Hiển thị các bài đăng có nhãn Chuyến đi của bạn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chuyến đi của bạn. Hiển thị tất cả bài đăng

Côn Đảo hôm nay với sức sống mảnh liệt

Từng được ví như địa ngục trần gian thì nay, không quá lời khi gọi Côn Đảo là thiên đường mặt đất bởi cảnh đẹp hữu tình, làm say lòng người.
Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo
Tháng 6, trong tiết nắng đẹp, Côn Đảo bồng bềnh sóng nước, với những con sóng như khẽ mơn man vỗ mạn thuyền. Nước xanh ngắt tưởng chừng có thể nhìn xuống đáy sâu thẳm thẳm, chạy dài tít tắp đến tận trân trời xanh, bồng bềnh mây trắng.

Bãi biển Ông Đụng thuộc vườn Quốc gia Côn Đảo

Ánh nắng càng chói chang, Côn Đảo càng đẹp, thanh bình hơn với những hàng cây xanh, tô điểm những chùm phượng vỹ đỏ rực, hay bằng lăng tím mộng mơ, hoa sứ trắng tinh khôi.

Nhắc đến Côn Đảo là người ta nhớ đến những gốc bàng có tuổi thọ hàng trăm năm. Mỗi cây đều được gắn biển cây di sản, như một cách nhắc nhớ người ta về ký ức và quá khứ hào hùng của cha ông.

Đến với Côn Đảo mùa nào cũng đẹp, cái đẹp rất riêng không giống bất cứ vùng biển nào của Việt Nam. Nó thơ mộng, thanh bình với những bãi cát dài ngút ngàn, êm êm sóng vỗ.

Đó là bãi cầu cảng 914 gắn liền với những câu chuyện của quá khứ. Giờ đây, mỗi buổi chiều, hàng trăm du khách hòa mình trong làn nước trong xanh, như được biển cả vuốt ve đôi bàn chân bởi bờ cát phẳng lỳ hay những vạt rong biển thấp thoáng trong làn nước.

Cầu cảng 941

Đó là bãi Đầm Trầm, làng Cỏ Ống mang vẻ hoang sơ như thời tiền sử, nơi bạn có thể thỏa sức đắm chìm giữa khung trời bình lặng và chiêm ngưỡng những chuyến bay cất cánh và hạ cánh. Và đó còn là bãi Ông Đụng nằm sâu giữa rừng quốc gia Côn Đảo dập dìu giữa tiếng sóng vỗ và tiếng muôn loài muông thú.

Côn Đảo là vùng đất tâm linh nên không thể không ghé chân nghĩa trang hàng dương với mộ người nữ anh hùng – chị Võ Thị Sáu cùng hàng nghìn chiến sĩ cách mạng khác. Hai ngôi nhà tưởng niệm chị Sáu nhỏ nhắn nhưng ấm cúng lúc nào cũng nghi ngút khói hương và bàn tay chăm sóc cần mẫn của lớp lớp thế hệ sau.

Và không thể không ghé chân nơi ghi dấu của địa ngục trần gian một thời: trại giam Phú Hải và Phú Tường để nhắc nhớ về một quá khứ oai hùng mà ai ai cũng có chung cảm giác vừa rợn người, vừa rưng rưng.

Di tích trại giam Phú Tường, nơi có chuồng cọp Pháp. 

Đến Côn Đảo cũng không thể không ghé thăm ngôi đền thờ thứ phi của vua Gia Long – bà Phi Yến nằm khép mình giữa núi rừng với mái ngói đã nhuốm màu trầm mặc của thời gian. Đó còn là mộ của Hoàng tử Cải, nhỏ nhắn giữa bãi biển ông Đụng mà ai ai cũng ghé qua thắp nén hương cho người đã đi xa.

Mỗi ngày qua đi, Côn Đảo chuyển mình khác lắm. Đó là những khu phố xanh mát bóng cây. Đó là phố chợ tấp nập du khách, người bán kẻ mua. Đó là những sản vật của vùng đất thiêng: hạt bàng, những loài sản vật biển, hay những món đồ lưu niệm đặc trưng…

Côn Đảo vẫn đang tiếp tục chuyển mình sau những đau thương của lịch sử. Nhưng ai đã đặt chân lên vùng đất này một lần khi quay về sẽ lại nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” và sẽ còn muốn quay lại vùng đất xanh như ngọc này.

