Mùa xuân, mùa của muôn hoa khoe sắc, mùa mà hàng ngàn người nô nức đến những ngôi đền, chùa,…để cầu may mắn, bình an và hạnh phúc cho những người thân yêu trong dịp đầu năm mới.
Cùng điểm qua top 10 ngôi chùa linh thiêng được nhiều du khách viếng thăm nhất trong những chuyến hành hương ngày Tết:
1. CHÙA MỘT CỘT (HÀ NỘI)
Chùa Một Cột còn có tên gọi là Diên Hựu tự, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam. Xuất phát từ giấc mơ của vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật Quan Âm dẫn vua lên tòa sen, chùa được xây dựng như một đóa hoa sen nổi giữa mặt hồ tĩnh lặng.
Chùa có quy không lớn nhưng lại mang đến một vẻ đẹp rất riêng, vừa uy nghi cổ kính lại vừa thanh thoát nhẹ nhàng đưa con người đến gần hơn với cõi Phật. Hằng năm, ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á này thu hút không ít du khách trong và ngoài nước đến viếng cảnh, lễ bái.
2. THIỀN VIỆN TRÚC LÂM YÊN TỬ (QUẢNH NINH)
Tọa lạc ở độ cao trên 1000 m, Thiền viện Trúc lâm Yên Tử là kinh đô Phật giáo của nước Đại Việt cách đây 700 năm, nơi sinh ra thiền phái Trúc lâm và là điểm đến rất hấp dẫn của những du khách hành hương. Thiền viện Trúc Lâm nằm trên một vùng có cảnh trí thiên nhiên của vùng núi Yên Tử đẹp tuyệt vời với những chùa, am, tháp cổ.
Du lịch hành hương tại đây, du khách sẽ được khám phá rất nhiều điều thú vị trên vùng đất Phật, bắt đầu từ suối Giải Oan, chùa Hoa Yên đến chùa Vân Tiêu, vườn tháp Yên Tử,…Điểm đến chính của du khách là chùa Đồng – ngôi chùa bằng đồng lớn và độc đáo nhất Châu Á. Trong chùa, thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và ba vị Trúc Lâm Tam Tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.
3. CHÙA Ở HƯƠNG SƠN (HÀ NỘI)
Cách trung tâm Hà Nội 70km, quần thể thắng cảnh chùa Hương bao gồm 18 đền, chùa, hang động nằm ở bốn thôn Yến Vĩ, Đức Khê, Hội Xá và Phú Yên, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Để tham quan những ngôi chùa người hành hương thường đi theo các tuyến đường khác nhau. Mỗi ngôi chùa ở Hương Sơn đều gắn với những truyền thuyết ly kỳ, trong đó, nổi tiếng nhất là chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan và động Hương Tích.
Chùa Giải Oan nằm giữa chùa Thiên Trù và chùa Hương, ở đây có giếng nước trong vắt gọi là giếng Long Tuyền, tương truyền Phật Bà Quan Âm đã tắm ở giếng này để tẩy bụi trần, nghỉ ngơi tọa thiền trước khi vào cõi Phật. Cách chùa Giải Oan không xa là động Hương Tích, thế giới Phật tích bên trong động với tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đã nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ…Đến tham quan địa danh này, du khách như lạc vào tiên cảnh, và có cảm giác rất yên bình, khiến du khách quên đi cuộc sống ồn ã của đời thường.
4. CHÙA BÚT THÁP (BẮC NINH)
Chùa Bút Tháp là một ngôi chùa cổ thuộc Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ thời hậu Lê. Mặc dù đã trải qua những lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được nét nguyên sơ bí ẩn.
Chùa Bút Tháp là nơi có nhiều tượng xếp hàng đầu trong danh sách các pho tượng cổ đẹp Việt Nam như bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam, bộ tượng tam thế, tượng Quan âm tọa sơn, tượng Văn Phù và Phổ Hiền Bồ Tát. Đến với chùa Bút Tháp những ngày đầu xuân, ngoài việc chiêm ngưỡng những nét tài hoa của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ, còn là dịp để du khách khấn những lời nguyện ước về một năm mới bình an, hạnh phúc.
5. CHÙA BÁI ĐÍNH (NINH BÌNH)
Nằm uy nghi trên ngọn núi Bái Đính có khuôn viên rộng khoảng 539 ha, chùa Bái Đính được xây dựng với kiểu kiến trúc chùa hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Á Đông, được xem là một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam.
Sở hữu nhiều kỷ lục như Chùa có bộ Tam thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, Ngôi chùa có giếng nước lớn nhất Việt Nam, Chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Châu Á…Hằng năm, chùa Bái đính đón hàng vạn phật tử về hành hương.
