Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng

Khám phá nét bí ẩn Sushi xứ hoa anh đào

Khi nói đến văn hóa ẩm thực của xứ sở hoa anh đào - Nhật Bản, chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến món Sushi thật ngon đúng không? Sushi là món ăn kết hợp giữa cơm với các loại hải sản tươi sống hoặc chín, mang nhiều hương vị khác nhau, đặc biệt là sự khéo léo trong cách trình bày tạo nên sự hấp dẫn của món ăn.



Nguồn gốc hình thành nên Sushi 

Với lợi thế địa lí, Nhật Bản là một quốc gia quần đảo, xung quanh là các vịnh biển, với nhiều ngư trường lớn, do vậy nguồn hải sản ở đây vô cùng phong phú và nhiều. Tuy số lượng cá hằng ngày được ngư dân đánh bắt được rất nhiều nhưng công nghệ chưa phát triển, để bảo quản cá thì người ta chỉ phơi khô hoặc chế biến những món ăn để lâu được trong thời gian dài.

Với phẩm chất cần cù, thông minh của người Nhật, họ đã khéo léo dựa vào cách thức chế biến cổ của người Trung Quốc cổ, cá được ướp muối bọc trong cơm để lên men tự nhiên từ 2 tháng đến 1 năm. Đến thời điểm ướp xong, người ta sẽ chỉ dùng cá muối còn phần cơm sẽ được loại bỏ.

Về sau với sự sáng tạo của mình, người Nhật đã trực tiếp sử dụng cá sống, thưởng thức với các gia vị chế biến bổ trợ để tạo nên độ tươi, hương vị nguyên chất, và cảm nhận hết cái ngon của các loại hải sản giàu protein này. Sushi chính là một kiệt tác thành công trong cách chế biến ẩm thực của người Nhật Bản.

Trong thực đơn của người Nhật, Sushi được chia làm 6 loại.

Nigirizushi ( Nigiri )




Là loại sushi nắm gồm cơm trộn dấm được đắp bên trên một miếng hải sản có thể là cá hồi, cá ngừ hoặc các loại hải sản khác và xen kẽ bên trong là một chút wasabi, phía trên nữa có thể là một chút gừng xay nhuyễn. Ngoài ra các bạn có thể dùng thêm gia vị như xì dầu, gừng tím muối chua ngọt.

Chirashizushi 



Là sushi phổ biến tại Nhật Bản, được chế biến theo phong cách kiểu Tokyo và Osaka. Là một tô cơm có những miếng hải sản, nấm, rau đặt lên trên, cùng với rong biển và trứng (theo kiểu tokyo thì trứng thái miếng, còn kiểu Osaka thì trứng thái chỉ rồi rắc lên cùng với rong biển).

Gunkan


Là loại sushi mà phần cơm được bao quanh bởi lá rong biển, thức ăn xếp lên trên mặt, thường là trứng cua, trứng cá tuyết, trứng cá hồi…

Makimono



Là loại sushi cuộn, món ăn này gần giống với món kimbap của Hàn Quốc.Các loại nguyên liệu củ quả, cơm, hải sản sẽ được được cuộn trong miếng rong biển khô sau đó cắt thành khoanh tròn và thưởng thức.

Temaki



Là món sushi gồm một lớp rong biển sẽ được nướng sơ qua, rải đều cơm trộn dấm và các loại hải sản, rau củ quả vào giữa rồi nặn theo hình nón.

Oshizushi



Là một đặc sản sushi của vùng Kansai. Người đầu bếp sẽ nén chặt hải sản đã ướp gia vị cùng cơm trộn dấm trong một khuôn gỗ, thường là 2 lớp cơm 1 lớp nhân sau đó cắt thành từng khoanh nhỏ.

Mỗi loại sushi được chế biến, trình bày theo một nét riêng nhưng nó vẫn giữ được độ tươi ngon hương vị của các loại hải sản, tạo nên sự hấp dẫn trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản trong mắt biết bao du khách.














Thưởng thức món ngon xứ hoa ban

Việt Nam là một quốc gia có nền ẩm thực phong phú, chính những sắc thái riêng, đặc trưng trong món ăn của từng vùng miền, trong từng dân tộc đã đem mang lại sự phong phú, đa dạng ấy.

