Lão ngư tiếc nuối vì chạm tay vào kho báu triệu đô mà không biết

lượt xem comment

Một số ngư dân ở làng chài ven biển Vũng Tàu ra Hòn Cau (huyện Côn Đảo) hành nghề đánh lưới. Tại Hòn Cau, thi thoảng thả lưới ngư dân lại vớt lên một số đồ gốm sứ như: lọ, đĩa, chén, bát...
Những người này tò mò lặn xuống thì phát hiện, nằm sâu dưới đáy biển khoảng gần 40m là một con tàu đắm khổng lồ. Chiếc tàu gỗ dài khoảng 30m, 2/3 thân tàu bị vùi lấp dưới lớp cát, bên trên vương vãi đầy gốm sứ. Nghĩ rằng đó là những gốm sứ vô dụng, những ngư dân lại bỏ đi, không thèm quan tâm. Họ không thể ngờ, đó là cổ vật có từ thế kỷ 16-17, giá trị đến hơn 7 triệu USD.
Đánh lưới được kho đồ cổ hàng triệu đô
Những câu chuyện từ các con tàu đắm dưới đáy đại dương luôn có sức hút lạ kỳ đối với bất cứ ai, nhất là bên trong chúng luôn ẩn chứa những kho cổ vật đến từ hàng thế kỷ trước. Từ tiết lộ của một cựu dân buôn đồ cổ đã giải nghệ, người giờ là một đại gia ở TP. HCM, chúng tôi xin kể về những điều ly kỳ xung quanh kho cổ vật khổng lồ được phát hiện dưới lòng biển ở Vũng Tàu từng gây xôn xao dư luận thập niên 90 của thế kỷ trước. Xin nói thêm, đây là kho cổ vật quy mô lớn nhất từ trước tới nay với dạng cổ vật trong tàu đắm. Giá trị sau trục vớt vào thời điểm năm 1992 đã lên đến 7,6 triệu USD. Con số khổng lồ ấy đã khiến những người có duyên với nó bị cuốn vào vòng xoáy của lợi nhuận.
Ông Năm Son được xem là người đầu tiên chạm tay vào kho báu. Ảnh TG
Chúng tôi bắt đầu bằng câu chuyện của một lão ngư, người được xem là một trong số những người đầu tiên tiếp cận về “kho báu” dưới lòng biển nhưng cuối cùng trắng tay. Ông là Lê Văn Son, người dân trong vùng thường gọi là ông Năm Son, nay ngụ ở thị xã Long Hải (huyện Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Lão ngư Năm Son nay đã bước vào tuổi 78, mắt mờ, tóc bạc như những đụn sóng vùng biển Long Hải. Cuộc đời thăng trầm, lênh đênh trên mặt biển không làm cho ông giàu, ông đã vỡ nợ sau khi phát hiện tàu đắm và giải nghệ từ đó. Tuy nhiên, khi chúng tôi nhắc đến kho cổ vật trong tàu đắm Hòn Cau, đôi mắt ông lại bừng sáng lên.
Ông Năm Son mở đầu câu chuyện bằng những câu luyến tiếc: “Ui, chính ghe nhà tôi đầu tiên biết về chiếc tàu cổ đắm ấy. Giá như ngày đó, tôi biết đó là cổ vật thì giờ đâu đến nỗi, có khi là đại gia không biết chừng. Vì chỉ mấy năm sau, cơ quan chức năng trục lên bán được 7,6 triệu USD bên Hà Lan cơ mà. Ấy thế mà lúc đó, mấy thợ đi lưới cho ghe nhà tôi vớt được nhiều lọ hoa, chén đĩa, ấm tách về bỏ vương vãi, thậm chí tôi còn vứt ngoài hàng rào chẳng ai thèm lấy. Bây giờ nó mà còn thì…”. Ông Năm Son bỏ lửng câu chuyện bằng tiếng chép miệng mà không giấu được sự nuối tiếc.
