Núi Ngự Bình bên bờ sông Hương

lượt xem comment

Núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế.



Từ bao thế hệ, lớp lớp tao nhân mạc khách từng coi đây là chốn thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú. Vào những ngày đẹp trời, đứng trên đỉnh Ngự Bình, có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố với cung điện nguy nga, mái chùa cổ kính và dòng sông Hương xanh biếc uốn lượn quanh co. 

Ngay trước tầm mắt là các khu đồi, rừng thông bát ngát tiếp đến một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện: Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà cỏ cây xanh rờn, xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm ẩn hiện sau những tầng mây trắng. Nhìn về phía Đông, dải cát vàng mờ phía xa cửa Thuận An với màu xanh thăm thẳm của biển bạc.


Như nhà thơ Bùi Giáng trả lời cho một ai đó hỏi về cảm tưởng của ông về Huế, ông chỉ cười và đáp:

Dạ thưa xứ Huế bây giờ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

Câu thơ lục bát rất đơn sơ, rất ca dao nhưng cũng “rất Huế”, trải qua bao nhiêu đổi thay, qua “bao lớp sống phế hưng”, Huế vẫn tồn tại với sông Hương và núi Ngự, với bao nhiêu nét đẹp đã đi vào thơ ca, đi vào lòng người. Núi không cao, không cheo leo gập ghềnh nhưng núi Ngự mang cái dáng vẻ của một con người trầm tư mặc tưởng, thanh thoát lâng lâng hồn người, rất gần gũi với dân Huế.


Thoảng đưa trong gió tiếng chuông chùa bing bong thanh thoát, tiếng gà gáy ban trưa, mùi nhựa thông thơm nồng, gió lao xao đùa vui trên những ngọn thông xanh, ngửa mặt nhìn trời xanh ngăn ngắt ngắm những đám mây trắng bồng bềnh nhởn nhơ, tâm hồn ta thư thái như vừa trút bỏ đi những lo toan khó nhọc của cuộc đời.


Ngay từ thời Nguyễn Huệ còn làm Bắc Bình Vương, khi nghe quân Thanh kéo 20 vạn quân sang xâm lấn nước ta, Nguyễn Huệ đã lập đàn tế cáo trời đất trên ngọn Hữu Bật Sơn, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc. Xem thế thì Ngự Bình là một ngọn núi rất quan trọng.

Ngày xưa từ chân núi lên đến đỉnh núi các vua chúa cho trồng thông, quanh năm xanh tốt. “Thông reo núi Ngự” chính là vì thế.


Nhìn ngọn Ngự Bình cùng hai ngọn Tả Phù - Hữu Bật trông giống như con phượng hoàng đang xoè cánh che chở cho đế thành. Đây ngày xưa cũng là nơi dập dìu tới lui của các cặp tài tử giai nhân vào những tiết tốt như thanh minh, nguyên tiêu, trùng cửu. Đứng trên đỉnh Ngự, lắng nghe tiếng thông reo có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh kinh thành Huế ẩn hiện những lâu đài thành quách, mái chùa cổ kính giữa một màu xanh của cây cối và sông Hương như giải lụa uốn lượn quanh co.
 

Cái đẹp của núi Ngự không phải là về mặt phong thủy che chở cho kinh thành Huế, cái đẹp của núi Ngự chính là chỗ nó gần gũi với dân Huế, nó trở thành một cái đài, một ngôi lầu cao vút và lên đó theo những bậc cấp nhân tạo người ta có thể phóng tầm mắt mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu hiền của thành Huế, lắng nghe những tiếng vọng từ bên dưới rất xa, và có cảm tưởng như mình đang ở vào một thế giới nào đó, thoát tục.

comment 0 nhận xét

Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress

.

© 2017 www.blogthuthuatwin10.com

Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: nguyenanhtuan2401@gmail.com
Điện thoại: 0908 562 750 ext 4548; Liên hệ quảng cáo: 4567.