Với bí quyết chế biến đặc trưng của người Thái, Tày, Dao, Nùng, H'Mông... đã tạo ra những món ăn ngon, đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc.

Lam nhọ



Khi đến với vùng núi Tây Bắc, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn của người Thái với cách chế biến và hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Món ăn ưa thích của người Thái là món nướng rồi lại đồ.

Lam nhọ là một trong những món ăn đặc trưng và nổi tiếng của người Thái. Những miếng thịt trâu , bò được nướng trên bếp than hồng cho thật chín rồi thái mỏng, trộn với các thứ gia vị như tiêu rừng ( mắc khén), ớt, tỏi, gừng, rau bí, quả bí non, quả cả rừng... tất cả được cho vào ống tre non đem đi nướng chín, sau đó dùng que chọc cho nhuyễn rồi lại nướng lần nữa cho chín nhừ.

Là món ăn có vị ngọt đậm, mềm như, khi ăn thì phải dùng đũa sắn từng miếng.

Thắng cố


Là món ăn đặc sản của người H'Mông ở vùng núi Tây Bắc. Thắng cố được chế biến từ thịt bò, thịt ngựa hoặc thịt lợn cùng với lòng, tim, gan, tiết.... được thái vuông miếng quân cờ, cho vào trong một chiếc chảo lớn đun nhừ. Khi Thắng cố sôi sục lên những tảng thịt, tảng mỡ màu vàng nhạt trông thật hấp dẫn.

Để tạo thêm hương vị cho món ăn này, người ta thường thêm vào một vài loại thảo quả, quế, hồi và những loại rau rừng, xanh mát, tươi non.

Thắng cố có vị béo, hơi ngậy ngậy, lại bùi bùi nhưng cũng mang một chút mùi ngai ngái của nội tạng gia súc.

Không ai cũng thưởng thức được Thắng cố nhưng khi đã ăn được thì sẽ bị hút hồn bởi hương vị đặc trưng vốn có của món ăn này.

Thịt trâu gác bếp 


Đây là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn hằng ngày của các dân tộc ở vùng núi Tây Bắc.
Những thớ thịt trâu được cắt thành miếng hình con chì, tẩm ướp các gia vị tự nhiên như ớt, gừng, mắc khén - một loại tiêu rừng ở Tây Bắc sau đó được đặt trên gác bếp hun bằng khói của than củi lấy từ trên núi đá cao.

Thịt gác bếp có thể bảo quản tự nhiên được một tháng, khi ăn lấy thịt xuống sẽ thành miếng nhỏ để ăn hoặc nướng lại. Khi thưởng thức thịt treo gác bếp, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của thịt, hương vị thơm nồng mùi khói của thịt.

Cơm lam


Cơm làm là một món ăn có từ lâu đời, mang đậm hương vị núi rừng.

Để có những ông cơm lam dẻo, thơm ngon thì người ta ngâm gạo nếp trong nước khoảng 2 tiếng sau đó cho vào những ống tre nứa, nướng trên ngọn lửa cho đến khi chín đều.

Cơm lam thường được ăn chung với muối vừng hoặc với thịt heo rừng nướng ngon thật tuyệt.

Một lần đến với núi rừng Tây Bắc, với những cánh rừng hoa ban trắng khắp nẻo đường, vượt qua những con đèo hùng vĩ để có dịp thưởng thức những món ăn ngon ở đây.




Nét đặc trưng trong ẩm thực Ấn Độ

Mỗi quốc gia đều có một nền văn hóa ẩm thực khác nhau. Khi nhắc đến văn hóa ẩm thực Thái Lan, người ta liền nghĩ ngay đến hương vị chua chua cay cay trong từng món ăn, hay những món ăn nhiều dầu mỡ của người Trung Hoa. Còn khi nhắc đến quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới - Ấn Độ,  người ta sẽ hình dung ra những món ăn mang đậm hương vị,  thường sử dụng gia vị cà ri và có nước sốt.

