Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng

7 món kem siêu hấp dẫn trên thế giới

Kem là món ăn khoái khẩu vào mùa hè, nhưng thật tuyệt khi bạn được thưởng thức những món kem đặc biệt vào mùa đông.

Dưới đây là 7 món kem siêu hấp dẫn trên thế giới với hương vị tuyệt vời và cách trang trí cực dễ thương.

1. Kem bia Tiger, Singapore


Kem bia Tiger là món kem được sáng tạo bởi Stanley Kwok – một người cực kì yêu thích bia Tiger. Kem bia Tiger có vị đắng nhẹ của bia và có hương cam, quýt, ngoài ra còn có các hương vị khác như teh-tarik, với hương vị này kem có mùi rất thơm và ít ngọt. Với 2,8 đô la Singapore bạn sẽ có được 1 viên kem bia Tiger.

2. Kem trầm hương, Salaha, Oman


Kem trầm hương có hương vị của trầm, phảng phất vị thơm nhè nhẹ của thông, bạc hà. Đây là món kem khiến người ta nhớ đến Giáng Sinh. Món kem này được bạn vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng chín tại Hafar Souk Salahar, khu chợ trầm hương lớn nhất Dhofar.

Món kem này được sáng chế bởi Trygve Harris – một người sống ở Dhofar, và Harris đã rất nổi tiếng với món kem này. Cô chế biến món kem này từ nguyên liệu là tinh dầu chưng cất từ nhựa cây trầm hương mọc gần bãi biển Mugsayl.

3. Patbingsu, Seoul

Đây là món kem được làm từ đậu đỏ, sữa đặc, trái cây tươi, kem và ngủ cốc, là món ăn đặc trung vào mùa hè ở Hàn Quốc.


Ngoài ra món kem này còn được biến tấu với các nguyên liệu là bí ngô, dứa, kẹo dẻo.

4. Gelato Olive, Tuscany


Món kem này có hương vị cổ điển của Stracciatella (một loại kem nổi tiếng của của đất nước Italy được làm từ nguyên liệu là kem tươi, trứng, sữa, chocolate). Nhưng món kem này được bào chế từ nguyên liệu đặc biệt là dầu oliu, trái cây theo mùa, pho mát, panaforte và một loại sữa đặc sản của vùng Maremma.

5. Kem pho mát Cheddar, Seattle


Kem này có hương vị ngọt ngào của pho mát cheddar kết hợp với kem. Món kem này được bán tại của hàng Molly Moon’s Homemade Ice Cream ở Seattle.

6. Kem Halva (kẹo hạt hướng dương), Tel Aviv

Món kem này được chế biến từ thành phần là hạt hướng dương, kem tươi, mật ong. Món kem này có vị giòn giòn của hạt hướng dương và vị lành lạnh của lớp kem mát lạnh.

7. Spaghettieis, Đức


Món kem này được cấp bằng phát minh ở Đức. Kem này được đưa qua máy xay, cách chế biến món này từa tựa như trong xưởng sản xuất mì ống, kem được tạo hình thành sợi mì, rưới siro dâu tây, quả mâm xôi, bên trên có thêm chocolate trắng hoặc dừa nạo lên trên.

Đồ uống nổi tiếng của một số quốc gia trên thế giới

Đồ uống nổi tiếng của một số quốc gia trên thế giới – giới thiệu những loại đồ uống đặc trưng và nổi tiếng của một số quốc gia trên thế giới.

Ngoài ẩm thực, đồ uống đặc sản địa phương là cách hoàn hảo để du khách có thể khám phá và hiểu rõ hơn về nét văn hóa đặc trưng tại mỗi nơi mà bạn đến. Một trong những câu hỏi được khách du lịch hứng thú nhất chính là: "Nếu tôi ghé thăm đất nước bạn, thức uống đặc trưng nào tôi không nên bỏ lỡ".

Dưới đây là một số đồ uống đặc trưng tại các quốc gia mà du khách nên thử nếu có dịp ghé thăm.

Brazil


Trong chuyến đi đến đất nước Nam Mỹ xinh đẹp và nóng bỏng này, bạn không nên bỏ lỡ việc nhấm nháp một ly caipirinha ngọt ngào. Đó là một loại đồ uống nhiệt đới nổi tiếng và được ưa chuộng ở Brazil, được ép từ các loại quả tươi như chanh, cam, dưa hấu, đào...

Tuy nhiên, "linh hồn" của món cocktail này chính là cachaca - một thứ đồ uống được chế biến từ mía tươi lên men. Caipirinha được tôn vinh là cocktail quốc gia của Brazil và được mọi người sử dụng trong nhà hàng, quán bar và ngay tại các hộ gia đình.

