Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo dục - du học. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo dục - du học. Hiển thị tất cả bài đăng

Đi đón em thi đại học, chị bị xe tải cán chết

Chiều 5/7, thông tin từ Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) cho biết, đã xác định danh tính nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông sáng cùng ngày là người nhà thí sinh dự thi đại học tại hội đồng thi trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng.
Trước đó, khoảng 8h45 sáng 5/7, chị Nguyễn Thị Giang (23 tuổi, trú huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) điều khiển xe máy BKS 43K6 – 8475 băng qua đường Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) về phía cổng trường ĐH Kinh tế để đón em ruột là thí sinh dự thi tại hội đồng thi này.
Bất ngờ, xe chị Giang va chạm với xe máy BKS 43D1 – 350.10 do anh Nguyễn Văn Tú (34 tuổi, trú tổ 40, phường An Khê, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) điều khiển chạy trên đường Ngũ Hành Sơn hướng về quận Sơn Trà khiến cả 2 cùng ngã xuống đường.
Hiện trường vụ tai nạn
Đúng lúc này, chiếc xe tải chở nước ngọt BKS 43C-002.06 của Công ty TNHH TM&DV Thanh Nhung do anh Trần Văn Tệ (46 tuổi, trú tổ 47, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) điều khiển chạy cùng chiều va phải.
Hậu quả, chị Giang tử vong tại chỗ, còn anh Tú bị thương nhẹ.
Hiện vụ việc đang được Công an quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo Nguyễn Dương

Nhảy cầu tắm sông, 5 học sinh bị đuối nuớc

Chiều tối 10/5, cầu Nguyễn Thái Học (bắt qua sông Long Xuyên, thành phố Long Xuyên, An Giang) vẫn còn bị ách tắc giao thông vì đám đông hiếu kỳ đứng xem thợ lặn tìm mò học sinh (HS) lớp 8 bị mất tích.
Khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, khi nghe tiếng kêu cứu, người dân ở gần chân cầu Nguyễn Thái Học đã nhanh chóng bơi ra dìu cứu được bốn học sinh vào bờ.
Ít phút sau, các học sinh thoát nạn mới hô hoán lên còn thiếu một em là Võ Phan Huy (HS lớp 8 truờng THCS Nguyễn Trãi, thành phố Long Xuyên). Người dân cùng thợ lặn tiếp tục lặn tìm nhưng chưa tìm thấy vì nước chảy khá mạnh.
Hiện truờng nơi học sinh bị mất tích
4 học sinh được cứu sống gồm: Trần Nguyễn Minh Tuấn, Huỳnh Phan Đức Huy, Nguyễn Phúc Gia Nguyên (cùng học lớp 8 trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Long Xuyên) và Trần Thái Bảo HS lớp 5 trường Tiểu học bán trú Lê Lợi, thành phố Long Xuyên).
Những người chứng kiến cho biết, những HS này gặp nạn do nhảy từ trên cầu Nguyễn Thái Học (cách mặt nuớc khoảng 10m) xuống sông để tắm.
Theo Trọng Bình

