thành phố, em vẫn quyết định thi vào chuyên toán của trường Ams”, Khuê tâm sự.
Thoạt tiên, Khuê chỉ đỗ lớp toán 2. Với mục tiêu du học được đặt ra từ khá sớm, lẽ ra Khuê có thể “an phận” để tập trung chuẩn bị cho việc có một bộ hồ sơ “đẹp”, nhưng cô lại tiếp tục “vượt qua thử thách”: thi vào lớp toán 1. Theo Khuê, nếu chỉ làm những gì có lợi cho việc du học, như tập trung thi chuẩn hóa (SAT, SAT II, TOEFL…) và đạt điểm tổng kết các môn trên lớp cao (GPA).v.v… thì vẫn chưa đủ.
Đam mê
“Em hiểu nền giáo dục đại học Mỹ trân trọng tất cả những ai biết cố gắng vì sự đam mê của chính mình. Em thích học môn toán nên em muốn thử sức mình trong những tình huống khó mà toán học đưa ra, vì toán học giúp ta nhận biết nhiều quy luật khách quan chứ không chỉ là những con số khô khan khó hiểu. 

“Bạo gan” lựa chọn Harvard, Khuê cho biết, em không bị cuốn hút bởi danh tiếng của trường này. Hỏi, từng có một cuốn sách “Em phải đến Harvard để học kinh tế”, em không học kinh tế thì đến Harvard làm gì, phải chăng vì danh tiếng của nó? Không riêng với môn toán, khi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục khác, em không hề nghĩ đến chữ “du học” mà chỉ đơn giản nghĩ rằng, đây là công việc mình muốn làm, muốn dấn thân… và mình cần phải cố gắng. Cách đây hơn chục năm, khi lần đầu tiên bước vào các lớp học đàn, học vẽ, em đâu có hình dung được rằng, đó cũng chính là điểm bắt đầu của con đường đưa em đến cổng trường Harvard”, Khuê chia sẻ.
Khuê đáp: “Cuốn sách đó được một bà mẹ người Trung Quốc viết từ năm 1998. Thời điểm ấy, nhận thức, quan điểm về việc đến Mỹ học đại học của người dân châu Á nhìn chung khác với bây giờ. Em muốn học ngoại giao và nghệ thuật ở Harvard không chỉ vì ngôi trường này là nơi hoàn hảo để đào tạo ra những nghệ sỹ lớn, những nhà ngoại giao danh tiếng. Em chọn Harvard trước hết bởi triết lý giáo dục của Harvard rất phù hợp với những gì em được dạy dỗ: “Chúng ta cần học để phát triển tố chất, chứ không phải vì có tố chất sẵn có mới được học”.
Thông tin thêm: ĐH Harvard đã ghi nhận những cố gắng của Khuê bằng cách tặng cho cô suất học bổng trị giá 320.000 USD/4 năm học (bao gồm học phí, tiền sinh hoạt, tiền bảo hiểm, vé máy bay khứ hồi Mỹ - Việt 2 lần/năm…), chưa kể chi phí cho gia sư những môn nghệ thuật mà Khuê cần tới.
Theo Quý Hiên

