Hiển thị các bài đăng có nhãn virus ebola. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn virus ebola. Hiển thị tất cả bài đăng

Bệnh nhân nghi nhiễm Ebola dương tính sốt rét

Mặc dù kết quả xét nghiệm của bệnh nhân Chung dương tính với sốt rét nhưng ngành y tế Đà Nẵng không loại trừ nguy cơ nhiễm Ebola.

Trao đổi với Zing.vn đêm 1/11, bác sĩ Trần Ngọc Thạnh (Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) cho biết, xét nghiệm ban đầu cho thấy, bệnh nhân Chung (26 tuổi, trú xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có kết quả dương tính với sốt rét. 

Tuy nhiên, hiện bệnh viện vẫn chưa thể khẳng định bệnh nhân này có nhiễm virus Ebola hay không.

"Chúng tôi đang chờ đợi kết quả xét nghiệm từ Viện Dịch tễ Trung ương mới có thể khẳng định được bệnh nhân Chung có nhiễm virus Ebola hay không. Hiện bệnh nhân này vẫn đang được cách ly và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, bác sỹ Thạnh nói.


Lãnh đạo Sở Y tế TP. Đà Nẵng kiểm tra các quy trình xử lý dịch Ebola tại bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Tuổi trẻ.

Trước đó, lúc 10h30 ngày 1/11, Bệnh viên Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân Chung với những triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola. Bệnh nhân này đã từng sống và làm việc 2 năm tại Guinea. Cách đây 5 ngày, bệnh nhân về Việt Nam nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Sau khi từ TP.HCM về Đà Nẵng được 2 ngày thì bệnh nhân bị sốt.

Theo ghi nhận tại bệnh án của bệnh viện, bệnh nhân Chung có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, khát nước nhiều, mạch 80 lần/phút, thân nhiệt lên tới 40,5 độ C, huyết áp 140 trên 80...

Tuy nhiên, theo khai báo, bệnh nhân Chung đã đi về từ vùng có dịch Ebola và trên đường về Việt Nam đã quá cảnh qua Marốc và Qatar nên bệnh viện Hoàn Mỹ phải chuyển bệnh nhân này sang Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng theo quy định.

Tiếp nhận bệnh nhân Chung, Ban giám đốc bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng lập tức đưa vào phòng cách ly, đồng thời tiến hành chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho hay, ngay sau khi lấy mẫu xét nghiệm, Sở đã cử cán bộ bắt máy bay mang hộp mẫu ra Viện dịch tễ trung ương để làm xét nghiệm. 

"Đến khoảng 20h tối nay, Viện trưởng đã chờ sẵn ở sân bay Nội Bài để tiếp nhận mẫu này. Chúng tôi đang chờ tin tức từ Viện. Hy vọng, bệnh nhân này sẽ âm tính với dịch Ebola”, bà Yến cho hay.

Còn theo bác sĩ Thạnh cho biết, trong suốt gần nửa ngày qua, Bệnh viện Đà Nẵng đã huy động nhiều y, bác sĩ dày dạn kinh nghiệm, túc trực theo dõi diễn biến bệnh tình của bệnh nhân. "Hi vọng là bệnh nhân bị sốt rét hoặc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, vì bệnh nhân vừa từ vùng có dịch Ebola về nên chúng tôi đã sẵn sàng mọi tình huống có thể xảy ra”, bác sỹ Thạnh nói.

Ngay trong đêm 1/11, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiến hành làm xét nghiệm virus Ebola và dự kiến sẽ có kết quả trong ngày 2/11.

Nguồn : http://news.zing.vn/

Khẩn cấp phòng chống dịch bệnh do vi rút ebola

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola gây ra. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có nguy cơ lây lan rất nhanh nhưng chưa tìm ra thuốc chữa.


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (bia phải) khảo sát nơi xảy ra chùm ca bệnh tiêu chảy cấp ở TP.HCM – Ảnh: Lương Ngọc

Dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola đang báo động ở Tây Phi. Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 4.8 về tình hình mắc mới bệnh này cho biết từ ngày 31.7 – 1.8, tại 4 nước (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone) đã ghi nhận thêm 163 trường hợp mắc mới, có 61 trường hợp tử vong. Con số mắc bệnh tích lũy tính đến ngày 1.8 đã ghi nhận 1.603 trường hợp, với 887 ca tử vong tại 4 nước nói trên.

Nguy cơ vi rút Ebola tràn vào Việt Nam

Theo Bộ Y tế, bệnh do vi rút Ebola lây từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi rút. Người mắc bệnh Ebola thường có các triệu chứng: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng, chảy máu ngoài da. Thời gian ủ bệnh từ 2 – 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Bệnh này đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. “Sốt xuất huyết do vi rút Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất nguy hiểm, có nguy cơ lây lan rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao, có thể tới 90%”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhấn mạnh.


Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính cho rằng: “Việt Nam chưa từng ghi nhận ca mắc Ebola. Tuy nhiên, với môi trường hòa nhập như hiện nay thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất dễ dàng. Do vậy, chúng ta vẫn phải sẵn sàng các phương án phòng chống, điều trị”.

Cuối tháng 7 vừa qua, Cục Y tế dự phòng cũng đã chỉ đạo các trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, y tế dự phòng của các tỉnh, thành tăng cường phòng chống bệnh dịch hạch thể phổi. Bởi căn bệnh này đang xảy ra ở Trung Quốc và Mỹ, với 1 trường hợp tử vong ở Trung Quốc. Bệnh nhân khởi phát bệnh sốt, ho và tử vong chỉ sau 1 ngày nhập viện. 4 ca mắc bệnh ở Mỹ, theo thông báo của nước này vào ngày 21.7 thì cả 4 bệnh nhân đều tiếp xúc với chó bị ốm có biểu hiện lâm sàng và bệnh lý của bệnh dịch hạch thể phổi (con chó sau đó đã chết ngày 26.6).



Biểu hiện bệnh do vi rút Ebola gây ra – Ảnh: T.L Cục Y tế dự phòng

Có thể bạn quan tâm đến : Cách phòng ngừa lây virus nguy hiểm Ebola

Chuột nhiễm vi rút Hanta, nước ao nhiễm E.coli…

Trong khi đó, báo cáo với đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu hôm qua, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết tháng 7 đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm vi rút Hanta ở Q.Tân Bình và Q.Phú Nhuận. Bệnh do vi rút Hanta lây truyền từ động vật sang người do loài gặm nhấm, chủ yếu là chuột bị nhiễm vi rút cắn, hoặc do hít phải các chất thải của chuột có chứa vi rút. Bệnh không lây từ người qua người. Vi rút Hanta có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận với các triệu chứng sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, giảm huyết áp, rối loạn đường tiêu hóa, suy hô hấp đột ngột và hạ huyết áp, có thể tử vong. Đáng lo ngại là kết quả khảo sát của Trung tâm y tế dự phòng TP và Viện Pasteur TP.HCM cũng đã phát hiện chuột ở Q.8 nhiễm vi rút Hanta, với tỷ lệ 21,7% trên chuột nhắt và 9,3% trên chuột cống.

Đặc biệt, lo ngại trước chùm ca bệnh tiêu chảy cấp xảy ra ở H.Bình Chánh (với 2 bệnh nhi tử vong, hơn 10 người mắc bệnh), ngày 4.8, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã trực tiếp tham gia đoàn khảo sát về tận nơi khởi phát ổ dịch tận xã Lê Minh Xuân. Theo ông Nguyễn Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, kết quả xét nghiệm cho thấy nước ao hồ ở xã Lê Minh Xuân đã bị nhiễm E.coli - loại vi khuẩn có trong phân, gây bệnh tiêu chảy. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy các mẫu ốc bươu, rau muống, rau giá bày bán ở chợ trên địa bàn xã này cũng hiện diện vi khuẩn gây tiêu chảy. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu chính quyền và ngành y tế địa phương phải tích cực tuyên truyền đến các hộ dân đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt nhằm ngăn chặn bệnh.

Xuất hiện vi khuẩn siêu kháng thuốc

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 5.8, số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho thấy 30 – 70% vi khuẩn gram âm (gây bệnh về đường tiêu hóa rất thường gặp: thương hàn, ngộ độc thực phẩm, tả, tiêu chảy cấp…) đã kháng với kháng sinh cephalosporin thế hệ mới (thế hệ 3 và thế hệ 4). “Đặc biệt đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng thuốc, kháng với tất cả các kháng sinh. Tỷ lệ tử vong lên đến 99% với các bệnh nhân bị nhiễm loại vi khuẩn này”, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết.
L.C

Nỗi ám ảnh Ebola

Bệnh viện Mount Sinai tại New York (Mỹ) vừa tiếp nhận một trường hợp cấp cứu với bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao và mắc các triệu chứng dạ dày – ruột. Theo ABC News, do người này vừa mới quay về từ Tây Phi, nơi bùng nổ đại dịch Ebola, các bác sĩ tại đây nhanh chóng cách ly người bệnh và chuyển mẫu xét nghiệm cho Trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC) tại Atlanta và kết quả được dự kiến sẽ có trong ngày 6.8. Hiện có 2 bác sĩ Mỹ đã được chuyển về nước và đang trong tình trạng nguy kịch vì nhiễm vi rút Ebola khi đi chữa bệnh cho người dân ở Tây Phi. Tin tức mới nhất tại New York làm bùng lên nỗi sợ hãi rằng Ebola có thể đã đến Mỹ.

Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 với 2 đợt bùng nổ dịch bệnh tại Nzara (Sudan) và Yambuku (CHDC Congo), theo Tổ chức Y tế thế giới. Các chuyên gia quốc tế, bao gồm Mỹ và Nga, đang đổ đến vùng dịch bệnh, trong khi Guinea, Liberia và Sierra Leone đã điều động quân đội giữ gìn trật tự và khống chế khu vực dịch bệnh.

Thụy Miên

Vi rút Nhật Bản B hoành hành ở Sơn La

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La Lầu Sáng Chứ, các ca mắc hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ xảy ra tại hầu hết các huyện từ tháng 6. Đến ngày 5.8, đã ghi nhận 100 trẻ em mắc hội chứng não cấp, trong đó 13 trẻ tử vong. 34/100 ca mắc được xác định do vi rút Nhật Bản B. Số mắc cao ghi nhận tại hai huyện Sông Mã và Quỳnh Nhai.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Nguyễn Trần Hiển cho biết, các ca mắc hội chứng não cấp ở Sơn La với các biểu hiện: sốt cao, co giật, rối loạn vận động. Bộ Y tế đã yêu cầu địa phương tăng cường hỗ trợ người dân vệ sinh môi trường, ngủ có màn – vì bệnh này lây truyền do muỗi chích.

Cách phòng ngừa lây virus nguy hiểm Ebola

Hãy thường xuyên rửa tay với xà phòng, tránh tiếp xúc các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola... để phòng lây lan bệnh.

Dịch Ebola xuất hiện trở lại ở Tây Phi từ tháng 3 và đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia lo ngại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến nay đã có hơn 1.300 ca mắc và 729 trường hợp tử vong tại ba quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tỷ lệ tử vong khoảng 55%.

Để tránh bệnh lây lan sang Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo cách phòng ngừa Ebola như sau:
Có thể bạn quan tâm tới : Bệnh do virus Ebola nguy hiểm như thế nào?

Virus Ebola lây nhiễm sang người như thế nào


Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm; lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da, niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Thế giới đang đối mặt nguy cơ dịch Ebola lan rộng. Ảnh: AFP.

Người có nguy cơ cao nhiễm virus này

Trong dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, các nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus gồm:

- Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh.

- Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola.

- Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm virus Ebola trong rừng.

- Cán bộ y tế.

Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng bệnh do virus Ebola

- Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng.

- Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan.

- Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.

- Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày.

Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Khi nào nên đi khám

Nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.

Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.

Để kiểm soát sự lây truyền của virus, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

Làm gì để phòng nhiễm virus Ebola

Hiện chưa có văcxin phòng bệnh do virus Ebola. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện nay là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong.

Do virus Ebola lây truyền từ người sang người, các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh:

- Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.

- Nếu nghi ngờ một ai đó nhiễm virus Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

- Nếu có ý định chăm sóc bệnh nhân mắc virus Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm, cách tiêu hủy phương tiện sau khi sử dụng.

- Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.

- Cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola như dơi ăn quả, khỉ, hay vượn... tại khu vực có rừng nhiệt đới.

- Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh.

- Thịt và tiết của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.

- Người đi du lịch cần tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có các dấu hiệu bệnh đầu tiên.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch. Đồng thời giám sát tại cộng đồng, cơ sở y tế; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất…

Dịch Ebola: 826 người đã tử vong

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi hiện này có thể ngăn chặn được và không thể lan sang Mỹ.

Hôm 3/8, trong chương trình phỏng vấn "Face the Nation" của đài CBS News, giám đốc CDC, ông Tom Frieden cho biết: "Thực tế, chúng ta có thể ngăn chặn được dịch Ebola lây lan ra bên ngoài bệnh viện và dập dịch ngay tại châu Phi".

Ông Frieden nhấn mạnh trước đây, Mỹ từng giúp ngăn chặn dịch Ebola bùng phát, mặc dù công việc này không hề dễ dàng.

Hiện nay, tình trạng sức khỏe của Kent Brantly, bác sĩ Mỹ đến từ bang Texas và bị nhiễm virus Ebola khi tới Liberia làm nhiệm vụ, đang có những dấu hiệu cải thiện. Ông Brantly đã được đưa về Mỹ hôm 2/8 để tiếp tục điều trị.
Có thể bạn quan tâm đến : Bệnh do virus Ebola nguy hiểm như thế nào?

Giám đốc Frieden chia sẻ ông không thể "dự báo được tương lai" liệu bác sĩ Brantly có thể sống sót hay không nhưng việc Brantly có thể tự di chuyển xuống chiếc xe cứu thương trong bộ quần bảo hộ là một dấu hiệu cải thiện quan trọng.


Theo WHO, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của 826 người tại Tây Phi.