3 học sinh VN giành học bổng du học năng lượng hạt nhân Nga

Hai nam sinh và một nữ sinh Việt Nam vừa giành giải cao nhất trong kỳ thi Olympic Vật lý 2014. 3 học sinh này sẽ có cơ hội sang Nga du học với các khóa học về năng lượng hạt nhân.
Chiều 8/5, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Quốc gia Nga Rosatom đã trao giải cho các thí sinh chiến thắng trong cuộc thi tìm hiểu Vật lý và Năng lượng hạt nhân mang tên gọi “Giáo dục hạt nhân ở Nga” tại Hà Nội.
Thí sinh Đặng Quốc Anh, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) giành giải Nhất; Nguyễn Minh Nhân, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên giành giải nhì; Bùi Thị Hằng trường THPT Lạng Giang 2, tỉnh Bắc Giang giành giải ba.
Ngoài phần thưởng bằng hiện vật, ba học sinh này còn có cơ hội được đào tạo tại các trường đại học của Nga theo chương trình đặc biệt 14.05.02 "Nhà máy điện hạt nhân: Thiết kế, vận hành và bảo dưỡng kỹ thuật", với điều kiện hoàn thiện các giấy tờ cần thiết với Bộ GD-ĐT Việt Nam.
3 học sinh giành giải thưởng thi tìm hiểu Vật lý và Năng lượng hạt nhân mang tên gọi “Giáo dục hạt nhân ở Nga” (Ảnh do Ban tổ chức cung cấp)
Năm 2014, cuộc thi được phát động trên 680 trường học tại 17 tỉnh thành. Diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30/3/2014, cuộc thi đã thu hút 852 học sinh tham dự.
Đối tượng dự thi là học sinh đang theo học trường phổ thông trung học trở lên, là công dân của nước CHXHCN Việt Nam, có nguyện vọng được theo học tại các trường đại học Nga theo chương trình đặc biệt 14.05.02 - “Nhà máy điện hạt nhân: Thiết kế, vận hành và bảo dưỡng kỹ thuật”.
Kết quả cuộc thi được gửi tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ GD-ĐT. Các cơ quan trên sẽ tổ chức các chương trình định hướng du học và nghề nghiệp trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân cho các em học sinh Việt Nam.
Đây là lần thứ 2 cuộc thi “Giáo dục hạt nhân ở Nga” được tổ chức tại Việt Nam bởi Tập đoàn Năng lương Nguyên tử quốc gia Nga ROSATOM. Mục đích của chương trình là phổ biến kiến thức về vật lý hạt nhân và các cơ hội đào tạo ngành năng lượng nguyên tử tại các trường Đại học tại Liên bang Nga. Cuộc thi Olympic Vật lý không chỉ được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) mà còn nhiều thành phố khác trên thế giới như Dhaka (Bangladesh) và Mersin (Thổ Nhĩ Kỳ).
Theo Đức Nguyễn