Cuộc đời nữ sinh làm mẹ đơn thân tuổi 16

Câu chuyện đẫm nước mắt về nữ sinh bị chính thầy giáo làm cho có thai và những tấn bi kịch đầu đời đã lấy đi không ít nước mắt của dân mạng.
Được chia sẻ trên fanpage NEU Confessions, câu chuyện lấy nước mắt của không ít dân mạng kể về một nữ sinh bị thầy làm có thai rồi bỏ rơi, sau đó mất cả bố lẫn mẹ nhưng vẫn vừa học vừa làm để nuôi đứa con nhỏ và trở thành người phụ nữ thành đạt.
Những giọt nước mắt đã rơi khi đọc dòng chia sẻ của người trong cuộc. Họ chia sẻ, dường như họ cảm nhận được nỗi đau của cô nữ sinh ngày ấy, họ thương cho cô bé nhỏ tuổi nhưng đã phải chịu nhiều đắng cay trước bão tố cuộc đời.
Nội dung bức thư viết về cuộc đời đau khổ của nữ sinh:
Chào các bạn, tôi là một K50 của NEU (Đại học Kinh tế Quốc dân). Biết đến Confessions này cũng khá lâu rồi nhưng hôm nay tôi mới đủ can đảm chia sẻ về câu chuyện của cuộc đời mình. Mong những bạn gái, những ai đang lầm đường có thể một lần nhìn lại mà ra quyết định đúng đắn hơn.
Tôi đã từng là một đứa con ngoan, trò giỏi, được thầy cô yêu mến, bạn bè nể phục và bố mẹ thì hết sức chiều chuộng. Tôi ưa nhìn, năng động, lại luôn vui vẻ lạc quan. Từ bé đến lớn tôi luôn được bảo bọc kỹ lưỡng nên chẳng biết đến vất vả là gì. Có lẽ chính vì cuộc sống quá xuôi chèo mát mái ấy mà tôi cứ ảo tưởng cho mình là giỏi giang bản lĩnh lắm.
Sóng gió chỉ đến và thử thách cái bản lĩnh kém cỏi ấy của tôi khi tôi bắt đầu lên lớp 9. Gia đình gặp biến cố lớn, bố mẹ và anh chị buộc phải vào Sài Gòn sinh sống, để tôi một mình ở nhà với ông bà một thời gian rồi chuyển vào sau.
Cuộc sống cũng không có gì đáng nói nếu tôi không gặp người đó. Khi ấy anh là thầy giáo trẻ mới chuyển về trường cấp 3 của tôi công tác, phụ trách ngay lớp tôi.
Tôi là lớp trưởng nên thường xuyên trao đổi với thầy về nhiều việc. Tôi quý thầy, coi thầy như người anh lớn của mình. Thầy cũng rất quý tôi, luôn quan tâm chăm sóc cho tôi từng chút một.
Có lẽ sự cô đơn, thiếu vắng tình cảm gia đình của tôi đã khiến thầy mềm lòng chăng? Còn với tôi, choáng ngợp trước sự hiểu biết, thâm trầm cùng sự dày dạn kinh nghiệm trong cuộc sống của thầy. Tôi nhanh chóng nghĩ đó là tình yêu.
Ngày qua tháng lại, sau bao lần thầy xuống nhà tôi kèm tôi học (tôi là thành viên duy nhất trong đội tuyển học sinh giỏi của thầy) thì chuyện gì đến cũng phải đến. Tôi hiểu điều đó có nghĩa là gì, tôi đã trở thành đàn bà ở cái tuổi 16 như thế.
Từ ngày đó trở đi, tôi yêu thầy bằng con tim non nớt và suy nghĩ ngô nghê của một đứa học trò. Cứ nghĩ sau này chỉ vài năm nữa thôi, chúng tôi sẽ có thể ở bên nhau một cách đường đường chính chính.
Tôi không phủ nhận là thời gian đó, mình đã hư hỏng đến như thế nào. Bởi ông bà tôi ở cách đó gần 2 cây số, chỉ có mình tôi trông nhà, nên gần như tối nào thầy cũng qua và nói muốn kèm tôi học, nhưng sự thực là làm gì thì có lẽ mọi người đều đoán được.
Tôi như kẻ bị mù chỉ tin vào mình thầy, chỉ nghe lời duy nhất thầy, đáp ứng mọi yêu cầu của thầy, vì nghĩ rằng là tình yêu thì phải thế.
Tất cả chỉ thực sự sụp đổ khi tôi mang thai. 16 tuổi, làm mẹ ở cái tuổi 16 ư? Tôi chưa từng nghĩ đến. Tôi nói chuyện với thầy, mong tìm ra cách giải quyết nào đó, nhưng đáp lại sự mong mỏi của tôi, thầy ráo hoảnh coi như đứa bé đó chẳng liên quan gì đến thầy.
Thầy phân tích cho tôi thấy, tốt nhất là tôi nên lặng lẽ bỏ đứa bé đi, đừng dại dột mà làm rùm beng mọi chuyện. Tôi hiểu những gì thầy nói, tôi biết thầy nói đúng. Ở vùng quê này thì ai tin được một thầy giáo đường hoàng, đạo mạo lại có thể làm cho một con bé (đã từng) rất giỏi giang mang bầu cơ chứ?
Ai có thể chấp nhận được một đứa con gái như tôi? Tôi có trách thầy không? Có chứ. Nhưng có lẽ tôi trách bản thân mình nhiều hơn. Tôi ngu ngốc và quá non dại, để bây giờ cái giá phải trả là quá đắt cho cái sự kém cỏi đó.
Sau khi nói chuyện với thầy xong, tôi chỉ cười nhạt và không bao giờ có ý định đến tìm thầy một lần nào nữa. Người đàn ông tôi từng nghĩ là tôi yêu, yêu bằng cả trái tim dại dột, u mê của mình, giờ chỉ còn là nỗi chán chường và thất vọng trong tôi.