Ông Năm Son kể, đó là thời điểm khoảng năm 1985, vùng Long Hải (thời đó thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nay là tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) chỉ có một vài ghe hành nghề lưới, câu vươn khơi. Ghe nhà ông Son lớn, thuê ngư dân trong vùng đi đánh lưới ra vùng biển Hòn Cau (gần huyện Côn Đảo ngày nay) hành nghề. Hòn Cau nằm chếch về hướng Đông Nam của Côn Đảo, là một ngư trường lớn giàu hải sản. Sau nhiều ngày rong ruổi, ông cho ghe dừng tại một tọa độ nhìn thấy hai mũi lớn của hòn Bảy Cạnh (nằm sát phía Đông Nam của Côn Đảo). Lạ một điều là nhiều lúc, lưỡi câu hoặc lưới thường mắc phải những đồ vật như ly, bình hoa, ấm tách, tượng Phật…Thấy lạ, những ngư dân liền lặn xuống kiểm tra xem thì thấy, dưới đáy biển cách khoảng 40m nước có một con tàu gỗ bị đắm. Khoảng 2/3 thân đã bị vùi trong cát, chỉ nhú bên trên phần mũi tàu, điều đặc biệt là bên trên rất nhiều gốm sứ nằm vương vãi bị hàu bám kín.
Số cổ vật được trưng bày tại bảo tàng Vũng Tàu. Ảnh TG
Vì nghĩ số sành sứ không có giá trị, những ngư dân chẳng để ý đến con tàu đắm nữa, hễ những đồ sành sứ mắc lưới họ lại đập vỡ đi hoặc là vứt xuống và tiếp tục đánh cá. Chỉ một số rất ít được ngư dân để lại vì thấy đẹp, lạ mắt. Tất nhiên, nhà ông Năm Son cũng mang một số chai lọ về bỏ vương vãi ngoài sân. Ngoài ghe nhà ông Son, những ghe khác trong vùng cũng gặp hiện tượng tương tự, họ cũng mang một vài thứ đồ gốm sứ này về cắm hoa chơi mà thôi. Ông Son còn nhớ, hầu hết ngư dân thời đó, những năm còn nhập nhằng giữa bao cấp và đổi mới, đời sống còn muôn vàn khó khăn. Họ chỉ lo đánh lưới kiếm cơm chứ chẳng ai thèm để ý đến mấy đồ vật bằng sành sứ làm gì.
Lộ tung tích kho cổ vật từ gã buôn đồ cổ tép riu
Ông Son có một bạn hàng tên Chín ở TP. HCM. Người này là đầu mối tiêu thụ mực, cá ở vùng Long Hải lâu năm, với gia đình ông Son là chỗ thân tình. Một ngày nọ, người lái buôn này bất chợt nhìn thấy một chiếc bình gốm ở nhà ông Son và ngỏ ý xin. Ông Son nghĩ, cá mực mới có giá trị chứ dăm ba cái đồ sành sứ thì ông biếu không. Ông Son bảo với người bạn lái buôn rằng, những thứ đó đầy dưới lòng biển nếu cần ông cho thêm. Và rồi, ông Son lại chỉ thêm những nhà khác trong vùng đang giữ mấy cái bình sành sứ để thương lái này tìm đến mua. Giá bán lúc ấy cho người buôn mực này chỉ mấy ngàn đồng, rẻ như cho. Những ngày sau, người buôn mực trở lại và bảo có mấy người ở thành phố thích nên có mấy cũng sẽ mua hết. Ông Son lại nhiệt tình chỉ dẫn cho người đi gom về bán cho vị lái buôn này.