Nữ sinh 2 năm liền đoạt giải quốc gia môn Sử

Với việc đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn sử năm nay, Vũ Hoàng Ngọc Lê, lớp 12C2 trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đã gây ấn tượng bởi cú đúp đạt giải quốc gia liên tục trong 2 năm học.
Ấn tượng
Có niềm đam mê với môn lịch sử từ bé, ngay từ khi còn học cấp 2, Ngọc Lê đã gặt hái cho riêng mình một bảng thành tích đáng nể. Tiêu biểu là giải nhì cấp thành phố và nhiều giải thưởng của trường trong các cuộc thi tìm hiểu lịch sử.
Từ những nền tảng đó, cô nữ sinh này đã xuất sắc đứng thứ hai về điểm số trong đợt thi tuyển vào lớp 10 chuyên Sử trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Ngay năm lớp 11, Lê đã được chọn vào đội tuyển Sử dự thi học sinh giỏi quốc gia. Không phụ lòng mong mỏi của gia đình, thầy cô và bạn bè, cô học trò nhỏ đã giành được giải ba quốc gia trong kỳ thi học sinh giỏi lịch sử năm ngoái. Tiếp nối thành công đó, năm nay em lại khiến nhiều người phải nể phục khi tiếp tục “ẵm” được giải thưởng quốc gia, một vinh dự không dễ để có thể đạt được.
"Cú đúp" giải quốc gia của Ngọc Lê có sự đóng góp không nhỏ từ những câu chuyện, lời ru của mẹ
Hân hoan với giải Nhì đạt được, Lê chia sẻ: “Mặc dù, không được giải Nhất, nhưng với giải thưởng này và việc được ra Thủ đô dự lễ tuyên dương đã là cả một niềm tự hào vô cùng lớn với chính bản thân em, ghi nhận những nỗ lực mà em đã theo đuổi”. 
Khiêm tốn kể về những kỷ niệm đáng nhớ với cú đúp này, Lê cho biết chính bản thân cũng không nghĩ tới việc nhận được những vinh dự lớn này. “Lịch sử là niềm đam mê, cùng đó là sự chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo bộ môn, nhưng năm ngoái em đã rất bất ngờ khi nhận được giải ba vì thời điểm ấy mới chỉ học lớp 11. Năm nay, thực sự em đã vỡ òa trong sung sướng khi tiếp tục đoạt giải quốc gia” cô nữ sinh nói.
Học Sử ngay từ những gì xung quanh   
Điều đặc biệt, niềm đam mê đến với em, và giờ đây là những thành công mà em đạt được, xuất phát từ chính từ những câu chuyện, lời ru của mẹ. “Chính mẹ cũng là người đam mê với sử học, và qua những câu chuyện, lời ru ấy đã làm cho em thấy thú vị từ bé, từ đó ngày càng tìm hiểu nhiều sách, tư liệu về lịch sử và không biết từ bao giờ lịch sử đã đi vào trong tâm trí em”, Lê chia sẻ.
Về cách học hiệu quả của mình, Lê cho biết, do từ bé đã thường xuyên nghe báo đài nên cô học trò này đã có thể biết tới và ý thức được các sự kiện lớn, trọng đại của dân tộc. Nghe nhiều thành quen, khiến những điều đó dần khắc sâu vào tâm trí. Sau đó, với từng giai đoạn, em tìm hiểu có những sự kiện khác gì liên quan, ví dụ như những sự kiện và mốc thời gian nào dẫn đến những sự kiện tiêu biểu đó,... “Em thường xuyên tìm hiểu sách báo bên ngoài những điều thú vị về lịch sử mà học trong sách giáo khoa không thể nào biết được. Chỉ cần tìm thấy những điều thú vị ở các sự kiện sẽ giúp mình nhớ được dễ dàng và lâu hơn, đặc biệt là những thông tin bên lề”, Lê nói.
Nói về bí quyết học sử của mình, Lê cho rằng dùng sơ đồ tư duy-hình cây để xâu chuỗi các sự kiện là hết sức cần thiết. Và việc chính bản thân đọc và tự xây dựng sơ đồ này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, có thể dùng thêm những hình ảnh minh họa hoặc từ ngữ liên tưởng đặc biệt nào đó để có thể ghi nhớ. Lấy dẫn chứng, em đã từng thông qua một bức hình trong sách giáo khoa về một hội nghị, để xem nét mặt, thái độ của những đại biểu, qua đó ghi nhớ về diễn biến sự kiện đó.
Tuy vậy, cô nàng hai năm liền đạt giải quốc gia này cũng chia sẻ khó khăn khi học môn Sử. Nhiều sự kiện trong sách giáo khoa trình bày dài dòng và khô khan khiến Lê thấy khó tiếp cận, và nếu không biết cách lọc từ ngữ và các ý thì khó có thể nhớ được. Chưa kể, việc quá ít hình ảnh minh họa cũng hạn chế cảm hứng của em với môn học này.
Để có được những thành công hôm nay, Lê cho rằng phương pháp dạy sử của thầy cô đóng vai trò quan trọng
Theo Ngọc Lê, việc học sử giúp em nhiều điều trong cuộc sống, vì mạch thời gian đều liên quan đến những sự kiện xảy ra ở hiện tại và tương lai. “Mỗi khi xem thời sự hay những chương trình, các bộ phim nói về những sự kiện từng thời kỳ, kiến thức có được giúp em dễ hiểu, cảm thấy thích thú khi giải thích cho mọi người”, Lê cười nói.
Không chỉ là một học sinh xuất sắc ở trường, là “kho kiến thức” có thể giúp đỡ các bạn cùng lớp, Lê là một người chị mẫu mực, đầy trách nhiệm ở nhà, khi đã tiếp tục truyền cho em gái mình tình yêu với môn Sử bằng việc kể lại cho em những câu chuyện và ý nghĩa của những sự kiện đó.   
Với việc đạt giải Nhì quốc gia, bỏ qua cơ hội được tuyển thẳng vào nhiều trường Đại học, cô nữ sinh này đang ấp ủ ước mơ trở thành một chiến sĩ công an. Sắp tới, Lê sẽ đăng ký dự thi Học viện cảnh sát, tuy nhiên, để vào được ngôi trường này, tới đây em tiếp tục nỗ lực học đều 3 môn khối C để vượt qua kỳ thi tuyển sinh.
Theo Thanh Hùng