Đình bà Phi Yến - thứ phi của vua Gia Long

Nhà tưởng niệm chị Võ Thị Sáu

Xanh như ngọc - màu sắc chủ đạo bao trùm danh lam thắng cảnh này

Cuộc sống ở thị trấn Côn Đảo vô cùng yên bình

Tuấn Nam

Đường lên 'cánh đồng mây'

Là thôn miền núi duy nhất của xã Phổ Thạnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi), Đồng Vân cheo leo neo mình trên những vạt đồi xanh.

Thôn Đồng Vân với nhịp sống yên ả 

So với mặt biển, Đồng Vân có độ cao gần 500m. Xế chiều, từ đồng bằng nhìn lên, Đồng Vân lãng đãng trong biển mây la đà. Nhiều lữ khách từng đến miền cao gió bay này không khỏi bâng khuâng khi nghĩ rằng Đồng Vân là cánh đồng mây trắng.

Vào những chiều hè, lũ trẻ làng chài dưới chân thôn Đồng Vân thường tụm năm tụm ba ngoài đường, ngước nhìn lên Đồng Vân - nơi đùn lên những lớp mây màu trắng bạc với rất nhiều hình dạng - rồi tha hồ tưởng tượng đó là Thánh Gióng nhổ bụi tre làng đánh giặc Ân, là Ngô Quyền nhấn chìm quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, là Lý Thường Kiệt trước giờ xuất quân đánh Tống…

Chỉ bao nhiêu đó thôi mà Đồng Vân chứa chan cảm hứng khiến lớp trẻ của quê hương núi Ấn sông Trà (Quảng Ngãi) lâu lâu lại rủ nhau “phượt” lên đó để được chạm tay vào những… vầng mây trắng mang dáng hình lịch sử.

Vắt vẻo giữa trời xanh 

Phiêu cùng mây trắng

Chuyến du lịch biển 2 ngày của nhóm bạn đến từ huyện Đức Phổ đã chấm dứt. Họ nói thăm cha Lạc Long Quân rồi. Giờ phải hành hương lên thăm mẹ Âu Cơ trước khi kết thúc những ngày xê dịch đầy thú vị.

Họ hỏi tôi: “Ngoài biển ra, Sa Huỳnh có rừng để đi chơi không?”. Tôi chỉ tay lên dãy núi phía tây, bảo với họ rằng trên ấy có hồ Cây Khế thơ mộng, có suối Cây Sanh phát nguyên từ đại ngàn xa thẳm Trường Sơn, có cả một cánh đồng bồng bềnh mây trắng. Và, các bạn biết đấy, Hội An có phố cổ thì nơi đây cũng có… thôn cổ. Đó là thôn Đồng Vân với nhịp sống yên ả, chầm chậm như… điệu slow.

Lời giới thiệu có “mùi” chuyên nghiệp với một chút lãng mạn ấy đã khiến tôi trở thành “phượt trưởng” bất đắc dĩ cho một tour du lịch… ngoài luồng. Tôi mô tả có hai con đường đến với Đồng Vân, dễ đi nhất là con đường bê tông uốn lượn dọc theo những triền đồi, đi xe máy chỉ mất khoảng 20 phút. Còn con đường thứ hai thì luôn thử thách đôi chân vì phải băng đồng, trèo đèo, lội suối.

Họ bảo đường bê tông thì bon bon nhưng cái chất lữ hành bụi bặm không còn. Vậy là chúng tôi xách ba lô lên, ngược Đồng Vân bằng “xe tự hành”.

Làng quê yên bình

Băng qua con đường mòn ngoằn ngoèo giữa cánh đồng xanh mướt dài hơn 2km, chúng tôi hít căng lồng ngực bầu không khí thanh mát và dìu dịu hương lúa trổ đòng. Cuộc hành trình chợt dừng trên đỉnh dốc khi một người quay lại đằng sau và la lên: “Ôi, biển đẹp không thể tưởng”. Trời ạ, vừa mới rời biển có mấy tiếng đồng hồ, giờ lại bị biển mê hoặc rồi!