Nét đặc trưng đầu tiên trong văn hóa ẩm thực Ấn Độ là sự kết hợp hài hòa các loại gia vị. Mỗi khu vực, vùng miền ở Ấn Độ lại có những món mang với các loại gia vị đặc trưng và cách chế biến đặc trưng.

Ở miền bắc Ấn Độ, các món ăn là sự kết hợp hài hòa các loại nguyên liệu như sữa, bơ sữa, sữa chua, ớt, nghệ, quả hạch... Các món ăn ở đây thường không thể thiếu nước sốt.


Trong khi đó ở miền Đông Ấn Độ, với cách pha chế gia vị vào trong các món ăn một cách tinh tế ở vùng Orissa, Bengal, Assam tạo ra những món mang hương vị đặc biệt của vùng. Đặc biệt trong chế biến món ăn người ta thường sử dụng mù tạc, cây thìa là Ai Cập, ớt xanh, sốt thì là.


Cà ri được xem là quốc hồn của nước Ấn Độ, nó cũng là một nét đặc trưng trong các món ăn của miền Nam Ấn Độ với các thành phần chủ yếu là cơm, thịt nai, đồ chua, dừa, nước cốt dừa, sử dụng các loại gia vị như me, đậu lăng cùng với gia vị đặc trưng là cà ri tạo ra những món ăn chứa nhiều hương vị.


Miền Tây Ấn Độ lại chịu ảnh hưởng văn hóa ẩm thực của Bồ Đào Nha còn ở vùng Đông Bắc chịu ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Trung Quốc, Burma.

Mỗi vùng miền với các món ăn cách chế biến đặc trưng, mang hương vị riêng đã góp phần làm cho nền văn hóa ẩm thực Ấn Độ ngày càng phong phú đa dạng. Chính điều này đã tạo ra sự thú vị, tò mò hấp dẫn du khách gần xa.

Các món ăn của miền Nam Ấn Độ có thành phần chủ yếu là cơm, thịt nai, đồ chua, dừa và đặc biệt là nước cốt dừa, cà ri. Các món ăn của miền Nam Ấn Độ thường chứa nhiều hương vị do sử dụng các gia vị như me, quả dừa, đậu lăng, cơm và một số loại rau. Các món ăn của miền Tây chịu ảnh hưởng bởi các món ăn Bồ Đào Nha và các món ăn của Đông Bắc Ấn Độ thì lại chịu ảnh hưởng của các nước lân cận như: Burma, Trung Quốc.

Nếu người phương Tây, khi ăn dùng dao, nĩa, người Á Đông dùng đũa thì ở Ấn Độ họ lại dùng tay để ăn. Điều đặc biệt là họ chỉ dùng bàn tay phải ăn không dùng bàn tay trái, vì người ta quan niệm rằng bàn tay trái làm những việc dơ bẩn.

Như chúng biết Ấn Độ là một quốc gia tôn giáo phát triển, với hai tôn giáo lớn nhất là Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Chính  điều này cũng làm ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực Ấn Độ. Người Ấn Độ giáo kiêng thịt bò còn người Hồi giáo không ăn thịt heo nên trong những món ăn ở Ấn Độ chủ yếu sử dụng thịt gà, thịt cừu, thịt dê và các loại hải sản.

Hãy một lần đến với Ấn Độ để khám phá những giá trị tinh hoa trong văn hóa ẩm thực nơi đây.