Ông Năm Son không biết rằng, tay thương lái này đang thu mua những đồ gốm sứ của người dân ở Long Hải mang lên phố đồ cổ ở đường Đồng Khởi, Lê Công Kiều bày bán kiếm lời. Những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước, hai con đường này được mệnh danh là “thiên đường đồ cổ”. Những hàng hóa giá trị cổ đều được những dân săn lùng mang đến đây bày bán, ai có nhu cầu thì chỉ cần tìm đến mua, thượng vàng hạ cám, thứ gì cũng có. Những ngày cuối tháng 5/1990, hai con đường này bỗng trở nên nhộn nhịp với sự xuất hiện dòng gốm sứ cổ rất lạ. Những hũ lọ với nước sơn xanh lam, bóng trắng được vẽ rất tinh xảo.
Cổ vật dưới biển được phục dựng lại.
Một điểm đáng chú ý là dòng gốm sứ này trông rất đẹp, thân mỏng như tờ giấy nhưng rất cứng, gõ vào nghe tiếng rất trong. Dân sành sỏi về đồ cổ thì nhận ra ngay đó là dòng gốm sứ quý xuất xứ từ Trung Quốc. Nó có thể là có từ thời Càn Long (1722-1799), Khang Hy (1661-1772), đời nhà Minh (1573-1620), Gia Tĩnh (1522-1567) hay Hồng Võ (1403-1425). Đây là những thời đại được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ. Tất nhiên, những món hàng này mỗi khi bày ra thì dân chơi đồ cổ đều tranh nhau mua và tiếp tục đặt hàng. Người duy nhất có nguồn hàng này không ai khác chính là tay lái buôn mực khô tên Chín. Từ ngày mua mấy đồ cổ về bán ở đường Đồng Khởi, thu lợi nhuận lớn, gã buôn mực này bỏ hẳn nghề cũ chuyên biệt về buôn đồ cổ mà thôi.
Những dân buôn đồ cổ ở đường Đồng Khởi vô cùng ngạc nhiên về tay buôn lạ mặt mới nổi này nên cho người theo dõi. Sau nhiều ngày thăm dò, họ biết được số cổ vật dồi dào trên có nguồn từ một ngôi làng ven biển ở Vũng Tàu. Thời gian sau đó, làng Long Điền, Long Đất ở Vũng Tàu đã xuất hiện những tay lạ mặt. Ông Son còn nhớ, họ đi hỏi mua khô cá, khô mực thì ít mà thăm dò về mấy chiếc lọ, bình bằng sành sứ thì nhiều. Những người này đều thông báo có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, giá cả không thành vấn đề. Thế rồi, chẳng biết từ bao giờ, những bình sành sứ được đẩy giá lên liên tục từ tiền ngàn, đến tiền chục, rồi tiền trăm.
Đến lúc này, những ngư dân mới sực tỉnh, liền tức tốc cho ghe ra địa điểm nọ ở đảo Hòn Cau để trục vớt đồ cổ đem bán kiếm cơm. Những con thuyền thay vì sắm ngư cụ để đánh bắt thì nay gác lưới, sắm ống hơi, kính lặn dong thẳng ra Hòn Cau. Vùng biển bao năm yên bình bỗng dậy sóng, một cuộc tranh giành, vớt cổ vật ngẹt thở giữa đại dương bắt đầu nổ ra. Ông Năm Son thì tình cảnh trớ trêu, vừa kịp nhận ra giá trị của những món sành sứ thì bỗng bị vỡ nợ. Con thuyền mấy năm trước ông đã bán. Không còn cơ hội đi vớt cổ vật, ông lại ngồi nhà thở dài sầu muộn. Ông tiếc vì mình là người đầu tiên có duyên với kho báu cổ vật khổng lồ dưới lòng biển nhưng lại chẳng thu về được gì.
Theo Diệp Tuyền - Hàn Phong

comment 0 nhận xét

Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress

.

© 2017 www.blogthuthuatwin10.com

Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: nguyenanhtuan2401@gmail.com
Điện thoại: 0908 562 750 ext 4548; Liên hệ quảng cáo: 4567.