Cũng phải thôi. Từ độ cao trên 200m, xa 3km, biển như tấm thảm nhung màu xanh dương được viền bởi một dải lụa cát vàng thấp thoáng sau những vạt bông lau mỏng mảnh. Chúng tôi “ngộ” ra chân lý: "Biển ngàn năm vẫn mới nếu ta xê dịch ra xa để thay đổi góc nhìn. Gần quá làm sao thấy được cái mênh mông rộng dài của biển".

Một anh nào đó tếu táo nói: “Cũng như… vợ mình ở nhà thôi. Không có những chuyến phượt như thế này làm sao biết bà xã dõi mắt theo bóng hình “lữ thứ” của ta để mà thương mà nhớ”. Một anh khác: “Thôi ông ơi, đừng tưởng bở. Mấy ông nổi hứng phượt ngoài hạn định một ngày, coi chừng về bị… đay bị nghiến chứ ở đó mà nhớ mà thương”. Rộ lên những tiếng cười trong veo trên đỉnh dốc.

Ai cũng lôi máy ảnh ra ghi hình biển bao la và cánh đồng trước mặt. Sóng lúa lan xa như muốn hòa ca cùng sóng biển dạt dào. Chúng tôi đi chậm hơn, cẩn thận đặt chân lên từng phiến đá mòn nhẵn để cảm nhận bàn chân nứt nẻ và lam lũ của người Đồng Vân bao đời nay xây làng dựng xóm.

Chắt chiu từng chiếc lá dừa

Mấy nếp nhà đầu thôn hiện ra, khói lam bay lên từ những mái bếp đang thổi cơm chiều. Mùi thơm của khoai lang vùi trong tro nóng chỗ lũ trẻ chăn trâu tụm nhau hấp dẫn chúng tôi. Sà vào với đám trẻ, chúng tôi “xin” được mỗi người một củ.

Chúng tôi ngồi bệt trên vạt cỏ, dưới bóng mát của cây trâm già, tách củ khoai ăn từng chút một. Mấy cô gái quên mình là phái đẹp, cứ để nguyên những giọt mồ hôi cùng vết tro trên má. Một cô nói về biển ăn…khoai nướng thấy ngon quá chừng.

Hoa cỏ ven đường, những lùm sim dại và núi đồi xanh sẫm trong hoàng hôn. Từng cụm khói đốt đồng bay lên, lẫn vào mây trắng. Mà lạ, dưới đồng bằng nhìn lên, thấy mây trắng bảng lảng nơi này. Giờ lên đây, lại thấy mây trắng giăng lũy giăng thành ở tít tắp phía trời xa như một lời gợi nhắc “sau chân trời còn có chân trời khác”. Có tiếng hát nho nhỏ: về thôn xưa ta hát khúc hoan ca…

Chầm chậm sống và lặng lẽ đẹp

Đó là nhận xét của chúng tôi sau một ngày chơi với Đồng Vân. Nhịp sống lặng lẽ ở nơi này khiến ai cũng cảm thấy mình như… tan ra chầm chậm. Đồng Vân không tốc độ, không tiếng ồn, không bụi bặm, không khói xăng, không cả những con đường nhựa người xe nườm nượp như thị trấn dưới kia nhưng có rất nhiều lối mòn nho nhỏ nối tình làng nghĩa xóm. Đi ngả nào cây lá cũng thân thiện khẽ chạm vai người.

Chúng tôi đến tham quan hồ Cây Khế. Mặt hồ lặng lờ soi bóng mây trời. Những lùm tre xanh um viền quanh hồ, tiếng chim rừng gọi nhau ríu rít trong khúc nhạc gió núi miên man. Nếu có một biến tấu nhanh ở nơi này thì đấy là đường bay của những chú chim bói cá. Chỉ thấy “mũi tên xanh” xẹt xuống, một giây sau chú bói cá đã bay lên. Chúng ồn ào tranh cãi đâu đó trong những lùm cây với con cá vừa bắt được.