Môn Địa: Đề thi thường gắn với vấn đề thời sự

Những năm gần đây, nội dung trong đề thi môn Địa thường liên quan tới các vấn đề có tính thời sự như vấn đề về biển, đảo…; hay vấn đề cấp bách như về dân số, vấn đề việc làm; các ngành kinh tế chiến lược quốc gia như năng lượng, thủy sản, du lịch,…
Cô giáo Nguyễn Thị Mùi, Giáo viên trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng, Hà Nội có chia sẻ bí quyết làm thi môn Địa đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, cao đẳng.
Cô Mùi cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng môn Địa lí thường có hai phần rõ rệt.
Phần I: Phần chung cho tất cả thí sinh (8 điểm). Trong phần này gồm khoảng 3 câu hỏi lớn. Câu 1(2 điểm), nội dung thường liên quan đến phần địa lí tự nhiên và phần địa lí dân cư – xã hội. Câu 2 (3 điểm), nội dung liên quan đến các ngành kinh tế và địa lí các vùng kinh tế. Câu 3 (3 điểm), nội dung thường hỏi về bảng số liệu, vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích hoặc vẽ lược đồ Việt Nam.
Phần II: Phần riêng (2 điểm). Phần này gồm hai câu hỏi, một câu dành cho chương trình chuẩn, một câu dành cho chương trình nâng cao. Nội dung gồm tất cả các nội dung trong chương trình chuẩn và thêm các nội dung nâng cao (đối với chương trình nâng cao).
Tuy nhiên, có một đặc điểm chung là nội dung của các đề thi tuyển sinh môn Địa những năm gần đây hay liên quan tới các vấn đề có tính thời sự như biển, đảo; các vấn đề xã hội cấp bách như dân số, vấn đề việc làm; các ngành kinh tế chiến lược của quốc gia như ngành Năng lượng, ngành Thủy sản, ngành Du lịch,…
Học sinh thiếu ví dụ minh họa trong bài viết
Theo cô Mùi, sau nhiều năm chấm thi đại học, chấm thi tốt nghiệp THPT thấy học sinh làm bài thường không hết câu hỏi. Khi trả lời lan man, không đúng trọng tâm của câu hỏi hoặc trả lời sai đề, không có dẫn chứng, không có ví dụ minh họa… Một số em học sinh làm bài thừa ý hoặc thiếu ý nên không đạt điểm tối đa. Đặc biệt, nhiều học sinh khi gặp dạng bài làm về biểu đồ thường mắc lỗi xác định sai biểu đồ nên mất hẳn điểm của câu đó, hoặc phần biểu đồ thiếu các chi tiết phụ.
Ví dụ: Đề bài yêu cầu phân tích những điều kiện thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển ngành thủy sản nước ta. Có học sinh chỉ trình bày những thuận lợi về tự nhiên, khó khăn về tự nhiên mà quên các thuận lợi và khó khăn về kinh tế - xã hội. Có học sinh lại trình bày đầy đủ các thuận lợi và khó khăn về cả tự nhiên và kinh tế - xã hội nhưng trong mỗi phần lại thiếu các ý cụ thể. Do vậy, tất cả những lỗi ở trên, ngoài lí do các em chưa nắm vững nội dung môn học trước khi đi thi thì phân lớn là do học sinh không đọc kĩ đề bài, không phân tích đề trước khi làm bài.
Học sinh nên lưu ý đến từ khóa của đề bài để xác định chọn vẽ biểu đồ cho đúng
Đọc kĩ đề bài là khi nhận đề thi học sinh phải đọc chậm từng câu hỏi trong đề bài. Các em vừa đọc vừa gạch chân dưới yêu cầu của đề bài. Việc này giúp các em xác định đúng trọng tâm của câu hỏi từ đó trả lời đúng, đủ, không lạc đề.
Học sinh cũng cần lập dàn ý ngoài giấy nháp trước khi làm vào bài thi và nên sơ đồ hóa các ý theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể.
Ví dụ: Đề bài yêu cầu phân tích những điều kiện thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển ngành thủy sản nước ta. Khi làm dạng này học sinh cần sơ đồ hóa thành hai ý lớn. Ý 1: Thuận lợi. Ý 2: Khó khăn. Trong ý 1, gạch đầu dòng thứ nhất nói về điều kiện tự nhiên thì các em phải nêu được các ý nhỏ hơn như: Đường bờ biển của nước ta, tài nguyên thủy hải sản của nước ta, các ngư trường, các dạng địa hình ven biển nước ta, hệ thống sông suối, ao hồ, kênh  rạch…
Gạch đầu dòng thứ hai nói về điều kiện kinh tế xã hội, học sinh phải nêu được các ý nhỏ như: Kinh nghiệm của người dân, cơ sở vật chất – kĩ thuật, đường lối chính sách, thị trường tiêu thụ,…Sau đó tương tự triển khai sang ý 2.
Từ dàn ý đó, học sinh bắt tay trình bày bài vào giấy thi. Khi làm bài các em vừa trình bày các ý, vừa nêu dẫn chứng, vừa phân tích cụ thể từng nội dung. Nhưng học sinh cần chú trọng phần thuận lợi hơn. Như vậy, bài làm của học sinh sẽ đúng trọng tâm câu hỏi, trình bày đủ ý, các ý trình bày rõ ràng, chặt chẽ.
Học sinh cần nắm vững các dạng biểu đồ cơ bản
Trong phần câu hỏi liên quan đến bài tập, học sinh không phân tích đề bài trước khi làm dễ khiến các em làm sai và mất điểm cả câu hỏi (cả phần nhận xét, giải thích cũng không được tính điểm nếu biểu đồ sai). Thường trong các đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, đề bài không cho sẵn dạng biểu đồ cần vẽ, nên học sinh cần xác định biểu đồ cần vẽ qua từ khóa yêu cầu của đề bài, hoặc mối quan hệ giữa các số liệu trong bảng.
Ví dụ: Qua bảng số liệu trên em hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành của nước ta giai đoạn... Như vậy để vẽ đúng biểu đồ, học sinh cần nắm vững các dạng biểu đồ cơ bản trong chương trình và căn cứ vào từ khóa của đề bài để xác định đúng dạng biểu đồ cần vẽ.
Đơn cử như biểu đồ thể hiện cơ cấu thường có hai dạng cơ bản là biểu đồ tròn và biểu đồ miền. Còn vẽ biểu đồ tròn hay vẽ biểu đồ miền thì học sinh phải chú ý tới số năm. Hoặc biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng thường là biểu đồ đường, học sinh phải chú ý tới bảng số liệu có cần đưa về số liệu tương đối hay không? (khi đó phải thêm bước xử lí số liệu). Khi vẽ biểu đồ, các em cần chú ý tới “lưu ý”  đối với từng dạng biểu đồ, sau khi vẽ xong cần điền đầy đủ các chi tiết…
Trước mỗi kỳ thi, học sinh thường có tâm trạng lo lắng, mất bình tĩnh nên khi học bài không chắc,học vẹt (vì học sinh luôn sợ phần này chưa học, phần kia chưa nhớ). Khi vào phòng thi, các em cũng hay mất bình tĩnh nên quên hết kến thức đã học. Do vậy, học sinh nên rèn cho mình tâm lí vững vàng, khi vào phòng thi cần bình tĩnh đọc kỹ đề bài, phân tích đề bài, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, phân bố thời gian hợp lí để làm bài hiệu quả nhất.
Theo Đức Nguyễn