Lấy hết can đảm, tôi kể với bố mẹ mọi chuyện. Gần như ngay lập tức, bố mẹ tôi bay ra Bắc.
Trái ngược với suy nghĩ của tôi, nhìn thấy tôi, bố mẹ chỉ khóc. Ngay khi nhìn những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của bố mẹ, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra tôi là đứa con bất hiếu đến nhường nào.
Rất nhanh sau đó, tôi chuyển trường vào Sài Gòn. Tôi ra đi trong lặng lẽ, không kịp chào tạm biệt cả những bạn bè thân, cũng không có cơ hội gặp lại thầy một lần nào nữa.
Thời gian mang bầu Sún (tên con trai tôi) là thời kì tôi đau khổ nhất. Học lớp 11 mà phải đến trường với cái bụng bầu vượt mặt, không phải nói chắc mọi người cũng đoán được phần nào tôi ê chề nhục nhã ra sao. Thật may khi ngôi trường tôi theo học đồng ý chấp nhận tôi, các bạn bè cũng không dò xét nhiều mà đối xử với tôi rất đúng mực.
Ở cái thành phố hoa lệ này, có lẽ họ cũng không quá bận tâm về một con bé mang bầu ở cái tuổi trẻ măng như thế. Gia đình tôi luôn khuyên tôi nên tạm nghỉ một năm, đợi sinh xong rồi tinh tiếp. Nhưng tôi sợ rằng khi tôi rời xa trường học, tôi sẽ sụp đổ. Tôi sợ hãi những khoảng thời gian nhàn rỗi của mình vì khi ấy, những ký ức về thầy, về quãng thời gian buông thả ấy cứ hiện lên giày vò và cắn xé tôi.
Tôi thương con, thương gia đình nên tôi lại càng phải cố gắng hơn gấp bội. Tôi chăm chỉ đi học ở trường, tập thể dục đều đặn, về nhà lại học tiếng Anh, nghe nhạc và cố gắng không để mình rơi vào trạng thái trầm cảm.
Quãng thời gian đó, nếu không có tình yêu của bố mẹ và anh chị, có lẽ tôi đã chẳng thể vượt qua được. Đến cuối năm lớp 11, tôi sinh bé Sún. Nếm trải nỗi đau đớn tột cùng ấy, tôi mới càng thấy trân trọng sinh mạng của mình, trân trọng gia đình và cuộc sống này nhiều hơn.
Thật may mắn, bé Sún lớn lên dù không có tình yêu của bố nhưng cũng rất ngoan ngoãn và kháu khỉnh. Con đáng yêu và rất quấn bà ngoại. Gia đình tôi tuyệt nhiên không bao giờ nhắc đến khoảng thời gian đó nữa, cũng không bao giờ hỏi tôi về thầy, về cha của Sún.
Nỗi vất vả khi làm một người mẹ đơn thân không phải ai cũng có thể hiểu, nhất là khi tôi lại làm mẹ ở cái tuổi quá trẻ như vậy.
Nhưng tôi biết mình không được phép mềm yếu, mình có gia đình bên cạnh, mình phải cứng cỏi lên để có thể chăm sóc được con. Thời gian đó, tôi tạm nghỉ học để ở nhà chăm sóc cho con cứng cáp hơn một chút.
Nhưng cuộc đời chưa chịu dừng lại ở đó, vào một buổi chiều, bố mẹ tôi đi làm về và bị tai nạn giao thông. Họ đột ngột qua đời. Khi đó, tôi đang học cuối năm 12 và bé Sún đã được gần 2 tuổi.
Nỗi vất vả khi làm một người mẹ đơn thân không phải ai cũng có thể hiểu (Ảnh minh họa)
Không thể diễn tả được nỗi đau tột cùng của anh chị em tôi khi đột ngột mất đi 2 người thân yêu nhất ấy. Riêng với tôi và con, nó chẳng khác gì rơi xuống vực sâu mà không cách nào lên được.
Tôi đã làm khổ bố mẹ quá nhiều, chưa bù đắp được một ngày nào mà giờ bố mẹ đã vội ra đi. Bây giờ khi đang ngồi đây và viết những dòng này, tôi vẫn đang khóc. Nhưng không còn là giọt nước mắt yếu đuối của ngày ấy, tôi chỉ muốn cho bố mẹ thấy là tôi đã vượt qua nỗi đau đó như thế nào và sống ra sao, để bố mẹ có thể yên lòng.
Hết năm học lớp 12, tôi một mình đem con ra Bắc, mặc cho lời ngăn cản quyết liêt của anh chị. Nhưng tôi quyết tâm thực hiện mong mỏi của bố khi còn sống, đó là tôi có thể đỗ được vào trường đại học KTQD (kinh tế quốc dân). Vừa chăm con, vừa ôn thi, đó là khoảng thời gian cơ cực, gian khó nhất đối với một đứa con gái vốn chưa bao giờ phải chịu khổ về vật chất như tôi.
Tôi gửi con ở một nhà trẻ tư nhân, sáng đi dạy thêm, chiều đi chạy bàn, tối về nhà lại vừa chăm con vừa ôn thi. Ấy thế mà tôi cũng đỗ, đỗ vào ngành cao điểm nhất trường hẳn hoi. Ngày biết tin mình đỗ đại học, tôi ôm con ngồi khóc suốt cả một đêm. Cuộc sống của mẹ con tôi giờ sẽ đi tiếp về đâu đây?