Thơ mộng hồ Cây Khế 

Suối Cây Sanh gần đó rì rào mời gọi. Đã sang hè, dòng suối thon thả, uốn mình len lỏi chảy qua những gộp đá xanh rêu, tưới tắm những nương ngô, đồng lúa trước khi về với biển.

Một đoạn suối Cây Sanh 

Ngồi trên tảng đá bằng phẳng và mát lạnh, dưới bóng cây lộc vừng cổ thụ buông từng chùm hoa như những sợi tơ màu đỏ, nghe suối róc rách êm đềm, chúng tôi thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm, rũ sạch phiền lo như chưa từng biết đến nhịp sống hổi hả đời thường. Những nếp nhà thưa thớt, những vạt đồi rợp bóng nương khoai, những lối mòn dịu xanh màu cỏ lá… sẽ là chuỗi hình ảnh đẹp lặng lẽ nhưng mãi tươi hồng trong ký ức.

Với chuyến phượt này, chúng tôi ai cũng cảm thấy tâm hồn mình già dặn với núi sông và trẻ măng cùng hương rừng gió biển. Ai đó hát “Rừng núi dang tay nối lại biển xa…”. Cả nhóm bất giác hát theo, rập ràng như nhịp đập của những con tim đồng cảm.

Ừ thôi ta về, Đồng Vân mây trắng nhé!

Du ký của Trần Cao Duyên

Ngày mới trên xứ tỏi Lý Sơn

Mặt trời đỏ lừ hiện lên từ phía biển, cỏ cây lẫn khuất trong sương mù, người dân huyện đảo tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) dậy sớm đưa tàu ra khơi đánh cá hoặc lên rẫy tất bật lao động cho ngày mới trên quê hương Hải đội Hoàng Sa.


Huyện đảo Lý Sơn, từ lâu nổi tiếng là "cái nôi" của quê hương Hải đội Hoàng Sa vỏn vẹn 10 km2 nhưng có hơn 10 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh mang dấu ấn chủ quyền biển đảo và nhiều danh lam, thắng cảnh tuyệt đẹp. Khoảnh khắc đẹp nhất của hòn đảo tiền tiêu tổ quốc này là lúc khởi đầu ngày mới mặt trời rực đỏ vươn mình từ phía biển.


Trong buổi ban mai, từ xã An Bình (đảo Bé) nhìn về đảo Lớn cảm giác như hòn đảo này đang bồng bềnh trong biển sương mù.


Cánh đồng hoa hành xen lẫn dưới vườn dừa xanh ngát ở thôn Đông, xã An Hải trong sương sớm.


Từ sáng sớm, người dân nơi đây tất bật ra đồng. 


Ngư dân ra khơi đánh bắt cá trong ánh bình mình dát bạc cả mặt biển.


Tàu cá xa bờ của ngư dân đảo Lý Sơn rẽ sóng ra khơi đánh bắt thủy sản trong ngày mới. 


Sau một đêm thả lưới, ngư dân đảo Lý Sơn gặt hái thành quả là mẻ cá Nhái bội thu.


Cả nhà kéo ống dẫn tưới nước chống hạn cho cánh đồng hành dưới chân chùa Đục, thôn Tây, xã An Vĩnh. 


Nông dân Lý Sơn thu hoạch củ hành trong buổi sớm. 


Những cây dừa cổ thụ hiên ngang đón ngày mới dưới chân núi Thới Lới.


Chim hải âu chào đón ánh bình minh bình yên trên đỉnh hòn Đụn, xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn. 

Nếu có điều kiện bạn hãy thử đi du lich he đến đây một lần, để cảm nhận cuộc sống của người dân nơi đây, bám biển quê hương mà sống, nơi sinh ra hải đội Hoàng Sa nổi tiếng.

Về Quảng Ngãi du ngoạn đèo Vi ô lắc

Quảng Ngãi quê mình nhiều cảnh đẹp, núi non hùng vĩ mà mà khám phá hết được. Một ngày nào đó không xa sẽ đi hết, đi từ Sa Huỳnh cho đến Lý Sơn cho thỏa khát khao. Đi để biết quê mình đẹp đến dường nào.