Cô gái Việt bé nhỏ chinh phục đỉnh Harvard

Năm học 2014 - 2015, nhiều trường ĐH đẳng cấp thế giới đã “điểm danh” nhiều bạn trẻ Việt Nam với những suất học bổng toàn phần. Tuy nhiên, được ĐH Harvard tặng suất học bổng giá trị “khủng” như Lã Hồ Thị Minh Khuê thì có lẽ là trường hợp duy nhất.
Đa tài
Minh Khuê là con gái của nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu (Thời báo Ngân hàng). Chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ (vốn học giỏi Toán, nhưng lại thi vào ĐH Tổng hợp Văn), Khuê đa tài, tự chủ, đầy cá tính ẩn trong vẻ ngoài mềm mại, nữ tính. Khuê đoạt giải bạc trong cuộc thi piano quốc tế tại Hàn Quốc năm 2010.
Tháng 6/2013, Khuê thực hiện thành công hai dự án nghệ thuật của mình, đó là đêm hòa nhạc “Giai điệu Mùa Hạ” với bản Concerto Piano Beethoven N.3 cùng dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ kịch mà Khuê là pianist và một triển lãm nghệ thuật cá nhân mang tên “Tình yêu của tôi” trưng bày 22 tác phẩm hội họa mà Khuê sáng tác…
Thành công của hai dự án đó đã giúp Khuê gom được nguồn quỹ nho nhỏ để gây dựng 22 tủ sách cho một dự án sách hóa nông thôn.
Lã Hồ Thị Minh Khuê (Ảnh: Lê Thanh Tùng)
Gia đình Khuê có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mẹ chia tay nhau khi cô còn bé. Cô rất nhạy cảm, nhưng cũng giàu ý chí vươn lên. Trong suốt 12 năm học phổ thông, thỉnh thoảng, cô lại làm cho mẹ “đứng tim” khi cứ tự đặt ra cho mình những thử thách để vượt qua.
“Năm lớp 6, khi đó em còn nhỏ nên việc chọn học lớp chuyên Anh của Trường THCS Giảng Võ là theo định hướng của mẹ. Em cũng đồng ý rằng, đó là một lựa chọn sáng suốt, bởi trong một thời đại cảm hứng toàn cầu như hiện nay, muốn hòa nhập tốt với bạn bè quốc tế, thì sở hữu một khả năng tiếng Anh giỏi là chiếc chìa khóa vàng. Tuy nhiên, ngay từ bé, em đã rất yêu toán học. Trong quá trình học, em may mắn được học và tiếp xúc với những thầy cô giỏi và truyền cho em niềm đam mê toán học, trong đó có cô giáo Đoàn Thị Nụ - người dạy em 4 năm THCS. Em dành nhiều thời gian với môn toán và nhận ra vẻ đẹp của toán học, để rồi đam mê nó. Đó là lý do dù đang có những thành tích vượt trội về tiếng Anh, từng đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp thành phố, em vẫn quyết định thi vào chuyên toán của trường Ams”, Khuê tâm sự.
Thoạt tiên, Khuê chỉ đỗ lớp toán 2. Với mục tiêu du học được đặt ra từ khá sớm, lẽ ra Khuê có thể “an phận” để tập trung chuẩn bị cho việc có một bộ hồ sơ “đẹp”, nhưng cô lại tiếp tục “vượt qua thử thách”: thi vào lớp toán 1. Theo Khuê, nếu chỉ làm những gì có lợi cho việc du học, như tập trung thi chuẩn hóa (SAT, SAT II, TOEFL…) và đạt điểm tổng kết các môn trên lớp cao (GPA).v.v… thì vẫn chưa đủ.
Đam mê
“Em hiểu nền giáo dục đại học Mỹ trân trọng tất cả những ai biết cố gắng vì sự đam mê của chính mình. Em thích học môn toán nên em muốn thử sức mình trong những tình huống khó mà toán học đưa ra, vì toán học giúp ta nhận biết nhiều quy luật khách quan chứ không chỉ là những con số khô khan khó hiểu. 