Phòng trọ nghèo nàn, thiếu thốn đủ mọi mặt. Vậy mà trời thương con tôi vẫn lớn lên kháu khỉnh và khỏe mạnh. Con đáng yêu, nghe lời và sống rất tình cảm. Anh chị tôi thương em, bảo tôi để con cho anh chị nuôi vài năm cho đến khi tôi học xong, nhưng thằng bé quấn mẹ, không thể xa tôi được 1 tuần.
Vậy là tôi vừa đi học, vừa đi làm, vừa chăm con. Nhiều lúc nghèo đến mức tôi chỉ có thể ăn cơm trắng qua ngày, dành tiền mua sữa cho con. Con thiếu thốn, chưa bao giờ biết đến một bộ quần áo đẹp, chưa bao giờ được tôi đưa đi chơi. Vậy mà con không hề đòi. Có lẽ con cũng thương mẹ vất vả và hiểu hoàn cảnh của mình nên rất yêu tôi. Nhiều đêm nằm ôm con, nghĩ về lời con trẻ thỉnh thoảng lại hỏi con không có bố hả mẹ, mà tôi ứa nước mắt.
Tôi cũng mong mỏi cho con một cuộc sống đủ đầy, một gia đình hoàn chỉnh, nhưng có lẽ chưa phải là lúc này. Tôi thương con tôi phải lớn lên dưới mái nhà trọ nghèo nàn chật chội, với sự bận rộn của mẹ, với thiếu thốn đủ đường. Càng thương con, tôi lại càng điên cuồng lao đầu vào học và đi làm.
Vốn tiếng Anh cũng khá nên tôi xin vào làm cho một công ty du lịch, đi tour quanh Hà Nội, nhận tiền típ từ khách du lịch nước ngoài. Tiền lương làm thêm và sự giúp đỡ của anh chị cũng đủ cưu mang mẹ con tôi chật vật đi hết 4 năm dài. Bốn năm đó, công việc gì tôi cũng đã từng thử, có đêm chỉ ngủ 2-3 giờ đồng hồ. Từ gia sư, rửa bát thuê, chạy bàn, PG, đến bán hàng, phụ bếp, gì tôi cũng từng làm.
Và trong một lần đi gia sư, tôi đã gặp chị. Chị là mẹ của học sinh tôi dạy và cũng là một người mẹ đơn thân. Biết hoàn cảnh của tôi, chị thương lắm. Chị giúp đỡ tôi rất nhiều mà bây giờ tôi vẫn chưa sao trả nghĩa cho chị hết được.
Chị coi tôi như em gái, cho tôi vào làm trong công ty của chị, vô tình lại là nơi phù hợp với ngành nghề tôi đang học. Vậy là mới năm thứ 3 thôi, tôi đã có công việc với đồng lương đủ nuôi con mà không cần nhờ đến anh chị nữa.
Bây giờ, khi đã ra trường được 2 năm, nhờ sự cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của chị, tôi đã là trưởng bộ phận, đã có đủ tiền để nuôi con, thuê cho con một cái nhà tốt hơn, mua cho con hộp sữa tốt hơn.
Vì yêu cầu công việc, tôi cũng chú trọng đến ngoại hình nhiều hơn. Và ít nhất cũng đã trở thành một trưởng bộ phận năng động, trẻ trung và xinh xắn như mọi người nhận xét.
Khi cuộc sống đang dần ổn định như thế thì tôi lại gặp lại thầy. Thầy xuất hiện trước mắt tôi một cách tình cờ khi thầy đưa cháu trai đến xin việc. Chúng tôi gặp nhau, nhanh chóng nhận ra nhau, rồi cũng nhanh chóng lấy lại vẻ bình thản để đối diện với nhau.
Hận thù trong lòng tôi sớm đã không còn. Tôi chỉ nhìn thầy như một người bạn đã quá lâu không gặp, không chút tò mò về cuộc sống của thầy, cũng không còn bất cứ cảm xúc nào nữa. Và khi đó, tôi biết rằng, tôi đã có đủ dũng khí để gạt lại quá khứ sau lưng mà sống tiếp.
****
Nhiều dân mạng bật khóc cho rằng, cuộc đời của mỗi con người là một câu chuyện dài. Và đây là một cuộc đời cay đắng, nhiều nước mắt. Họ khâm phục ý chí người phụ nữ nghị lực trong câu chuyện, cũng trách cho thầy giáo thiếu tình yêu thương kia.
Nick name Kiến Còm chia sẻ: “Tôi đã khóc khi đọc câu chuyện về cuộc đời chị. Xót xa cho phận đàn bà phải trải qua nhiều đắng cay tủi nhục để có ngày hôm nay. Thương cho chị quá. Chúc chị luôn mạnh khỏe và vượt qua tất cả”.
Còn Hoàng Nguyên lên tiếng: “Chị ơi! Chị thật là mạnh mẽ. Em ngưỡng mộ chị quá. Quá nhiều nỗi đau, quá nhiều tủi nhục với một cô nữ sinh. Chúc chị luôn thành công trong cuộc sống”.
“Em xin cảm ơn câu chuyện của chị. Em cũng đang ở trong một nỗi đau, có lẽ chẳng bao giờ em vượt qua được. Giờ có câu chuyện của chị em như có thêm niềm tin, có thêm sức mạnh. Em cảm ơn chị nhiều ạ!” Bạn Ly Ly Trần chia sẻ.
Không ít những người đồng cảnh ngộ cũng vào đây cùng chia sẻ câu chuyện cuộc đời của mình "cảm ơn chị, chị đã tiếp thêm nghị lực cho em", "cảm ơn chị, tôi cũng đang rất đau lòng", .... Với nhiều dân mạng câu chuyện như là một tấm gương về nghị lực kiên cường của con người khi gặp khó khăn, thử thách. Họ chúc cho chị sớm vượt qua nỗi đau, tìm được những điểm tựa, ánh sáng trong cuộc đời.
Theo Chương Tương