Quê Quảng Ngãi mà từ nhỏ giờ cũng chưa biết Đèo Vi ô lắc nó tròn, méo như thế nào nên tuần vừa rồi làm một chuyến tham quan nó thử như thế nào.


Mình xuất phát từ Thị Trấn La Hà, Tư Nghĩa đi vòng vào Ngã 4 Thạch Trụ sau đó lên Quốc Lộ 24.

Đường đi khá đẹp nhóe..chỉ có 1 khúc đang làm mà nói chung là không có giề.

Lên tới Ba Động thì gặp cây cầu này, nhìn cũng hoành tráng nên đứng lại chiêm ngưỡng xíu.


Đi khúc nữa là đến Di tích Quốc Gia Trường Thành Quảng Ngãi, mà mình tìm hoài ko thấy đâu hết. Định quanh về tìm mà thôi luôn..


Trời thì nắng chói chang gần 37 38 độ, đường vắng nữa nên ít người đi lại...tranh thủ phóng.


Đến cầu Sông Re. Cảnh nhìn đã thiệt.


Đến gần trưa thì cũng đến được chân đèo Violak.


Đường lên đèo đẹp quá, làm bao mệt mỏi cũng tiêu tan hết hehe.

Nhìn từ trên xuống nè.


Đường uống lượn đủ kiểu, thích hợp cho mấy bác thích chạy xe chinh phục đường đèo nhé.


Thêm 1 chỗ cong quẹo nữa, đã ghiền. Lúc đi xuống thấy có 3 anh đi moto đi lên, toàn xe khủng..có anh biển 75 nữa..chắc mấy ảnh đi xuyên việt.


Đường thì đẹp mà nắng quá, không có xíu bóng cây nào hết.

Dừng chân tại biển này chụp hehe...Kon Tum 100km nữa. Đi thêm 1 km nữa là đến đỉnh đèo luôn rồi á.


Du ngoạn xong thì lò mò đi về, trời nóng quá nước đem theo uống sạch trơn, và đây là nguồn nước uống vừa mát vừa free nữa...cực đã giữa núi rừng ban trưa.


Chụp chọe cảnh quang xung quanh tí, rồi phắn xuống.


Xuống tới giữa đèo thì phanh gấp do thấy góc này đẹp quá, lúc lên ko thấy được hehe.


Qua khúc này thì cứ bình dị mà xuống đèo, nói chung là phê vãi..

Bác nào có ghé Quảng Ngãi hay Kon Tum gì thì đi cung này nhé.... không uổng đâu..hihi

(Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả)
Nguồn: Phượt.vn

Một lần đến Nam Du, vịnh Hạ Long ở miền Nam

Biển, trời, sóng nước, cây cối, mọi thứ ở nơi này đèu đẹp như tranh vẽ. Nam Du được ví như vịnh Hạ Long ở cực Nam của Tổ quốc.

Tôi biết đến Nam Du qua một lần lang thang trên mạng. Đang mơ màng về biển giữa cái nắng tháng 3 như đổ lửa ở Sài Gòn, tôi bắt gặp bức ảnh biển xanh ngăn ngắt giữa bầu trời bao la trong vắt cùng hai cây dừa đổ bóng nghiêng nghiêng như mời gọi trên Facebook một người bạn. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có một ý nghĩ: xách ba lô và lên đường.
Kinh nghiệm du lịch bụi đảo Nam Du
Tôi lập tức tìm hiểu thông tin về hòn đảo này trên internet cũng như các diễn đàn phượt khác nhau. Tuy nhiên, thông tin khá là ít, hình ảnh về nơi này cũng không có nhiều. Lúc đó tôi chỉ biết Nam Du là một quần đảo nhỏ thuộc huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang. Đảo lớn nhất ở quần đảo Nam Du là hòn Lớn, thuộc xã An Sơn, nhưng xưa nay bà con quen gọi là hòn Củ Tron.