“Bạo gan” lựa chọn Harvard, Khuê cho biết, em không bị cuốn hút bởi danh tiếng của trường này. Hỏi, từng có một cuốn sách “Em phải đến Harvard để học kinh tế”, em không học kinh tế thì đến Harvard làm gì, phải chăng vì danh tiếng của nó? Không riêng với môn toán, khi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục khác, em không hề nghĩ đến chữ “du học” mà chỉ đơn giản nghĩ rằng, đây là công việc mình muốn làm, muốn dấn thân… và mình cần phải cố gắng. Cách đây hơn chục năm, khi lần đầu tiên bước vào các lớp học đàn, học vẽ, em đâu có hình dung được rằng, đó cũng chính là điểm bắt đầu của con đường đưa em đến cổng trường Harvard”, Khuê chia sẻ.
Khuê đáp: “Cuốn sách đó được một bà mẹ người Trung Quốc viết từ năm 1998. Thời điểm ấy, nhận thức, quan điểm về việc đến Mỹ học đại học của người dân châu Á nhìn chung khác với bây giờ. Em muốn học ngoại giao và nghệ thuật ở Harvard không chỉ vì ngôi trường này là nơi hoàn hảo để đào tạo ra những nghệ sỹ lớn, những nhà ngoại giao danh tiếng. Em chọn Harvard trước hết bởi triết lý giáo dục của Harvard rất phù hợp với những gì em được dạy dỗ: “Chúng ta cần học để phát triển tố chất, chứ không phải vì có tố chất sẵn có mới được học”.
Thông tin thêm: ĐH Harvard đã ghi nhận những cố gắng của Khuê bằng cách tặng cho cô suất học bổng trị giá 320.000 USD/4 năm học (bao gồm học phí, tiền sinh hoạt, tiền bảo hiểm, vé máy bay khứ hồi Mỹ - Việt 2 lần/năm…), chưa kể chi phí cho gia sư những môn nghệ thuật mà Khuê cần tới.
Theo Quý Hiên

Tuyển sinh vào công an: Ưu tiên giáo sư, tiến sĩ

Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ có chuyên môn đào đạo phù hợp nhu cầu sẽ được ưu tiên tuyển chọn vào ngành công an.

Theo văn bản hợp nhất mà Bộ Công an vừa ban hành quy định về tuyển chọn vào ngành công an, công dân có chức danh giáo sư, tiến sĩ là đối tượng ưu tiên số một được lựa chọn.