Đám tang làm rúng động làng quê nghèo

Một đám tang bi thương khiến cả làng ngậm ngùi, nhiều người khóc thương cho gia đình anh H.
Anh H lấy chị L từ đôi bàn tay trắng. Cùng nhau chắt chiu xây dựng sự nghiệp tới nay, anh chị đã có 2 đứa con trai. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với gia đình bé nhỏ nhưng tới một ngày anh bị vướng vào vòng lao lý chỉ vì bị quy tội ăn trộm 1 con bò của nhà trong thôn.
Biết chồng bị kết án 5 năm tù chị L tưởng như ngất đi. Cũng từ hôm đó, hàng xóm láng giềng không ai dám tiếp xúc với nhà chị. Hai đứa con lên lớp cũng bị bạn bè trêu chọc, thậm chí thằng con cả còn bị bạn bè đánh cho sưng môi, tay chân đầy vết xước chạy về ôm lấy mẹ “Mẹ ơi, chúng nó gọi con là con của thằng ăn trộm bò, mẹ à! Chúng còn đánh chửi con bảo rằng cẩn thận không nó lấy hết sách vở”.
Không những thế, hễ trong lớp mất đồ là chúng nó cứ quy cho các con của chị. Đến cả hàng xóm cũng chửi rủa chị hễ mất con gà, con ngan "chúng mày có thói trộm vặt, nếu động vào gà vịt nhà bà bà chém", "bà nói cho mà nghe cái đồ ăn trộm kia",...
Bao đêm chị khóc vì tai bay vạ gió không biết từ đâu đưa tới nhà mình. Chị không ngờ cuộc sống của mình rồi cũng có lúc như thế. Nhưng vì thương chồng, thương các con mà chị cố gắng nín náu sống qua ngày. Để đủ tiền cho con ăn học, chị ngoài hái măng, kiếm củi còn đi làm thuê làm mướn.
Cứ thế 3 mẹ con dựa vào nhau, rảnh rỗi chị lại kể chuyện cho con nghe. Chị cũng không quên dặn dò chúng cố gắng, sống tốt rồi bạn bè sẽ thương yêu chúng như ngày nào. “Nếu bạn có trêu cũng đừng đánh lại bạn con nhé! Con cứ im lặng đi về. Chúng có đánh con cũng im, đừng nói lời nào”,chị nức nở dặn con trong lòng đau như cắt.
Thấm thoắt 5 năm trôi qua chồng chị cũng trở về với mái ấm xưa. Anh H sau bao ngày tháng ở tù về già đi trông thấy. Nhìn thấy vợ con, anh vui như được sống lại. Hai vợ chồng thủ thỉ tỉ tê sau bao ngày xa cách. Những giọt nước mắt anh rơi khi biết vợ con vì mình mà chịu bao tủi nhục.
Anh bỏ nghề đi buôn bò, chuyển sang phụ hồ cùng bạn bè. Tuy khổ cực nhưng với quyết tâm nuôi sống gia đình, bù đắp ngày tháng xa cách khiến anh H quên đi tất cả. Nhưng sự đời đâu phải như con người nghĩ. Anh H muốn sống tử tế lương thiện cũng chẳng được. Bởi trong số bạn bè cùng tổ thợ với anh có C, một tên hung hăng láo xược. Hắn biết anh mới ở tù về nên thường nói lời mỉa mai, khó nghe. Cơ bản hắn chỉ muốn gây sự thử độ cứng của anh. Bao phen anh nín nhịn, nhưng có lẽ anh càng hiện C càng quá đáng. C không ngớt nói lời nhục mạ “Mày là thằng đi tù”, “Mày là thằng ăn trộm”,…
Đi làm được 6 tháng, anh H lại bị mọi người trong tổ thợ nghi là ăn cắp vật tư của công trình. Anh giải thích đủ mọi lý lẽ, nhưng chẳng ai tin anh cả. Chỉ là lý do “Chúng tôi đi làm với nhau hơn chục năm nay, chưa từng xảy ra mất trộm. Nghĩ anh đã hoàn lương, sống có trách nhiệm nên cho đi cùng, ai ngờ xảy ra cơ sự. Chưa kể điện thoại của tôi cũng bị mất đêm hôm qua”, tổ trưởng tổ thợ giải thích.
Thấy thế anh C kẻ ghét anh châm chọc “đã bảo là chỉ có hợp với nghề ăn trộm thôi”. Anh giận tím tái mặt, nhưng vẫn im lặng. Anh xếp quần áo về quê với vợ.
Có lẽ dư luận quá cay nghiệt nên chị tuyệt vọng mà gây nên tội ác tày đình (Ảnh minh họa)
Chẳng ngờ vợ anh ở quê cũng nghe được chuyện anh đi làm lại bị nghi ăn cắp. Dân làng không ngớt chửi rủa vợ chồng chị “ngựa quen đường cũ”, “đúng là đẻ ra chỉ có nghề ăn trộm là hợp”, “đôi gà nhà tao cũng bị vợ nó trộm”,… Chị khóc như mưa, nghĩ trời không cho vợ chồng chị một con đường sống nên chị quyết định chết đi cho xong một kiếp người. Nghĩ thế nào, chị làm thế đó. Sáng hôm đó chị lên núi tìm lá ngón (lá độc chỉ có ở miền núi) về giã nước cho cả nhà uống.
Sáng sớm hôm đó, chị thủ thỉ với anh: “Nhà mình đang có đôi gà trống mái, hôm nay anh về mình làm bữa liên hoan cho các con ăn. Cũng lâu lắm rồi mình chưa có bữa cơm nào linh đình”.
Chị cũng không quên động viên H: “Thôi mình ạ, chuyện đã thế rồi. Mình ở nhà làm với em. Đừng nghĩ nhiều làm gì cho mệt mình nhé”.
Anh H chẳng hay biết ý định của vợ nên anh ậm ừ rồi đi làm thịt đôi gà. Hai đứa con thấy lạ nhưng cũng chẳng hỏi gì chúng con sang nhà hàng xóm khoe: “Hôm nay mẹ cháu làm thịt đôi gà để liên hoan bố về bà à”.
Bữa cơm dọn ra chưa kịp mời nhau cả nhà vui vẻ chén sạch. Xong đâu đấy chị rót cốc “nước thuốc” mời chồng gọi là tẩm bổ sau nhiều ngày vất vả, chồng chị không nghi ngờ gì cầm cốc tu một mạch, xong đâu đấy chị đưa cho thằng cả uống trước. Thấy lạ nó hét ầm lên nhưng chị nhất quyết đổ vào miệng. Thằng hai thấy thế mở cửa toan chạy ra ngoài kêu hàng xóm. Nhưng từ lâu chẳng ai để ý tới nhà chị. Thế là 3 bố con nằm lăn ra sàn nhà.
Chị L nhìn 3 bố con lòng đau như cắt: “Thôi trời không cho nhà mình con đường sống thì mình chấp nhận vậy. Trời ơi, sao chúng tôi khổ thế hả giời”. Chị viết lá thư tuyệt mệnh gửi lại cho anh em họ hàng rồi uống thuốc đi theo chồng con.
Đến 3 ngày hôm sau thi thể gia đình anh H được phát hiện. Trong quá trình khám nghiệm người ta phát hiện chị L đang mang thai hai tháng. Có lẽ dư luận quá cay nghiệt nên chị tuyệt vọng mà gây nên tội ác tày đình.
Một đám tang bi thương khiến cả làng ngậm ngùi, nhiều người khóc thương cho gia đình anh H. Những người cùng tổ thợ còn đau xót và ân hận hơn khi nghi ngờ anh H đã ăn cắp, bởi sự thật được làm sáng rõ ngay khi anh H về quê. Anh C người hay châm chọc anh H mới chính là kẻ đã từng rút ruột nhiều công trình và ăn cắp điện thoại của tổ trưởng tổ thợ.
Tôi kể ra câu chuyện này bởi tôi muốn gửi tới những người lầm đường lạc lối một lời khuyên "Đừng bao giờ suy nghĩ tiêu cực và nghĩ quẩn như vậy. Bởi cuộc sống có nhiều nỗi oan khuất, nỗi đau, chúng ta có thể vượt qua nó bằng nhiều cách khác nhau. Thời gian sẽ chứng minh tất cả. Như câu chuyện của anh H và chị L nếu nghĩ thông, anh chị có thể đi đến một nơi thật xa để làm ăn, cùng các con xây dựng cuộc sống mới, cớ sao lại chọn cái chết".
Cũng trách con người trong cuộc sống này, đã không mở rộng tấm lòng từ bi đón nhận những người lầm đường lạc lối quay trở về. Dân làng quá ích kỷ hẹp hòi khi chỉ nhìn nhận từ một phía, để dè bỉu trách gia đình anh H. Lẽ ra họ đã có một cuộc sống hạnh phúc sau sóng gió cuộc đời.
Theo Ngoisaocodon2012