Du lịch bụi đảo Nam Du vẫn chưa phát triển, mọi thứ còn khá hoang sơ và tự nhiên. Bình thường, tôi ít khi mạo hiểm đến nơi nào đó khi chưa có nhiều thông tin kiểm chứng như thế, nhưng mong muốn được đến hòn đảo tuyệt vời ngay trong mùa hè đã thôi thúc khiến tôi quyết định lên đường.

Cùng đi với tôi còn có một nhóm bạn mê chụp ảnh. Họ đã bị những bức ảnh hoang sơ mà quyến rũ của Nam Du chinh phục.

Sau gần 8 tiếng xe chạy, chúng tôi đến bến tàu Rạch Giá vào một buổi sáng nắng vàng ươm trên những bến tàu. Mất thêm 2 tiếng nữa để thuê tàu cao tốc ra Hòn Lớn, cuối cùng Nam Du cũng hiện ra như những gì tôi mong đợi. Mà không, phải nói là hơn những bức ảnh tôi đã xem đi xem lại nhiều lần. Biển, trời, sóng nước, cây cối, cái gì ở Hòn Lớn này cũng đẹp như tranh vẽ. Ngay đến cảng cá cũng thật nên thơ với những con tàu đầy màu sắc nổi bật lên trên làn nước trong vắt giữa bầu trời cao lồng lộng, xa xa là những con sóng bạc đầu, thay phiên nhau tấp vào bờ.


Ấn tượng trước vẻ đẹp “mở màn” của Hòn Lớn, chúng tôi liền thuê tàu khám phá các đảo lân cận. Sau khi chuyển hành lý từ chở khách sang tàu nhỏ, chúng tôi háo hức lên đường. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên con tàu băng băng tiến về phía trước, cảm nhận từng làn gió mát rượi bao phủ khắp thân thể vừa khám phá những hòn đảo lớn nhỏ cùng cây cối xanh mướt lần lượt hiện ra trước mắt, lại được chú lái tàu vui tính kể về lịch sử của Nam Du.

Nam Du có 21 hòn đảo lớn nhỏ, được ví như là Hạ Long của miền Nam. Hiện chưa rõ tên gọi Nam Du xuất phát từ đâu nhưng có nguồn cho rằng tên “Nam Du” xuất phát từ tên “Nam Dự” (nghĩa là “đảo phía nam”) do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ nho thời xưa. Trong dân gian còn lưu truyền các câu nói rất thú vị về 21 đảo trong hệ thống quần đảo Nam Du.

Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai

Đô Nai quay sang Bờ Đập

Bờ Đập tấp lại hòn Lò

Hòn Lò mò đến hòn Ngang

Hòn Ngang tạt sang hòn Đụng

Hòn Đụng cụng vào hòn Dầu

Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo

Bỏ Áo tháo ngược hòn Ông

Hòn Ông dông đến hòn Dâm

Hòn Dâm đâm thẳng hòn Tre

Hòn Tre te đến hòn Mốc

Hòn Mốc xốc lại hòn Nhàn

Hòn Nhàn tràn thẳng hòn Hàn

Hòn Hàn quàng cổ ba hòn Nồm

Hòn Nồm chồm đại lên hòn Khô

Hòn Khô vô bãi Chệt

Bãi Chệt lết lên hòn Lớn

Sau một hồi lênh đênh trên biển, tàu tấp vào Hòn Ngang. Nước biển một màu xanh ngọc bích, cộng với quang cảnh hoang sơ như một bức tranh đẹp làm chúng tôi không kìm được nữa, liền nhảy xuống tắm. Lặn ngụp một hồi thỏa thích trong dòng nước trong vắt nhìn rõ đáy biển, chúng tôi rời Hòn Ngang để đến Hòn Dầu vì nghe nói nơi đây hải sản rất tươi ngon, là chỗ lý tưởng để dừng chân vào chiều tối.


Đúng như lời giới thiệu, khi tới nơi chúng tôi đã thấy những chiếc ghe đánh bắt hải sản đang tấp vào bờ. Người ngư dân với bàn tay thô ráp thoăn thoắt hốt từng đám cá, mực, ốc đổ rào rào vào thau. Nhìn cá còn quẫy đuôi tanh tách, những con ốc biển thân mình óng ánh bò lên thành chậu làm chúng tôi thật phấn khích.