Có 7 loại đối tượng được ưu tiên tuyển chọn vào công an nhân dân. Đối tượng được ưu tiên số một là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ có chuyên môn đào đạo phù hợp với nhu cầu tuyển chọn, bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II.
Đối tượng tiếp đến là công dân tốt nghiệp hạng khá, giỏi, xuất sắc hệ chính quy đại học, cao đẳng; tốt nghiệp hạng giỏi, xuất sắc hệ chính quy ở bậc đào tạo trung cấp, sơ cấp có chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển chọn.
Một đối tượng ưu tiên khác là công dân cam kết tình nguyện công tác ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo từ 10 năm trở lên.
Công dân là con đẻ của cán bộ công an có thời gian công tác liên tục trong ngành công an từ 15 năm trở lên, cũng được ưu tiên tuyển chọn.
Đối tượng ưu tiên cuối cùng là cán bộ, học sinh thuộc dân tộc thiểu số hoặc công dân khác đã có thời gian thường trú từ 10 năm liên tục trở lên ở miền núi, vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo và tình nguyện vào công an nhân dân để phục vụ lâu dài tại các địa bàn đó.
Theo quy định, đối tượng tuyển chọn vào ngành công an nhân dân là cán bộ, công chức, viên chức tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề (trong biên chế) ở các bộ, ngành; sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề; Cán bộ và học sinh dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (theo địa danh đã quy định); Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn đã đủ 3 năm, trong 3 năm phục vụ tại ngũ đều hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Tiêu chuẩn tuyển chọn là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có địa chỉ thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, có lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đối với cán bộ, học sinh dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể tuyển thanh niên ưu tú, đủ điều kiện để kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Công dân có chức danh giáo sư, phó giáo sư, trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, tốt nghiệp đại học hệ chính quy hạng giỏi, xuất sắc có thể tuyển những người chưa là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc chưa là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Theo đó, công dân Việt Nam có tuổi đời từ 18 đến 30 có đủ trình độ và các tiêu chuẩn quy định đều được tham gia tuyển chọn.
Các trường hợp tốt nghiệp đại học hệ chính quy hạng giỏi, xuất sắc, trình độ Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II có thể tuyển đến 35 tuổi. Người có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, trình độ Tiến sĩ có thể tuyển đến 45 tuổi. Trường hợp đặc biệt có độ tuổi cao hơn do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Chiều cao tối thiểu ứng tuyển đối với nam là 1m62 trở lên, nữ từ 1m58 trở lên.
Theo Thư Lê

Học Sử: Tuyệt chiêu 'vô hiệu hóa' số liệu

“Lịch sử cũng giống như văn học, làm bài phải có luận cứ, dẫn chứng rõ ràng. Lập niên biểu ngắn gọn, chia thành các cột thời gian, diễn biến, ý nghĩa của từng sự kiện”.
Đó là lời chia sẻ của cô Trịnh Thanh Thúy - Giáo viên trường THPT Trần Phú Hoàn Kiếm (Hà Nội) về cách vô hiệu hóa các số liệu môn Lịch sử.
So sánh để nắm vững kiến thức
Theo cô Thúy, Lịch sử là môn học có nhiều sự kiện, nhiều chi tiết, vì vậy thí sinh lưu ý gạch ra từng luận điểm và lập dàn bài cho từng câu hỏi cụ thể. Để ôn đúng trọng tâm thì bản thân thí sinh phải phân biệt được sự khác nhau giữa từng chiến dịch. Địa điểm, thời gian, diễn ra chiến dịch. Nên có sự so sánh giữa các chiến dịch, ý nghĩa của chiến dịch đó tạo ra bước ngoặt gì sau khi kết thúc.
Mỗi năm, đề thi thường ra nhiều dạng khác nhau, không năm nào trùng với năm nào. Nhưng không vì thế mà thí sinh bỏ qua những câu hỏi đã thi năm trước. Có thể vẫn là chiến dịch đó nhưng đề thi sẽ chuyển hóa sang dạng câu hỏi liên hệ, so sánh giữa các chiến dịch. Vì vậy, thí sinh không nên học tủ, học lệch, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thi.
Cô Trịnh Thanh Thúy – Giáo viên trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội)
Môn Sử cũng cần lập luận sắc bén, thông tin chính xác. Quá trình làm bài Sử cũng như một bài văn, nên có mở bài, thân bài và kết bài. Cần có luận cứ, luận điểm rõ ràng. Trình bày hết luận điểm này mới tiếp tục triển khai ý mới. Tốt nhất, thí sinh nên xuống dòng mỗi khi hết ý. Những từ khóa quan trọng như “diễn biến”, “ý nghĩa”, “nguyên nhân”… sẽ giúp cho thí sinh đi đúng hướng, không bị lạc đề. Để ghi nhớ sâu hơn, thí sinh có thể tìm kiếm, đọc những câu chuyện liên quan đến sự kiện đó.
“Ngoài ra, bên cạnh việc học trong lớp cần biết tìm tòi thêm thông tin trong các sách sử, internet...”, cô Thúy nhấn mạnh.
Cách “vô hiệu hóa” số liệu
Một trong những điều khiến thí sinh “dè chừng” môn Sử đó là có quá nhiều sự kiện và các con số khó nhớ. Việc học thuộc lòng chắc chắn không phải là phương pháp hay. Bước vào phòng thi, nếu thí sinh căng thẳng, quên một sự kiện có thể nhầm lẫn hàng loạt với sự kiện khác. Để làm tốt môn này, thí sinh có thể lập niên biểu ngắn gọn, chia thành các cột thời gian, sự kiện, nội dung. Việc lập bảng giúp thí sinh hệ thống hóa được khối lượng kiến thức nhanh và ngắn nhất.
Trên lớp, thí sinh phải chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài, ghi chép khoa học. Tập trung ghi những ý cơ bản, nội dung chính của vấn đề. Về nhà, cần ôn lại kiến thức để nhớ lâu hơn, có thể so sánh, liên hệ với thực tế.
Sau khi đã hệ thống các bài, có thể đi vào chi tiết từng bài. Mỗi bài vạch ra xem có bao nhiêu nội dung chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ... Làm theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể. Có thể ghi mỗi bài ra từng tờ giấy riêng rồi sau đó tập hợp lại.
Thí sinh có thể gắn các tờ giấy ghi sự kiện lên chỗ nào dễ nhìn thấy nhất. Điều này sẽ giúp thí sinh ghi nhớ lâu nhất và tự nhiên nhất”, cô Thúy chia sẻ thêm.
Theo Tuyết Hoàng

