“Tối nay ăn cơm nhà không?”

lượt xem comment

Anh bảo: “Không ăn nhà thì ăn đâu?”. Chị cười nhạt: “Thiếu gì chỗ ăn”. Không khí như đông đặc. Anh sững người một lát, bỏ vào phòng. Tiếng đóng cửa giận dữ vang lên, chị lặng thinh nhặt rau. Cọng rau bị chị ngắt năm ngắt bảy mà vẫn chưa hả.
Nếu là những ngày trước, khi nghe câu hỏi về bữa cơm tối, chắc chắn chị sẽ nhận được câu trả lời “không ăn”.

Đi làm về, anh ôm bộ quần áo vào ngay nhà tắm, sau đó chải chuốt và dắt xe đi. Rất khuya anh mới về, khi đi tỉnh táo, khi về cũng rất tỉnh táo. Chị hỏi, anh nói đi cà phê với bạn. Ban đầu chị cũng nghĩ thế, còn thông cảm nghĩ công việc chồng nặng nề, buổi tối anh ra đường với bạn với bè cho khuây khỏa. Ở nhà hai đứa con cứ gặp nhau là chí chóe, ngay cả khi ăn, khi tắm, khi ngủ. Chị phụ nữ còn chịu được chứ đàn ông thường thích yên tĩnh.

Con bé sốt, lúc anh về, chị nói cho anh biết, anh sờ trán con, bảo: “Trẻ con nóng sốt là thường. Chơi đùa một tí, mồ hôi ra là mát ngay”. Anh vẫn đi, tối ấy còn xịt nước hoa. Con bé vừa ăn được tí cháo đã ói sạch, thấy con sốt không hạ, chị đưa con đi viện. Không biết xui rủi thế nào lại tắc đường, taxi phải vòng đường khác, và chị thấy anh, đang đứng với một cô gái. Họ không nắm tay nắm chân, cũng không ôm ấp hôn hít, nhưng nhìn nụ cười của anh bên cô gái trẻ, hệt ngày anh chị mới quen.

Chị bảo taxi dừng lại, hạ cửa kính nhìn cho rõ. Chỉ thế thôi, con bé đang cần đến bệnh viện, chị không phải loại đàn bà có thể đánh ghen.

23g, anh vào với con, vẫn bộ quần áo khi tối. Con bé thấy bố, hờn dỗi: “Lúc tối con thấy bố đứng với cô nào. Chỗ cái nhà to to ấy”. Anh liếc nhìn chị, hơi ngượng. Con bé vẫn không thôi tả về ngôi nhà to to. Chị ngồi ở cuối giường, nhắc con: “Con ngủ đi một tí, để bố về nghỉ. Bố cũng mệt rồi”. Con bé ôm cổ bố: “Bố đừng về, bố đừng đi chơi với ai nữa”. Anh đứng dậy, ngập ngừng rồi ra về. Chị có cảm giác anh định nói gì đó, lại thôi. Đêm ở viện cùng với con, không hiểu sao chị lại ứa nước mắt khi nhớ nụ cười của anh, nụ cười rạng rỡ anh dành cho người khác, không phải cho chị và hai đứa con. Người con gái ấy, chị sực nhớ, có mặt trong tấm hình ở quyển album cũ của anh.


Sau hôm ấy, anh không ra ngoài vào những buổi tối nữa. Buổi tối hôm sau như lệ thường, chị làm cơm cho ba mẹ con ăn, ngạc nhiên khi thấy anh cũng ngồi vào bàn. Chị cười nhạt, anh lặng lẽ ăn cơm. Từ hôm ấy, anh luôn thế, lặng lẽ. Chị thì nghĩ, chắc bị vợ con “bắt tận tay, day tận trán” nên anh đã biết dừng lại. Chị không hỏi, anh chắc chắn chẳng bao giờ nói. Không đánh kẻ chạy lại, chị biết thế nhưng vẫn nghe lòng ấm ức.

Và cứ thế, câu hỏi “Tối nay có ăn cơm nhà không?” được chị lặp đi lặp lại mỗi ngày. Có mặt anh thì chị hỏi thẳng, anh chưa đi làm về thì chị bảo con nhắn tin hỏi bố. Có những ngày anh nhẫn nại trả lời “có”, có những ngày như hôm nay, anh vặc lại. Mỗi ngày, câu hỏi ấy như nhắc anh nhớ đã có lần anh đi nhầm đường lạc lối. Chị phải cho anh thấy được lỗi lầm của mình, chị cũng không buồn hỏi họ đã tới mức nào. Với chị, phản bội là phản bội, vậy thôi.

Cũng từ ngày đó, chị sang phòng con ngủ. Anh cũng không có ý kiến gì, với người đang bị “án treo” thì làm gì có quyền lên tiếng phản đối hay đòi hỏi. Nhìn anh lầm lũi ra vào, người gầy rạc, mắt thâm quầng, chị hả hê trong dạ. Đó là cái giá anh phải trả, chị thấy, nó không đến nỗi đắt.

Tiếng dầu sôi trên chảo như reo, thay vì bỏ cá vào chiên thì chị tắt bếp. Hẳn anh đang rất mệt mỏi, mà không biết rằng chị còn mệt mỏi hơn. Cảnh nhà im lìm không sức sống dần rút cạn kiệt sức lực chị.

Giá mà chị có thể cho anh một cơ hội, cũng là dành một cơ hội cho mình.

comment 0 nhận xét

Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress

.

© 2017 www.blogthuthuatwin10.com

Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: nguyenanhtuan2401@gmail.com
Điện thoại: 0908 562 750 ext 4548; Liên hệ quảng cáo: 4567.