Thụy Điển

Punsch là thức uống truyền thống, được sử dụng rộng rãi ở Thụy Điển, được chế biến từ đường mật, hương liệu và gạo đỏ, có mùi rất thơm của bơ, xạ hương...


Trong nhiều thập kỷ, rượu punsch Thụy Điển trở thành thứ đồ uống đặc sắc trong văn hóa của người dân bản địa. Ban đầu thức uống này được chế biến bằng cách dùng nhiệt để đường tan chảy vào trong rượu và uống khi ấm. Ngày nay, nhiều người thường uống loại rượu này với đá.

Mỹ

Root-beer floats (được làm từ kem vani và đồ uống không cồn) được nhiều người Mỹ bình chọn là thức uống đặc sản quốc gia mà du khách nhất định phải thử khi có dịp ghé thăm. Root Beer rất phổ biến ở phía bắc nước Mỹ. Khi được pha chế thành cocktail nó có hương vị của trái cây rất thơm ngon


Ngoài ra, trà ngọt ở miền Nam (trà pha đường) và martini cũng là hai loại đồ uống được sử dụng rộng rãi tại Mỹ.

Canada


Khi đến thăm Canada, du khách nên thử nhấp nháp một ly Sortilege - loại cocktail được sử dụng Whiskey và siro gỗ thích - hoặc Coureur des Bois - thức uống cho mùi vị ngọt hơn và được nữ giới ưa chuộng.

Argentina

Thức uống đặc trưng và nổi tiếng của người Argentina chính là trà yerba mate - được chế biến bằng cách trộn lá khô của cây chè Paraguay (Iiex paraguariensis) với nước nóng hoặc lạnh (gọi là mate nóng hay mate lạnh). Ngày nay, yerba mate còn được uống chung với đường hoặc sữa.


Thông thường, hỗn hợp này được đựng trong quả bầu khô (guampa) và uống bằng ống hút bạc (bombilla). Yerba mate nổi tiếng là thức uống tốt cho sức khỏe. Tuy vậy ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu uống loại trà này quá nhiều có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe vì khi sử dụng theo lối truyền thống của người Nam Mỹ, mate chứa một lượng lớn chất gây ung thư.

New Zealand


Đặc sản đồ uống của đất nước xinh đẹp này chính là Lemon & Paeroa - một loại nước ngọt giải khát được làm từ nước cốt chanh và nước khoáng sạch từ thị trấn Paeroa.

Ấn Độ


Tại thành phố miền nam Ấn Độ Maduraj, Jigarthanda là thức uống đường phố phổ biến và được nhiều người ưa chuộng. Người ta chế ra loại nước này từ sữa, xi rô thổ phục linh, mủ hạnh nhân, tảo biển... Người dân Ấn Độ khi được hỏi về thứ đồ uống này luôn nhấn mạnh đó là một sản phẩm hơn cả tuyệt vời.

Theo Viettravel

Giáng sinh ( Noel) nên đi đâu chơi với người yêu

Cả con đường được tô điểm bằng đèn nhấp nháy, hình ảnh hang đá, cây thông, ông già Noel và các biểu tượng Giáng sinh,… sẽ khiến bạn cảm nhận rõ không khí ngày lễ đang tới gần. Dưới đây là một số gợi ý cho du khách đi chơi trong đêm giáng sinh.

Khu trung tâm quận 1, đường Nguyễn Huệ – nhà hát thành phố HCM 

Cũng giống như khu vực nhà thờ Đức Bà, trung tâm quận 1 đặc biệt là trục đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, đèn trang trí được bố trí khắp nơi vô cùng vui mắt. Ngoài ra, vì là khu vực tập trung rất nhiều khách sạn 4 sao, 5 sao lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, không khí Noel ở đây càng đậm đặc và có phần Tây hơn cả. Thường trước mỗi khách sạn hoặc trung tâm mua sắm đều được chủ nhân trang trí công phu, du khách có thể thoải mái tạo dáng chụp hình mà không phải trả phí.


Khu phố người Hoa – Hải Thượng Lãn Ông

Có thể mua đồ trang trí Giáng sinh tại các cửa hiệu tại rất nhiều con phố ở TP HCM nhưng nhiều người vẫn cứ thích đến khu phố người Hoa ở Hải Thượng Lãn Ông, đặc biệt là giới trẻ. Không quá đông đúc như rằm Trung thu, những người muốn cảm nhận không khí Noel sớm với hàng hóa trang trí đủ chủng loại có thể đến với khu phố người Hoa. Ở con phố với những cửa hàng san sát đủ sắc màu, bạn có thể chụp hình lưu niệm hay tranh thủ mua sắm đồ trang trí Noel giá mềm.


Lung linh – Hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm vốn đã đẹp, trong đêm Giáng sinh lại trở nên lung linh, huyền ảo hơn khi khắp không gian đều được trang hoàng bởi ánh đèn lấp lánh.