Thi tốt nghiệp 2014: Giảm thời gian làm bài

Đó là một trong những điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2014 vừa được Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành.
Giảm thời gian làm bài thi tốt nghiệp
Theo đó, kì thi tốt nghiệp THPT 2014 sẽ có 4 môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ.
Toán, văn thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút (trước đây là 150 phút); Lịch sử và Địa lí thi 90 phút. Bốn môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm với thời gian làm bài 60 phút.

Giám đốc sở GD&ĐT được thành lập hội đồng coi thi
Trong mỗi Hội đồng coi thi, việc lập danh sách thí sinh dự thi ở mỗi phòng thi được thực hiện như sau: Tên thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c,.. đối với các thí sinh không đăng ký thi Ngoại ngữ. Đối với thí sinh đăng kí thi ngoại ngữ, tên thí sinh sẽ được xếp theo thứ tự a, b, c,... và theo thứ tự môn thi Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật.
Mỗi thí sinh có một số báo danh. Số báo danh của thí sinh gồm sáu chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của Hội đồng coi thi. Đảm bảo trong mỗi hội đồng coi thi không có thí sinh trùng số báo danh.
Đối với Hội đồng coi thi có từ hai trường phổ thông trở lên, không được xếp thí sinh của các trường khác nhau trong một phòng thi, trừ phòng thi cuối cùng.  Đối với môn Ngoại ngữ, được xếp các thí sinh dự thi các môn Ngoại ngữ khác nhau trong cùng phòng thi nhưng phải thu bài riêng theo môn.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2013 (Ảnh: Đức Nguyễn)
Bổ sung học sinh khuyết tật vào đối tượng miễn thi tốt nghiệp
Quy chế bổ sung thêm một số đối tượng miễn thi. Cụ thể, người học lớp 12 được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ; Người học khiếm thị, khuyết tật.
Đối với người học khiếm thị, khuyết tật được miễn thi với điều kiện: học hết chương trình trung học phổ thông; đủ điều kiện dự thi theo quy định; được các cơ sở y tế và trường phổ thông nơi học tập xác nhận tình trạng khiếm thị, khuyết tật.

Cộng kết quả trung bình lớp 12 vào điểm xét tốt nghiệp
Theo quy chế mới của Bộ GD&ĐT, bên cạnh việc tính điểm như trước đây sẽ tính thêm điểm học lực trung bình lớp 12 của mỗi thí sinh.
Điểm xét tốt nghiệp sẽ bằng tổng điểm 4 bài thi + tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia cho 4, rồi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia cho 2.
Điểm xếp loại tốt nghiệp bằng điểm trung bình 4 bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia cho 2.
Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 8/5/2014.
Theo Tuyết Hoàng

Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress

.

© 2017 www.blogthuthuatwin10.com

Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: nguyenanhtuan2401@gmail.com
Điện thoại: 0908 562 750 ext 4548; Liên hệ quảng cáo: 4567.