16 tuổi đi trộm, gây án giết người do ham chơi game

Ngày 20/4, theo nguồn tin từ Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, cơ quan này đang tạm giữ đối tượng Ninh Trung Tú (16 tuổi, trú tại TX Tam Điệp, Ninh Bình) để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản.
Đối tượng Ninh Trung Tú tại cơ quan điều tra Trước đó, đếm  16/4, Tú đột nhập vào nhà ông Hoàng Văn Tuấn (67 tuổi) và bà Hoàng Thị Vân (61 tuổi, trú tại đường Dương Vân Nga, TP Ninh Bình) trộm tài sản.
Trong lúc đang lục lọi thì bị bà Vân phát hiện, tri hô, Tú liền rút dao trong người ra đâm tới tấp. Ông Tuấn đang ngủ nghe vợ kêu lớn nên bật dậy, cũng bị Tú lao đến đâm, rồi tẩu thoát. Nghe tiếng kêu cứu, hàng xóm chạy sang, đưa hai vợ chồng đi cấp cứu, nhưng do bị thương nặng nên ông Tuấn tử vong, bà Vân vẫn trong cơn nguy kịch. 
Đối tượng Ninh Trung Tú tại cơ quan điều tra
Nhận được tin báo, công an vào cuộc điều tra, bắt nghi can là Ninh Trung Tú. Tại cơ quan công an, Ninh Trung Tú khai nhận do ham chơi điện tử nhưng không có tiền nên nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. Đêm 16/4, sau khi chơi điện tử ở xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình, Tú đi xe ôm đến phường Vân Giang. Xuống xe đi bộ ở khu vực này, Tú nhìn thấy trong lán nhỏ có hai người đang ngủ say nên lẻn vào lục tìm tài sản. Bị phát hiện, trong lúc hoảng loạn Tú đã ra tay giết người. 
Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Theo N.Hải