Bạn có thể cảm nhận không khí Giáng sinh trong một góc nhỏ ở quán “café Phố Cổ” trên phố Hàng Gai, ngắm nhìn hồ Gươm ở trên cao và gọi ly café trứng thơm ngon, nóng hổi vốn là món đồ uống đặc trưng “có một không hai” tại Hà Nội.



Nhà thờ lớn Hà Nội

Năm nào cũng vậy, vào đêm Giáng sinh, để có được một chỗ đứng ở đây bạn sẽ phải tới từ rất sớm bởi chỉ chập choạng tối thôi là nơi đây đã đông nghẹt người.

Những cây thông lớn trang trí cầu kỳ đã được dựng lên ở mặt chính diện và hang đá phía sau nhà thờ được chăng đèn rực rỡ khiến nơi đây trở nên lung linh hơn bao giờ hết. Sau một đêm Noel vui vẻ, bạn sẽ tha hồ được tận hưởng những món ăn ngon ở các tuyến phố gần đó như phố Ấu Triệu, phố Lý Quốc Sư, phố Nhà Thờ, Nhà Chung…


Các trung tâm thương mại Hà Nội

Cùng với đó, tại các trung tâm thương mại như: Royal city (Nguyễn Trãi, Hà Đông), Vincom (Bà Triệu),Indochina (Xuân Thủy - Cầu Giấy),... đều được trang hoàng rực rỡ. Đặc biệt là Indochina với 5 cây thông phát sáng lớn nổi bật hút nhiều người đến chụp ảnh. Hà Nội đang vào Đông, thời tiết lạnh rất hợp với không khí Giáng sinh.


Tới Sapa đón giáng sinh trong cái không khí lạnh buốt 

Đối với các bạn trẻ ưa khám phá và muốn thay đổi cảm giác thì không gì thú vị bằng khoác ba lô và lên đường tới Sapa đón Giáng sinh trong cái không khí lạnh buốt. Nếu muốn đi xa hơn thì Đà Lạt là địa điểm thú vị cho những đôi tình nhân. Giữa cái tiết trời se lạnh, bảng lảng khói sương của phố núi, được nhâm nhi tách trà ấm nóng pha bằng nước mưa hứng giữa trời, hay nước giếng khơi trong vắt... thì còn gì tuyệt vời hơn?


10 món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh

Dưới đây là top 10 món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh được độc giả National Geographic bình chọn. Và đặc biệt hơn cả là bún chả Hà Nội cũng vinh danh trong top này.

1. Bánh momo (Nepal)

Loại bánh này giống bánh bao, có nhân thịt xay, rau, hoặc một loại phô mai Himalaya có tên là Chhurpi, vỏ ngoài dai, được hấp lên rồi ăn với một loại nước sốt đặc biệt làm từ cà chua, ớt cay, hành ngò xay nhuyễn. Món momo này được bình chọn do vừa ngon vừa rẻ.



2. Bánh bao hấp (Tứ Xuyên, Trung Quốc)

Bánh có vỏ làm bằng bột mì, nhân trứng cút, xúc xích và thịt hun khói. Bánh rất hấp dẫn trong những buổi sáng mùa đông lạnh.


3. Bánh Doubles (Trinidad và Tobago)

Bánh được làm từ 2 lát bánh bột mì kẹp nhân đậu, phủ tương ớt xoài, dưa chuột, dừa và sốt tiêu.


4. Chợ đêm Chiang Rai, Thái Lan

Đây là nơi được yêu thích với rất nhiều món ăn vặt, từ món cà ri xanh, sinh tố hoa quả tươi, đến các loại dế.


5. Dahi Vada (Chợ Chandni Chowk - Ấn Độ)

Hòa quyện giữa sữa chua trộn, bánh đậu dava (một loại bánh hơi giống donut nhân đậu lăng và nho khô), rưới thêm một chút xốt cay cay.


6. Bánh donut mật ong (Peru)

Được làm từ khoai lang và bí, có hình dạng giống bánh rán, được ăn với nước xốt mật ong có tên là chancaca.


7. Balut (Philippines)

Balut chính là món trứng vịt lộn theo tên gọi tại quốc đảo Philippines. Trứng được luộc chín và ăn kèm với một số loại rau.


8. Bacalhau (Bồ Đào Nha)

Đây là món bánh cá tuyết ăn kèm với bánh mì và phô mai. Thành phần chính là cá tuyết, ngoài ra có thêm khoai tây, trứng, hành, muối, rau mùi...


9. Bún chả (Hà Nội)

Bạn có thể bắt gặp một người phụ nữ đang nướng thịt và chả băm thơm lừng bằng than hoa ở bất kỳ một góc phố cổ nào ở Hà Nội.