Để tăng thêm phần thú vị cho chuyến đi, chúng tôi quyết định không ăn ngay tại đó mà mua về rồi kiếm một chỗ thanh vắng trên đảo để đốt lửa làm một bữa BBQ "dã chiến". Vị ngọt lừ của tôm, mực, ốc biển tươi đã cho chúng tôi một bữa tối thỏa thê mang đậm hương vị biển, sẵn sàng cho việc khám phá một trong những hòn đảo đẹp nhất Nam Du vào ngày hôm sau – Hòn Mấu.


Khi ánh bình minh vừa le lói qua những mảnh lưới đánh cá treo vắt vẻo trên sào, chúng tôi hăm hở lên thuyền. Dưới cái nắng rực rỡ trong lành buổi sớm mai, bầu trời xanh cao vời vợi cùng những đám mây trắng trôi lững lờ, Hòn Mấu hiện ra đẹp đến ngỡ ngàng.

Trên mặt biển bao la xuất hiện những hòn đá nhấp nhô đủ mọi hình thù, bề mặt lởm chởm, sần sùi tạo nên bức tranh kỳ vĩ. Kỳ vĩ nhưng thật yên bình vì mặt biển ở đây rất tĩnh lặng, sóng chỉ lăn tăn đủ làm gợn dòng nước chứ không đánh ào ạt như những nơi khác.

Thú vị nhất là khi nắng lên cao, ánh mặt trời chiếu xuống làn nước trong những khe đá, màu nước gặp ánh nắng phản chiếu với màu đen của đá thành trắng xóa, bàng bạc, nhìn từ xa hệt những làn khói trắng bay lơ lửng trên thiên đình như trong phim Tây Du Ký. Xa xa phía bờ là làn nước trong veo soi bóng những hòn sỏi nhiều màu sắc, nơi người ta chỉ muốn nằm dài ngâm mình ngắm nhìn cây cối xanh mướt cùng những tán lá dừa bay bay trong gió.


Nơi chúng tôi đến chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà, mái tôn mái lá mộc mạc khép nép bên những hàng dừa. Hầu như nhà nào cũng có những cây cột thật cao, cây sào thật dài treo lủng lẳng mảnh lưới trắng xóa. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống còn nghèo khó, cơ cực, đến nỗi nhiều chỗ không có được một con đường theo đúng nghĩa. Muốn đi từ đầu này đến đầu kia, người ta phải men theo một lối mòn nằm giữa những ngôi nhà với nhau.

Rời Hòn Mấu, chúng tôi lên thuyền qua hòn Hai bờ đập. Con thuyền lướt sóng yên ả giữa những tia nắng cuối cùng, mang theo một màu vàng rực. Tới Hai bờ đập, mặt trời ngày càng xuống thấp. Do nước cạn quá, tàu không thể vào bờ được, chúng tôi đành lội nước, vận chuyển hành lý vào bờ. Sau gần 30 phút vật lộn với gió biển, cát ướt, chúng tôi cũng tới được bờ.


Những mệt mỏi chỉ tan biến khi một đống lửa to được đốt lên để chuẩn bị cho bữa tiệc tối tưng bừng giống đêm trước. Nhưng không còn la cà, lần này chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi để đón ánh bình minh của buổi sớm hôm sau.

Đúng là không gì tuyệt vời hơn khi đón bình minh trên biển, nhất là một nơi có biển đẹp mơ màng như Nam Du. Sau đó, chúng tôi ăn sáng và tắm biển, dọn dẹp hành lý, chờ tàu đón về Hòn Lớn, từ đây chúng tôi lên tàu cao tốc về lại Rạch Giá, rồi lên xe về lại Sài Gòn, kết thúc chuyến đi tuyệt vời.

Nếu bạn từng trầm trồ trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của Maldives, thì tôi tin chắc bạn sẽ ngất ngây trước vẻ đẹp của Nam Du.


Nguồn: Yume

Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress

.

© 2017 www.blogthuthuatwin10.com

Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: nguyenanhtuan2401@gmail.com
Điện thoại: 0908 562 750 ext 4548; Liên hệ quảng cáo: 4567.