Gặp 9X đẻ rớt ở ghế đá công viên Sài Gòn

Tại bệnh viện Từ Dũ, sản phụ N. chia sẻ: “Từ lúc sinh con đến giờ chưa có ai vào thăm em, chỉ có các y tá, điều dưỡng thăm nuôi lo thức ăn và sữa cho con”.
Có mặt tại bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi đã gặp sản phụ N. (sinh năm 1991, quê Ninh Bình, hiện trú tại quận 8 TP.HCM), người đẻ rớt tại công viên 30/4 (quận 1, TP. HCM) vào ngày 31/3 .
Khi nói chuyện, N. rất ngại ngùng. Các y tá chia sẻ, có nhiều người ngỏ ý muốn gặp nhưng cô đều từ chối, đến hôm nay mới đồng ý gặp người lạ để nói chuyện. Con của N. rất kháu khỉnh. Cháu chỉ mới về với mẹ sáng nay và được đặt tên là Bảo.
Cô gái trẻ chỉ hơn 20 tuổi sống một mình, không nghề nghiệp ổn định. Ba mẹ của N. vướng vòng lao lý cách đây 1 năm vì tội buôn bán ma túy. Anh cả có gia đình riêng, cùng vợ bán hủ tiếu tại quận 8. Theo lời kể, cô còn có người chị sinh sống ở Mỹ nhưng đã lâu không có liên lạc.
Nghỉ học từ năm lớp 1, N. sinh sống ở Ninh Bình, cách đây 2 năm, cô vào Sài Gòn mưu sinh. Cô thuê một phòng  trọ gần cầu Nhị Thiên Đường, quận 8 , TP. HCM để hàng ngày có chỗ nghỉ ngơi. N. sống chủ yếu bằng nghề làm phục vụ trong quán cà phê. Thu nhập một tháng không được bao nhiêu nhưng cô phải chi trả nhiều chi phí từ sinh hoạt, tiền nhà trọ.
Thi thoảng em bé mới chào đời lại khóc vì đói.
Trong quá trình làm việc tại quán cà phê, qua bạn bè giới thiệu, tháng 4/2013, N. quen biết và nảy sinh tình cảm với anh T. (50 tuổi, làm nghề lái taxi tại quận Tân Bình). Sau đó cô mang thai đứa con của T. nhưng kể từ lúc mang thai đến lúc sinh con cô không liên lạc được với anh này. Khi được hỏi có ý định đi tìm cha của đứa bé hay không cô chỉ lắc đầu và im lặng.
Cô kể rằng dù đã có một đứa con nhưng lúc mang thai đứa thứ hai không biết gì vì còn quá trẻ. Gần tới ngày sinh mà N. vẫn đi chơi, lúc đang dạo ở công viên 30/4 thấy đau bụng nhưng cũng không biết là mình sắp sinh, tưởng là bị đau bụng thông thường và ngồi nghỉ ở ghế đá. Không ngờ sau đó cô sinh con luôn.
Đứa con đầu tiên đã 2 tuổi nhưng cô vẫn chưa biết cách chăm con. Các y tá phải dạy bà mẹ trẻ cách cho con bú. Vì hoàn cảnh quá khó khăn và không biết mình có thai nên cô không kịp chuẩn bị cho con từ bình sữa hay phích nước… Ngay cả đồ dùng cá nhân, N. cũng không mang theo.
Nhìn đứa con ẵm trên tay mới vài ngày tuổi khóc thét trên tay mẹ vì khát sữa, cô lắc đầu, nói nghẹn ngào: “Em không có sữa”.
N. nói: “Em không biết làm sao, không biết khi xuất viện sẽ làm gì để nuôi nó, nhìn con em cũng thương lắm. Lúc sinh, em đau lắm”.
Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy - Phó giám đốc bệnh Viện Từ Dũ chia sẻ: “Đây không phải là trường hợp đầu tiên, nhưng hiện bệnh viện vẫn theo dõi cả mẹ và bé, phân công y tá chăm nom, tiêm thuốc kháng sinh cho N. theo dõi để tránh hiện tượng nhiễm trùng sau sinh. Đối với ca này, bệnh viện sẽ xem xét miễn giảm vì hoàn cảnh quá khó khăn, chưa có thông tin về người thân. Bệnh viện vẫn chăm lo cho sản phụ và bé đến khi ổn định sức khỏe sẽ cho xuất viện”.
Theo Kim Đính