10. Nasi lemak (Malaysia)

Thành phần cơ bản của món này là cơm được trộn với sữa dừa, phủ tương ớt sambal. Ngoài ra món này có thể dùng kèm với trứng luộc, cà ri Malaysia, trứng chiên và sambal sotong (mực sốt cà ri cay).


Cua sốt ớt – Cực phẩm trong ẩm thực Singapore

Đến với Singapore chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc hiện đại, sự thân thiện, văn minh của con người nơi đây, chúng ta còn được dịp thưởng thức một cực phẩm trong văn hóa ẩm thực độc đáo nơi đây đó chính là món cua sốt ớt.

Để gọi tên điểm nổi bật trong văn hóa ẩm thực quốc đảo nhỏ bé này hẳn rất khó khăn, do tầm ảnh hưởng của dân cư nên ẩm thực Singapore là tổng hòa tinh hoa của các nền ẩm thực Trung Quốc. Malaysia, Ấn Độ. Dù vậy, để nói về món ăn tạo nên bộ mặt đại diện cho Singapore, người ta không thể bỏ qua cua sốt ớt.


Hải sản là thế mạnh trong văn hóa ẩm thực Singapore, vì tinh hoa chắt lọc từ các nền văn hóa kể trên nên người dân đảo quốc sư tử rất sành ăn hải sản. Cua sốt ớt không chỉ là món hải sản hấp dẫn hàng đầu mà còn được coi là đặc sản đáng thưởng thức nhất khi đặt chân tới Singapore. Cua sốt ớt có mặt hầu hết trong thực đơn các quán ăn, nhà hàng hải sản, thu hút thực khách ở vị cay nồng, hòa quyện trong nước sốt sánh mịn, thim dịu nhẹ và thịt cua giòn chắc.


Cua dùng để sốt ớt phải là loại cua rất lớn, chỉ riêng càng cua cũng đủ khiến bạn cắn ngập chân răng. Bởi vậy nên ấn tượng đầu tiên về cua sốt ớt là kích thước khổng lồ của suất ăn. Thịt cua ngọt chắc, thấm đãm nước nước sốt nóng hỏi, sánh đậm, chuyển vị khéo léo trong sự tổng hòa cay, mặn, ngọt, thơm tạo nên món hấp dẫn được người dân Singapore yêu chuộng bậc nhất. Dù cay là vị rất kén người ăn, nhưng nhiều thực khách chỉ thưởng thức một lần món cua sốt ớt Singapore, đều không khỏi trầm trồ hương vị, và thèm thuồng những lần trải nghiệm tiếp theo. Cua sốt ớt còn được CNN vinh danh trong top 50 món ăn ngon nhất thế giới, với vị trí 35.


Dù là món hải sản lẫy lừng tên tuổi, nhưng cua sốt ớt mới chỉ xuất hiện từ năm 1956, là thành quả công sức sáng tạo của đầu bếp Cher Yam Tian và chồng bà Lim Choo Ngee. Vào thời điểm đó, vợ chồng bà bán cua xào tộn với ớt đóng chai và nước sốt cà chua. Về sau, món ăn dần được hoàn thiện công thức với loại nước sốt hảo hạng, làm nổi bật bị ngon của món hải sản đặc sắc.


Vị thơm ngon của loại nước xốt màu đỏ được tạo nên từ hương vị dịu nhẹ của tỏi và dấm gạo, trong khi đó bột mì sệt và vân trứng (được tạo ra bằng các cho thêm trứng đánh tan vào lúc chuẩn bị tắt bếp) khiến món cua xốt ớt này nổi tiếng vì độ mịn sánh. Cua sốt ớt thường được ăn cùng bánh bao chiên (màn thầu) để chấm nước xốt đậm đặc. Mặc dù loại cua sống trong bùn (mud crabs) thường được sử dụng để chế biến món này nhưng các loại khác như cua mai mềm cũng có thể dùng thay thế được. Nếu là người yêu thích hải sản thì đây là món ăn bạn nhất định phải thử khi ở Singapore.


Những địa điểm tốt nhất có thể lui tới để thưởng thức món ăn tuyệt hảo này là Nhà Hàng Hải Sản No Signboard Seafood, Jumbo Seafood hoặc Long Beach Seafood ở Làng ẩm thực East Coast Lagoon nằm ngay cạnh bờ biển tại Công Viên East Coast. Những địa điểm ăn hải sản độc đáo khác là Long Beach Seafood ở Dempsey, Palm Beach Seafood ở One Fullerton và Singapore Seafood Republic ở Resorts World Sentosa.