Chợt thèm rau đắng nấu canh

Từ lâu dân gian miền Tây Nam bộ đã tận dụng rau đắng để phục vụ cho việc ăn uống của con người. Rau đắng đất nhổ cả bụi về rửa sạch đất ở rễ, phơi khô, sao vàng ngâm rượu đế để dành nhâm nhi trong bữa cơm vừa tăng hương vị.
"Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh". Những câu ca trong bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn đã khiến hồn người xa quê bâng khuâng hoài niệm tư hương.
Rau đắng đất là loài cây mọc hoang cạnh mé ao, đìa hay trong các liếp mía, giồng khoai ở khắp vùng đất Tây Nam bộ. Khi mưa mùa chấm dứt cũng là lúc loài cây này vươn lên tươi tốt.
Cá rô, rau đắng
Rau đắng đất cọng nhỏ bằng que tăm, có nhiều đốt. Lá của loại rau này giống như những chiếc lông chim màu xanh lục, bé bằng móng tay út, mọc từng đôi quanh thân cây. 
Từ lâu dân gian miền Tây Nam bộ đã tận dụng rau đắng để phục vụ cho việc ăn uống của con người. Rau đắng đất nhổ cả bụi về rửa sạch đất ở rễ, phơi khô, sao vàng ngâm rượu đế để giành nhâm nhi trong bữa cơm vừa tăng hương vị.
Dân gian còn dùng rau đắng để chế biến các món ăn rất đáo để.
Canh cá rô đồng, cá trê vàng nấu rau đắng đất
Rau đắng hái về rửa sạch để ráo. Cá rô đồng tháng Chạp khi nước đồng rút cạn, trên đường trở về sông rạch nhảy lọt vào các hầm giữa bờ ruộng mà người dân quê đào sẵn. Dân gian gọi là cá rô mề, bởi nó vừa lớn vừa mọng mỡ.
Canh cá rô rau đắng
Bắt cá về làm sạch, rồi bắc nồi nước sôi lên thả cá vào, chờ nước sôi lại, vớt bọt, nêm chút muối hột. Rau đắng sắp sẵn ra tô, nêm thêm bột ngọt. Xong, dùng muỗng múc nước sôi đang nấu chế vào tô canh. 
Cá để lên trên, rắc thêm ít tiêu là có món ăn ngon lành. Theo kinh nghiệm, rau đắng không được bỏ vào nồi nấu, vì trong nước sôi, rau chín gục sẽ rất đắng và dai. 
À ơi… Canh rau đắng, cá rô đồng,
Nồi cơm mẹ nấu à ơi... thơm nồng buổi trưa.
Cá trê vàng tươi chạy lộp hay giăng lưới bắt được đem làm sạch nhớt, có thể để nguyên con hoặc khứa làm hai, ba tùy theo ý mỗi người, để ra rổ cho ráo.
Cách nấu canh cá trê rau đắng cũng tương tự như cách nấu cá rô vậy. Có điều hương vị của nó sẽ khác đi ít nhiều.
Canh cá trê rau đắng
Bữa cơm canh rau đắng thường được dọn kèm với cá trê kho gừng. Tất cả thực phẩm ấy đều gần gũi, từ môi trường chung quanh, bằng trí tuệ của mình người bình dân đã tận dụng để phục vụ cho chính mình và điều đó đã trở thành nét văn hóa ẩm thực chốn đồng quê. Hãy nghe lời một chàng trai nhà quê mượn món ăn dân dã để tỏ tình yêu: 
Rau đắng nấu cá trê vàng,
Ngọt ngon vì bởi tay nàng nấu canh.
Thật là đáo để hết chỗ nói vậy!
Cháo cá lóc rau đắng đất
Cách chuẩn bị cũng tương tự như khi nấu canh. Có điều khi nấu cháo người ta thường chọn cá lóc. 
Cá đồng câu nhấp được con cỡ cườm tay đem về làm sạch, nhớ giữ lấy bộ ruột, vì đây là chỗ ngon nhất. Bắc nồi cháo nấu bằng gạo mới lên bếp cho nhừ, thả cá vào chờ vớt sạch bọt, cặn,... nêm cháo cho vừa ăn. Rau đắng sắp vào tô, múc cháo ra, rắc thêm ít tiêu xay nhuyễn, chan miếng nước Hòn, ít lát ớt, húp xong tô cháo thì quả là bao nhiêu mệt nhọc, cảm mạo đều tan biến.
Món cháo cá
Đầu cá, ruột cá được gắp riêng ra đĩa, để ăn kèm. Có người còn dùng để nhâm nhi với vài chung rượu ngâm từ chính rau đắng và nghe đâu đó văng vẳng câu hò của cô gái miền thôn dã:
Rau đắng ngọt lịm tình quê,
Anh đi lục tỉnh anh mê không về.
Rau đắng làm mát gan do kích thích tiết mật, thông tiểu, nhuận tràng; dùng trong trường hợp nóng nảy trong người làm lở miệng, viêm nha chu, chảy máu răng; dùng lá rau đắng xông hơi trị ho cảm và viêm phổi; nước rau đắng uống nhiều lần trong ngày trị ngừa sạn thận và sỏi mật...
Theo Út Tẻo

10 món ăn vặt ngon Sài Gòn dưới 20 ngàn đồng

Bạn đừng lo khi mình sắp rỗng túi mà không biết ăn gì ở Sài Gòn nhé. Chỉ với vài chục ngàn là bạn đã có thể no nê với vô cùng nhiều món ngon rồi đấy.