Lột đồ cô gái giữa đường vì nghi tàng trữ ma túy

Trong vụ loạn đả, lột đồ nữ sinh tại Hạ Long hôm 1/4, công an đã phát hiện một đối tượng có tàng trữ 3 viên nghi là ma túy tổng hợp và một túi hạt trong nghi là ma túy đá.
Đối tượng này chính là cô gái mặc áo đỏ - nạn nhân của vụ đánh hội đồng, lột đồ giữa đường phố.
Thông tin từ Trường THPT Bãi Cháy, nguyên nhân của sự việc trên bắt nguồn từ việc học sinh N.H.Y lớp 10A4, trường THPT Bãi Cháy mâu thuẫn với học sinh H lớp 10A4, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai bên có lời qua tiếng lại.
Sau đó em H lớp 10A4, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhờ một đối tượng là nữ đã bỏ học (là cô gái áo đỏ trong clip - hiện chưa rõ danh tính) nói chuyện với Y. Khi nhóm đối tượng này hẹn ở cổng trường thì thấy công an xuất hiện nên đi về, nhưng đến đường Hoàng Quốc Việt thì lại xảy ra đánh nhau.
Đối tượng lạ bị lột đồ sau khi bị loạn đả hôm 1/4. Ảnh cắt từ clip.
Lúc đầu đối tượng lạ (do em H, lớp 10A4 trường Nguyễn Bỉnh Khiêm) nhờ đánh em N.H.Y, lớp 10A4, trường THPT Bãi Cháy.
Cuộc ẩu đá bắt đầu khi em T lớp 11A1 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (là chị em họ của em N.H.Y lớp 10A4, trường THPT Bãi Cháy) lời qua tiếng lại và đánh nhau với đối tượng lạ này đồng thời nhờ người quay clip và tung lên mạng xã hội.
4 đối tượng tham gia đánh hội đồng cô gái là: T học sinh lớp 11A1, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và N.H.Y, lớp 10A4; L.T.T.N, lớp 11A9; Đ.T.L.A lớp 11A6 học sinh trường THPT Bãi Cháy.
Sau khi đối tượng lạ mặt bị đánh được đưa vào Trung tâm quân dân y - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra sức khỏe thì công an phường Bãi Cháy vào lấy lời khai để lập biên bản, qua đó đã phát hiện đối tượng này tàng trữ 3 viên nghi là ma túy tổng hợp và một túi hạt trong nghi là ma túy đá. Đối tượng này lập tức bị bắt để điều tra.
Qua thông tin ban đầu, đối tượng này sinh năm 1997, đã bỏ học, thường trú tại phường Giếng Đáy.
Hiện, Trường THPT Bãi Cháy tiếp tục phối hợp với công an phường, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm để tiếp tục điều tra và kỷ luật học sinh có liên quan.
Video: Cô gái bị đánh, lột trần giữa đường:

Theo Hoàng Anh Tuấn

Á hậu Thụy Vân đạp xe hưởng ứng Giờ Trái đất

“Không chúng ta thì là ai? Không bây giờ thì bao giờ?”- Á hậu Thụy Vân không giấu nổi niềm xúc động và phấn khích khi gửi thông điệp bảo vệ môi trường với vai trò Đại sứ Giờ Trái đất 2014.
Bất chấp trời mưa như trút nước, Á hậu Thụy Vân đã có mặt tại trường Đại học Hà Nội từ rất sớm để tham dự chương trình giao lưu “Hãy hành động để Trái đất thêm xanh”.
Với vai trò là Đại sứ Giờ Trái đất 2014, Á hậu Thụy Vân đã cùng hàng trăm sinh viên dùng chính bàn tay mình thay cây bút vẽ nên bức tranh “Hãy hành động để Trái đất thêm xanh”. Bức tranh này dài 10m, rộng 2,2m.
Ngoài ra, Á hậu Thụy Vân còn tham gia xếp hình 60+ và đạp xe diễu hành kêu gọi mọi người cùng hưởng ứng Giờ Trái đất cũng như có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường.
Á hậu Thụy Vân - một trong các Đại sứ của chiến dịch Giờ Trái đất 2014
Tại chương trình giao lưu, Á hậu chia sẻ: “Nếu không phải là một đại sứ, thì mình cũng là một người vợ, một người mẹ, một người nội trợ cho gia đình, việc tiết kiệm điện và năng lượng cũng chính là tiết kiệm cho chính gia đình mình”.
Thụy Vân chia sẻ thêm: “Mình nghĩ mỗi bạn sinh viên ở đây chính là một đại sứ, một thông điệp để tuyên truyền đến mọi người tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ Trái đất. Chương trình là một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Nhưng để nó lớn hơn nữa thì mỗi người cần phải có những hành động thiết thực”.
Cùng với Thụy Vân trong vai trò là Đại sứ Giờ Trái đất 2014, ca sĩ Bảo Trâm cũng có rất nhiều những chia sẻ và hành động thiết thực kêu gọi mọi người cùng bảo vệ Trái Đất.
Một số hình ảnh đáng chú ý của các Đại sứ Giờ Trái đất 2014 trong sáng 24/3:
Á hậu Thụy Vân rạng rỡ trong vai trò là Đại sứ Giờ trái đất 2014
Ban đầu cầm bút…
… sau cô không ngần ngại dùng chính bàn tay mình để vẽ tranh cùng các bạn sinh viên
Cùng với Á hậu Thụy Vân, ca sĩ Bảo Trâm cũng đóng vai trò là Đại sứ Giờ Trái đất 2014
Thụy Vân và Bảo Trâm thân thiết trong suốt chương trình
3 Đại sứ Giờ Trái đất cùng hàng trăm bạn sinh viên vừa hát vừa xếp hình 60+
Các Đại sứ đạp xe diễu hành cùng các bạn sinh viên
Thụy Vân chia sẻ: “Mỗi hành động nhỏ đều mang lại ý nghĩa lớn cho Trái đất của chúng ta”
Thụy Vân luôn tươi tắn và rạng rỡ trong suốt chương trình
Theo Thanh Lịch - Hồng Phú

Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress

.

© 2017 www.blogthuthuatwin10.com

Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: nguyenanhtuan2401@gmail.com
Điện thoại: 0908 562 750 ext 4548; Liên hệ quảng cáo: 4567.