5 đặc sản không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng

Đà Nẵng không chỉ là thành phố du lịch xinh đẹp mà còn hấp dẫn du khách bởi những món đặc sản nổi tiếng như bê thui Cầu Mống, gỏi cá Nam Ô, ốc hút...

1. Mì Quảng

Nhắc tới ẩm thực Đà Nẵng, dân du lịch nhớ ngay đến mì Quảng, món ăn nổi danh khắp cả nước. Điểm khác biệt của món mì này là sợi mì trắng to, thô và dày, nước lèo đậm đà ninh từ xương được chan vừa đủ để tẩm ướt tất cả các thành phần chứ không đầy tràn như các loại bún, phở khác.


Mì Quảng ngày nay có nhiều loại khác nhau như mì gà, mì tôm thịt, mì bò, mì sứa, mì cá lóc. Ảnh: Likevietnam.

Một tô mì chính tông truyền thống gồm có tôm kho nhạt, trứng gà luộc, xương heo, không thể thiếu đậu phộng rang và bánh tráng mè nướng giòn. Món này ăn kèm với các loại rau sống như cải non, xà lách, rau mùi trộn lẫn với rau chuối xắt mỏng kèm với ớt xanh.

2. Bê thui Cầu Mống

Đến thăm Đà Nẵng, bạn không thể nào bỏ qua món bê thui trứ danh ở đây. Người ta thường chọn con bê vừa đủ lớn trọng lượng khoảng 30 - 35 kg để thịt đạt độ thơm ngon, không bị nhão.

Nghệ thuật thui bê gần như là một bí truyền, ngay cả ở vùng đất này không phải ai cũng làm được. Yêu cầu miếng thịt sau khi ra lò phải đạt đủ 2 tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì (da) thì phải chín đến độ trong suốt mà giòn mềm vừa phải.


Thực khách cần nhai thật kỹ mới thưởng thức hết sự hòa quyện của đủ loại gia vị để nhớ mãi vùng đất này. Ảnh: Bethui.

Món bê thui còn nổi tiếng bởi mắm và rau sống ăn kèm. Mắm nêm thường được lựa chọn bởi những vùng chài làm mắm nổi tiếng, pha thêm các gia vị như tỏi,ớt, gừng sao cho đậm đà vừa ăn. Rau ăn kèm với bê thui cũng rất phong phú, bao gồm loại rau quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm , húng, quế và giá đỗ…

Ăn bê thui đúng điệu là trải tấm bánh tráng, thêm vài miếng thịt với chuối chát, khế chua, rau sống, cuốn tròn lại rồi chấm với mắm nêm đậm đà.

3. Bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu da

Bánh tráng cuốn là món ăn có thể dễ dàng bắt gặp trên mọi vùng đất, song với sự kéo léo của người Đà Nẵng đã chế biến món này trở thành đặc sản với hương vị không lẫn vào đâu được.


Bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu.

Bí quyết chính của món là đĩa thịt heo, loại hai đầu da được chọn từ phần ngon nhất của con heo. Muốn có được thịt ngon, phải chọn con heo nặng từ 50 - 70 kg, róc lấy khoảng 5 kg thịt mông. Thịt được hấp để giữ vị thơm ngon, ngọt sắc đậm của thịt, khi miếng thịt cắt ra mỡ có màu trong ở cả 2 đầu là đạt tiêu chuẩn.

Đĩa rau ăn kèm thường chỉ một gam màu xanh lá nhưng nhiều sắc độ khác nhau từ nhạt đến đậm như màu xanh ngọc của dưa leo, xanh tím của lá tía tô, xanh nõn của xà lách, xanh lục của các loại rau thơm khác, điểm xuyết vào đó là những lát chuối chát trắng ngà. Bí quyết cuối cùng để món ăn này mang đậm chất Quảng chính là bát mắm nêm thật cay khiến thực khách phải xuýt xoa tê lưỡi khi thưởng thức.

4. Ốc hút

Đà Nẵng là thành phố giáp biển, vì thế danh sách những món ăn đặc sản không thể thiếu hương vị của biển. Tới đây bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ngon chế biến từ hải sản nhưng đừng bỏ qua món ốc hút độc đáo.


Ốc xào là biến tấu ngon bạn nên thử ở Đà Nẵng.

Ốc hút có thể làm nhiều món khác nhau như xào hay xả ớt. Không giống như món ốc ở các nơi khác khi ăn phải dùng đến tăm hoặc dĩa để khều, ốc hút Đà Nẵng được chế biến công phu, mỗi con ốc trước khi xào đã được đập thông hai đầu, người ăn chỉ cần hút nhẹ ở miệng vỏ là ăn thịt ốc vừa thơm ngon, beo béo, cay cay, beo béo.