1. Trứng vịt lộn sốt me


Trứng vịt lộn sốt me là món ăn vặt ngon – rẻ khoái khẩu của tuổi học trò. Ăn trứng vịt lộn vừa bổ, tốt cho não bộ lại còn thêm sốt me chua chua, hành răm thơm thơm, khiến nó trở thành món ăn yêu thích của học sinh sinh viên sau mỗi giờ học mệt mỏi.
Trứng vịt lộn sốt me có ở hầu hết các quán ốc, quán ăn vặt vỉa hè. Giá một quả trung bình chỉ 7, 8k. Một số nơi còn bán theo dĩa hai quả tầm 13, 14k.
Địa chỉ ăn ngon: 189 Tô Hiến Thành, Quận 10

2. Mỳ phá lấu

Phá lấu ăn chấm bánh mỳ là món đặc trưng của ẩm thực vỉa hè Sài Gòn. Tuy nhiên, phá lấu khi ăn chung với mỳ tôm thì lại là một món ăn ruột gắn liền với học sinh sinh viên. Chỉ với 10k/tô phá lấu thơm mùi nước dừa với mỳ tôm dai dai là bạn có thể no suốt buổi học.


Địa chỉ ăn ngon: cổng trường THPT Marie Curie, 159 Nam Kì Khởi Nghĩa, Quận 3

3. Trà sữa trà xanh


Thêm một món đặc sắc của đường ăn vặt cổng trường Marie Curie đó là trà sữa trà xanh. Trà sữa trà xanh ở đây đặc biệt ngon và giá vẫn chỉ 10k/ly mà ly lớn chứ không nhỏ nhỏ như ở các nơi khác đâu nhé.

4. Hồ lô nướng

Đây là món hồ lô thịt chứ không phải kẹo hồ lô nhưng các bộ phim cổ trang đâu nhé. Hồ lô nướng thực ra là thịt heo và xúc xích, nặn lại thành hình tròn, nướng trên lò than hồng. Khi chín vỏ ngoài viên hồ lô giòn rụm nhưng bên trong lại rất mềm và nóng bỏng lưỡi, ăn chấm tương ớt. Món này vừa ngon vừa rẻ, rất hợp với túi tiền của học sinh sinh viên.


Địa chỉ ăn ngon: Hồ Con Rùa, Quận 3

5. Cơm cháy chà bông mỡ hành
Đã xưa rồi cái thời chúng ta ăn từng bịch cơm cháy chà bông khô khan. Món ăn vặt ngon lành của Sài Gòn bây giờ đó là cơm cháy chà bông nhưng có thêm mỡ hành và tương ớt. Cơm cháy giòn rụm, mỡ hành phi thơm lừng, nước me chua chua, cộng vị cay cay ngọt ngọt của tương ớt và muối tôm là một hương vị cực ngon của ẩm thực vỉa hè. Món này cũng siêu rẻ, chỉ 10k/phần ăn phát no luôn nhé.


Địa chỉ ăn ngon: ngã tư Sư Vạn Hạnh, Hòa Hảo, Quận 10.

6. Bánh flan vỏ trứng

Bánh flan vỏ trứng vừa là món ăn vặt ngon lành mà còn vô cùng đáng yêu, ngon mắt nữa chứ. Chỉ với 7k/quả là bạn đã có ngay món bánh flan trứng nhâm nhi cùng bạn bè. Bạn cũng có thể mua thành hộp để đem tặng bạn bè nữa đấy.