Trước đó, vợ và 2 con của bác sĩ Brantly đã tới thăm ông này tại Liberia. Họ cũng đang trải qua 21 ngày theo dõi nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, giám đốc Frieden cho biết khả năng cả 3 người này không bị nhiễm bệnh bởi họ đã tới thăm Brantly trước thời điểm ông này phát bệnh.

"Khi bệnh nhân phơi nhiễm với virus Ebola nhưng không ngã bệnh thì không thể làm lây bệnh sang người khác. Ebola không phát tán ngẫu nhiên và không lây lan từ một người phơi nhiễm virus chưa ngã bệnh", ông Frieden chia sẻ.

Theo chuyên gia y tế của CBS, Tiến sĩ Jon LaPook, bệnh Ebola chỉ có thể lây lan "qua tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch cơ thể và rõ ràng, không thể lây lan trong không khí".

Các chuyên gia nghiên cứu dịch Ebola và CDC nhận định khả năng cao là virus Ebola không thể bùng phát tại Mỹ ngay cả khi giám đốc Frieden nhấn mạnh các trường hợp nhiễm bệnh sẽ còn gia tăng.

Theo ông Frieden, việc Ebola bùng phát nhanh chóng tại châu Phi bởi khu vực này không có khả năng kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, trong quá trình chôn cất, mọi người thường chạm vào thi thể của các bệnh nhân nhiễm virus Ebola.

Giới chức Liberia xác nhận với hãng tin AP rằng vị bác sĩ người Mỹ thứ hai bị nhiễm virus Ebola khi tới Liberia, Nancy Writebol sẽ bay về Mỹ điều trị vào ngày mai (5/8).

Còn theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong do nhiễm virus Ebola tại Tây Phi hiện đã tăng lên 826 người, gần gấp đôi với so đợt dịch gần đây nhất.

Con số trên cho thấy nguy cơ dịch Ebola đang dần vượt khỏi tầm kiểm soát của giới y tế. Chỉ từ ngày 28 – 30/7, 50 người đã tử vong do mắc Ebola. Hiện nay, nỗ lực ngăn chặn dịch Ebola vẫn đang được triển khai tích cực tại Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Theo : http://www.tapchiyduoc.com/

Bệnh do virus Ebola nguy hiểm như thế nào?

Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người. Khoảng 90% người nhiễm virus Ebola có thể tử vong. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm virus Ebola từ các quốc gia khác.

Ngày 1/8, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh thành cảnh báo về dịch Ebola... Từ tháng 12/2013 đến 30/7/2014 thế giới đã ghi nhạn 1.323 người mắc vi rút Ebola, trong đó có 729 người tử vong tại 4 quốc gia vùng Tây Phi (Guinea, Leberia, Siera Leone và Nigeria).

Trước tính chất nguy hiểm của bệnh, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế để giúp người dân hiểu rõ hơn về bệnh này.

Thưa ông, thời gian gần đây một loạt các nước châu Âu và châu Á lo ngại virus Ebola sẽ thành dịch và có thể tràn sang Việt Nam. Vậy, ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của virus này?

Khoảng 90% người nhiễm virus Ebola có thể tử vong. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm virus Ebola từ các quốc gia khác. Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, virus lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới.


Virus Ebola lây truyền từ người sang người

Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quẩn áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Những đối tượng nào có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola, thưa ông?

Trong một vụ dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, những người sống trong gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh, người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola, người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm virus Ebola trong rừng có nguy cơ nhiễm virus.

Vậy dấu hiệu nhận biết, triệu chứng biểu hiện bệnh do virus Ebola như thế nào?

Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Khi nào người dân nên đi khám? Cộng đồng phải làm gì để phòng nhiễm virus Ebola, thưa ông?

Người dân nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Ebola và xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc, giảm nguy cơ tử vong.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do virus Ebola. Do đó, nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do virus Ebola.

Bộ Y tế có khuyến cáo gì đối với khách du lịch đi lại giữa các quốc gia, thưa ông?

Nguy cơ lây nhiễm cho người đi du lịch rất thấp, do bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể hay các chất bài tiết của người nhiễm bệnh.

Khi di du lịch người dân tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu khách du lịch đã từng ở nơi có trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh đến ngay cơ sở y tế.

Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh đầu tiên; nhân viên chăm sóc cho người du lịch trở về từ các vùng bị ảnh hưởng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự cần cân nhắc khả năng có thể bị mắc bệnh do virus Ebola.

Nếu người nhà chăm sóc bệnh nhân mắc virus Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm và cách tiêu hủy. Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.

Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola tại khu vực có rừng nhiệt đới, không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch. Đồng thời giám sát tại cộng đồng, cơ sở y tế; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất…

Nguồn : http://www.tapchiyduoc.com/

Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress

.

© 2017 www.blogthuthuatwin10.com

Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: nguyenanhtuan2401@gmail.com
Điện thoại: 0908 562 750 ext 4548; Liên hệ quảng cáo: 4567.