5. Gỏi cá Nam Ô

Gỏi cá Nam Ô nổi tiếng bao đời với hương vị đặc trưng. Cá để chế biến món này có thể là là cá mòi, cá tớp, cá cơm... Song thích hợp nhất vẫn là cá trích vì thịt cá có vị ngọt, săn chắc rất ngon. Trước khi ướp, cá được ép lấy nước để làm ráo cá và lấy nước cốt này làm món nước chấm (gồm nước cá tươi đem đun sôi hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt).


Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và quý hiếm bởi chủ yếu là những loại lá cây rừng. Ảnh: Nguoimientrung.

Thính riềng dùng trong món gỏi này ngon hơn hẳn những loại thính thường. Loại gia vị này vừa làm cho thịt cá khô ráo, vừa ướp thơm và khử khuẩn cho cá. Khi ăn, trộn thêm mè và đậu phộng rang giã nhỏ vào nước chấm.

Thịt cá ngọt mát, nước chấm đậm đà, vị riềng, ớt cay thơm, quyện với hương vị các loại lá rừng, kèm thêm miếng chuối xanh chan chát, khế chua chua khiến thực khách thưởng thức một lần rồi nhớ mãi.

Theo VnExpress

Dong thuyền ra đảo Bình Ba thưởng thức tôm hùm tươi ngon

Nếu đặt chân đến Bình Ba mà chưa thử món tôm hùm trên hòn đảo này có lẽ bạn sẽ phải ra về trong ngậm ngùi. Tôm hùm Bình Ba ngon đến mức đảo còn có tên gọi khác là đảo tôm hùm.


Khoảng 2 năm trở lại đây Bình Ba trở thành “hiện tượng” trong số các điểm nóng về du lịch. Du khách mỗi ngày đổ về hòn đảo này càng đông hơn. Theo chia sẻ của một số người dân địa phương nếu như trước đây thường phải vào những ngày cuối tuần mới có đông khách du lịch nhưng hiện tại, vào ngày thường không khí vẫn tấp nập.



Bình Ba có nhiều lý do để thu hút du khách: hòn đảo khá gần đất liền đi lại thuận tiện. Nếu dừng chân ở bến xe khách Cam Ranh, đi chừng 10 phút taxi là đã đến cảng Đá Bạc để bắt chuyến tàu sáng sớm đầu tiên khoảng 7h để ra đảo. Thời gian di chuyển từ đất liền lên đến đảo Bình Ba cũng chỉ mất chừng hơn 1 tiếng đồng hồ. Ngoài tàu sớm, trong ngày còn đến 3 chuyến tàu khác. Tàu về đất liền cũng có 4 chuyến mỗi ngày với giá vé 40.000đ/người.


Điểm thu hút nhất của Bình Ba là nơi đây có vô số các loại hải sản tươi ngon, hoặc do người dân bản địa nuôi trồng, hoặc đánh bắt được từ biển lên. Trong số đó, tôm hùm được liệt vào danh sách đầu tiên. Có lẽ bởi vậy, đảo Bình Ba còn có tên gọi khác là đảo tôm hùm.


Tôm hùm được nuôi trên những bè tôm ngay khu vực cầu cảng, nước sạch và được vệ sinh kỹ

Tôm hùm ở Bình Ba được người dân nuôi trồng tại các khu vực biển xung quanh đảo, tập trung nhiều nhất ở khu vực cầu cảng với rất nhiều bè nuôi tôm. Theo người dân địa phương, nơi nuôi tôm hùm phải rất sạch trong những lồng lưới. Thời gian nuôi tôm hùm khoảng 18 đến 20 tháng với thức ăn chính là các loại cá tạp, cua, ghẹ nhỏ, sò, ốc… Ở Bình Ba hầu như nhà nào cũng nuôi tôm vừa để phục vụ du khách tại chỗ, vừa xuất bán đi các tỉnh trong cả nước.


Người dân thường kiểm tra các lồng nuôi tôm rất kỹ trước khi xuống giống.

Tôm hùm Bình Ba có nhiều loại. Tôm hùm ngộp, loại tôm đã chết là phổ biến nhất nhưng cũng được chia thành nhiều loại khác nhau: tôm có thể trạng yếu được vớt lên bán ngay, tôm vừa chết không lâu, tôm chết vì các bệnh nhiễm khuẩn, tôm hùm chết khá lâu thịt bắt đầu bở. Giá của loại tôm này thường dao động từ 500 đến khoảng hơn 1 triệu. Loại tôm sống được đánh bắt trực tiếp từ bè lên là đắt và ngon nhất, dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Tôm hùm ngon nhất thường có trọng lượng từ 0,5 đến 1kg vì lúc này thịt tôm nhiều, dai, ngọt và rất thơm.