6. CHÙA THIÊN MỤ (THỪA THIÊN – HUẾ)
Bắt nguồn từ truyền thuyết về lời tiên đoán của một bà lão nhà trời, sau khi vào trấn giữ Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây chùa và đặt tên là Thiên Mụ Tự. Trải qua hơn 400 năm, chùa Thiên Mụ không chỉ là chốn tâm linh của người dân Huế, mà còn là chốn có phong cảnh hữu tình ở Huế. Thiên nhiên thơ mộng và kiến trúc cổ kính giao hòa với nhau đến mức hoàn chỉnh.
Điểm sáng ở chùa Thiên Mụ là ngôi tháp Phước Duyên cao 21m, có 7 tầng, Đại Hồng Chung cao 2,5m, nặng trên 3 tấn và bia đá được dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trên lưng con rùa lớn bằng cẩm thạch. Du khách bước qua cổng chùa sẽ thấy lòng tĩnh lại, 108 tiếng chuông như giữ nhịp thời gian và giải tỏa mọi phiền muộn trong lòng người.
7. CHÙA LINH ỨNG (ĐÀ NẴNG)
Nếu có dịp du lịch Đà Nẵng vào thời điểm Tết Nguyên Đán, du khách đừng quên viếng thăm chùa Linh Ứng trên bãi Bụt, bán đảo Sơn Trà, nơi nổi danh với sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc trang nhã, không gian thanh tịnh và khung cảnh thiên nhiên sóng nước, mây trời bao la. Bên cạnh đó, chùa Linh Ứng còn nổi bật bức tượng Quan Thế Âm cao 67m, được xem là cao nhất của Đông Nam Á.
Tượng đứng trên một tòa sen đường kính 35m, đôi mắt hiền từ nhìn xuống ban phúc lành và che chở chúng sinh. Trong lòng tượng gồm 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt và tư thế khác nhau. Vãn cảnh chùa, du khách như được gột sạch những toan tính đời thường và cảm nhận sự thư thái trong tâm hồn.
8. THIỀN VIỆN TRÚC LÂM ĐÀ LẠT (LÂM ĐỒNG)
Khi du xuân ở “thành phố ngàn hoa”, du khách nên viếng thăm Thiền viện Trúc lâm Đà Lạt, một trong ba thiền viện lớn nhất nước ta theo phái Trúc Lâm.Nằm cạnh hồ Tuyền Lâm, cách trung tâm thành phố 5 km, Thiền Viện Trúc Lâm được xem là thiền viện lớn nhất trong cả nước cả về không gian lẫn quy mô tụ tập. Bên trong chính điện thờ Phật Hoa Liên, hai bên là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử và Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà.
Phía ngoài là toà tháp uy nghiêm bên trong treo một chiếc chuông lớn cao 1.98 m nặng 1.1 tấn trên có khắc bài thơ của Trúc Lâm Ðầu Ðà. Thiền viện Trúc lâm Đà Lạt tuy không mang vẻ cổ kính, nguy nga như các chùa ở miền Bắc song nơi đây lại ẩn chứa bao điều huyền nhiệm của thế giới tâm linh, là nơi bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy sự yên bình.
9. CHÙA GIÁC LÂM (THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi chứa đựng nhiều cổ vật quý hiếm cùng sự thăng hoa trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Điểm nổi bật của chùa là 38 tháp cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX và 113 pho tượng Phât cổ. Ngày xuân, nơi đây đón hàng ngàn khách trong nước và quốc tế đến dâng hương, lễ phật và chiêm ngưỡng nét uy nghiêm các tượng Phật.
10. CHÙA VĨNH NGHIÊM
Chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh với điện Phật được bài trí tôn nghiêm thờ Thích Ca Tam Tôn, chính giữa thờ đức Phật Thích Ca, hai bên thờ Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Sau điện Phật là điện Địa Tạng thờ Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Quan Âm, và Hộ Pháp.
Đặc biệt, chùa còn được ghi nhận là nơi có tháp đá cao nhất và công phu nhất Việt Nam, với 7 tầng, cao 14m, được xây dựng với nghệ thuật trổ đá dày đặc, công phu với hoa văn, họa tiết điêu khắc theo phong cách văn hóa thời Lý – Trần. Chùa Vĩnh Nghiêm là địa điểm các tăng ni phật tử thường đến nghiên cứu phật học và du khách thập phương đến tham quan cầu may mắn, hái lộc đầu năm.
Trong ánh nắng xuân tươi đẹp, còn gì thú vị hơn khi được hòa cùng dòng người nô nức viếng chùa và cầu nguyện, ước mong một năm mới sung túc, bình an.
Bảo Ngọc – Đất VIệt Tour
comment 0 nhận xét