Những con tôm hùm tươi ngon thịt sẽ chắc, thơm và dai

Tôm hùm ở Bình Ba được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Nếu là tôm sống hoặc tôm ngộp loại 1, 2 du khách thường chọn nướng mọi trên than hồng. Cách làm này tuy đơn giản nhưng giữ nguyên vị của tôm, khi ăn du khách cảm giác vị ngọt nơi đầu lưỡi và vị thơm trong thịt tôm. Nếu là tôm to, thường phải xẻ đôi con ra để nướng được chín đều. Trong trường hợp khách yêu cầu, có thể thêm một chút phô mai, hoặc bơ phết đều lên phần thịt tôm.


Cách thưởng thức tôm hùm đơn giản và ngon nhất là nướng mọi trên than hồng

Ngoài ra, tôm hùm còn được chọn để nấu lẩu, tôm hùm hấp sa tế, tôm hùm nướng phô mai, tôm hùm sốt bơ tỏi, cháo, súp tôm hùm… Nhiều du khách còn thích trải nghiệm món tiết canh tôm hùm rất lạ. Nhiều du khách đến Bình Ba khi ăn tôm hùm còn bị mê hoặc bởi món muối ớt xanh do người dân địa phương chế biến có vị cay nồng tự nhiên nhưng không quá hăng, lại có vị ngọt của các gia vị đi kèm.


Vì mình tôm dày, nên người bán thường xẻ đôi tôm để nướng chín đều hoặc có thể thêm các loại gia vị tùy thích

Thưởng thức tôm hùm ở Bình Ba cũng có nhiều cách khác nhau. Bạn có thể chọn mua tôm trong các gia đình và thuê họ chế biến để ăn tại chỗ. Nếu muốn cảm giác phiêu lưu hơn, bạn có thể lên tận bè nuôi tôm cùng chủ bè vớt và chế biến tôm. Đặc biệt, nhiều du khách chọn ăn tôm vào buổi tối ngay trên bãi biển với không khí vui nhộn.


Khi chọn tôm hùm nên lựa cẩn thận để được loại hợp túi tiền mà vẫn đảm bảo tôm đủ ngon

Vì tôm hùm có nhiều loại nên muốn ăn được những con tôm tươi du khách phải khá tỉnh táo trong khâu lựa chọn. Kinh nghiệm cho thấy nếu không ăn loại tôm sống vớt lên từ bè mà chọn tôm ngộp bạn phải quan sát rất kỹ vì đa phần tôm được bảo quản khá kỹ. Những con tôm ngon là vỏ còn cứng, bóng, sờ vào thân tôm chắc nịch, màu sắc vân hoa khá rõ… Nếu không vào đúng dịp các chủ bè thu hoạch tôm bạn nên đặt trước và kiểm tra kỹ càng trước khi quyết định thưởng thức đặc sản trứ danh của hòn đảo này.

6 món ngon ở Cần Thơ dễ làm say lòng người

Ốc bươu nướng tiêu, bánh cóng hay canh chua cá hú bông so đũa là những món sẽ làm du khách nhớ mãi khi ghé thăm xứ Tây Đô.

Dưới đây là các món ngon đậm chất miền Tây mà du khách khó lòng bỏ qua khi về Cần Thơ.

Lẩu mắm mùa nước nổi


Lẩu mắm ăn kèm với bông điên điển. 

Miền Tây là đất sản sinh món lẩu mắm. Thế nhưng yếu tố góp phần đưa món ăn bình dân này lên hàng đặc sản phải kể tới Cần Thơ. Món lẩu được nấu bằng mắm sặc là sự giao thoa hài hòa của nền ẩm thực người Khmer với lưu dân phương Nam khai khẩn.

Ở miền Tây, bất cứ món ăn nào, từ kho, xào, canh…, đều nhất thiết phải có bông hay rau. Trong đó, lẩu mắm càng nhiều rau càng ngon, thường phải có đủ loại như đọt, lá non và không thể thiếu bông. Danh sách bao gồm từ kèo nèo, rau muống, bông súng, so đũa tím, bông bí, đậu rồng, bông kim châm, rau nhút, bông chuối đến bông điên điển đặc trưng mùa nước nổi. 

Sài Gòn cũng bán lẩu mắm nhưng ít nơi nào có loại bông chỉ trổ theo mùa nước nổi như miền Tây. Người miền Tây hay nói chơi rằng không có gì “mát rần trời” bằng chén lẩu mắm bỏ đầy ụ rau, tôm, thịt lươn, cá hú,… xì xụp húp trong những ngày mưa gió dầm dề.

Kho quẹt chấm tập tàng


Càng nhiều loại rau, chấm kho quẹt càng ngon. 

Kho quẹt từng được coi là “món ăn nhà nghèo” của dân bản xứ. Những khi thiếu thốn, chỉ cần bắc chảo, rót chút nước mắm rồi “quẹt”, qua “quẹt” lại. Khi mắm cô đặc, bám vào thành chảo, thơm ngút trời là có thể dùng chan cháo trắng hay chấm rau ăn cơm. Cách chế biến kho quẹt được lấy làm tên đặt cho món này.

Kho quẹt ngày nay vào nhà hàng, được cải tiến thêm bằng các nguyên liệu như tôm khô, thịt băm nhuyễn hay chỉ mắm kho với hành phi. Rắc thêm chút tiêu, món này còn làm gia vị cho đĩa rau tập tàng (nhiều loại rau luộc trong một đĩa).

Đặc biệt, ăn cùng kho quẹt không thể thiếu cơm cháy. Với miếng cơm cháy giòn giòn, gắp thêm vài cọng rau và để trên miếng kho quẹt, nhiều người dễ bâng khuâng thoảng nhớ vị quê nhà, thuở còn khốn khó.

Canh chua cá hú bông so đũa


Màu tím thẫm của bông so đũa làm nước lẩu trông lạ mắt.

Bữa ăn của người Nam Bộ hiếm khi thiếu canh chua. Trong đó, canh chua (hoặc lẩu) cá hú bông so đũa thường được nấu bằng nguyên liệu chính là cá hú hoặc đầu cá ngát.

Mỗi nồi canh chua ăn kèm một rổ rau đầy ắp, gồm kèo nèo, rau nhút, rau đắng hay bông so đũa tím thường trồng ngay tại nhà hoặc gần đó. Mùi thơm các loại rau hòa cùng vị béo và ngọt ngào của da, thịt cá. Canh chua thường ăn với cơm hay bún.

Cá rô đồng kho tộ


Cá rô kho dậy mùi tiêu xay. 

Do ngày một khan hiếm, cá rô đồng nay thường được nuôi, khi ăn có mùi cỏ, tạng cá dày, thịt bở. Trong những đợt tát đìa, mương, nếu may mắn, người dân mới trúng vài con cá rô đồng chính hiệu, nhỏ xíu nhưng nướng hay kho lại thơm nức mũi.

Đối với cá rô hay các loại cá đồng khác, ngoài nấu canh, ngon nhất vẫn là kho tộ. Quá trình chế biến gồm tẩm ướp cá sơ với nước mắm, ớt, tiêu, tỏi, hành phi, sau đó bắc lên kho. Cá muốn ngon và đậm đà phải kho trong tộ (nồi đất) để giữ nguyên độ ngọt, đồng thời nước sắc xuống vừa tới. Rắc chút tiêu xay lên bề mặt, cá rô kho tộ ăn kèm cơm cháy là đúng vị nhất.

Ốc bươu nướng tiêu


Bạn đừng bỏ qua nước ốc khi dùng ốc bươu nướng tiêu. 

Ngoài cá rô, ốc cũng là sản vật thiên nhiên ban tặng cư dân xứ ruộng khắp mọi vùng, không riêng gì đất miền Tây. Khách gọi tới đâu, ốc được nướng tới đó vì rất nhanh chín.

Ốc bỏ lên vỉ than nướng, sau khi thấm hơi nóng thì tách lớp mài. Lúc đó, người nấu có thể bỏ tiêu xay (hoặc muối tiêu), đến khi thấy nước ốc sôi là có thể gắp ăn. Trước khi nướng, một số nơi còn tẩm ướp sẵn ốc với gia vị giúp món ăn đậm đà hơn.

Bánh cóng


Tinh hoa ẩm thực Khmer gói ghém trong chiếc bánh cóng. 

Một trong số đặc sản nổi bật nhất của miệt Tây Đô phải kể đến bánh cóng. Nguồn gốc bánh xuất phát từ người Khmer và hiện vẫn được bán dọc đường các tỉnh miền Tây. Món này có nguyên liệu và cách làm nôm na như bánh khọt nhưng dày và lớp nhân phóng khoáng hơn.

Nhân bánh trộn từ bột đậu xanh với củ sắn, thịt bằm và đổ vào khuôn kích thước gần bằng chén. Tiếp theo, bánh được nhúng xuống chảo dầu, sau đó chiên tới khi chuyển màu vàng ngà là đặt thêm mấy con tép sông lên trên cùng.

Vị béo của bột mì cùng đậu xanh hòa quện đồng đều trong vị ngọt từ tép. Vỏ bánh giòn rụm, khi ăn không có cảm giác ngán. Bánh cóng có cách ăn tương tự bánh xèo, cuốn cùng các loại rau và chấm nước mắm tỏi ớt.

Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress

.

© 2017 www.blogthuthuatwin10.com

Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: nguyenanhtuan2401@gmail.com
Điện thoại: 0908 562 750 ext 4548; Liên hệ quảng cáo: 4567.