Địa chỉ ăn ngon: 354 Trần Phú, Quận 5

7. Kem nhãn

Trời nóng oi bức thế này mà đám bạn tụ tập rủ rê nhau đi ăn kem nhãn thì còn gì bằng. Kem nhãn là món ăn vặt tương đối quen thuộc của giới trẻ Sài Gòn trong thời gian gần đây bởi hương vị lạ miệng của nó. Vị mát thơm của kem dừa hòa lẫn vị ngọt trong của nhãn, lại cả hơi mặn mặn bùi bùi của đậu phộng là điểm đặc sắc của món ăn vặt ngon rẻ này. Ly kem chất cả lượng lẫn giá, chỉ 10k thôi nhé.


Địa chỉ ăn ngon: Số 2 Trương Hán Siêu, Quận 1

8. Hột gà trà

Món này nghe tên có vẻ tương đối lạ, và hương vị của nó cũng lạ y như vậy. Hột gà trà thực ra chính là hột gà luộc, thả vào bát hồng trà, thay vì có màu trắng thì trứng có màu hơi nâu tiệp với màu trà luôn. Món này mới ăn bạn sẽ bị ám ảnh vì nghĩ trứng có mùi tanh, nhưng thực ra ăn quen bạn sẽ thấy không hề tanh đâu nhé. Trứng rất bổ, cộng thêm hồng trà thơm mát có lẽ sẽ là món ăn vặt lên hot của dân Sài Thành hè này. Một bát hột gà trà có giá 13k. Vừa rẻ vừa ngon vừa bổ, còn gì bằng?


Địa chỉ ăn ngon: 98 Bùi Hữu Nghĩa, Quận 5

9. Bánh trứng cút nướng

Bánh trứng cút nướng cũng là một món ăn vặt được ưa chuộng ở Sài Gòn. Những quả trứng cút được đập vỡ rồi cho vào phần tam giác nhỏ trong khuôn, bên trên có tép khô, hành lá, sau đó đậy lại. Chỉ sau vài ba phút bánh chín, bạn có thể thưởng thức một món ăn với hương vị hài hòa của nhiều loại nguyên liệu: trứng cút, tép rang, tương ớt cay cay và vị hanh thơm của hành lá. Chỉ với 10 – 12k một hộp là bạn có thể thưởng thức ngay món này rồi.


Địa chỉ ăn ngon: vỉa hè số 12 Phạm Ngọc Thạch, gần Hồ Con Rùa

10. Bắp xào

Bắp xào của Sài Gòn là một món ăn mà bất cứ du khách nào tới cũng nên thử. Bắp nếp xào với tép, mỡ hành và chút bơ thơm lừng con phố đến nỗi đi qua là ai cũng muốn dừng lại để mua. Muốn ăn bắp xào ngon là bạn nên ăn ở những xe bán vỉa hè, như vậy mới đúng vị. Chỉ với 10, 15k/hộp là bạn ăn no luôn mà lại không bị ngán đâu nhé.


Địa chỉ ăn ngon: dọc đường Phan Xích Long, Quận 1 có rất nhiều xe bán bắp xào, giá cả ngang nhau và hương vị cũng vô cùng ngon.










Thưởng thức món ngon ở phố núi Pleiku

Pleiku không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp huyền bí của hồ Tơ Nưng - mắt ngọc trên cao nguyên xanh, khám phá vẻ đẹp của thác bảy tầng, đồi thông Hà Tam, chinh phục đỉnh Hàm Rồng.Ngoài ra khi đến với phố núi Pleiku, bạn có cơ hội khám phá văn hóa công chiêng Tây Nguyên, thưởng thức những món ngon khó quên nơi đây.

Với những ai đã từng một lên đặt chân lên vùng đất cao nguyên này, không ngừng trầm trồ khen ngon những món ăn đường phố sau đây, chính sự độc đáo trong ẩm thực đã tăng thêm sự tò mò, thú vị và níu chân biết bao du khách.

1. Phở khô Gia Lai (Phở hai tô)

Đây là món ăn nổi tiếng nhất tại phố núi Pleiku, bạn có thể thưởng thức phở khô tại các quán ăn ven đường hay tại các nhà hàng sang trọng. Phở khô hay còn được gọi là phở hai tô, gồm một tô phở và một tô nước súp.Bánh phở có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu gõ, nhưng săn và hơi dai, nhờ đó mà khi trộn chung với các loại gia vị khác bánh phở sẽ không bị nát.


Bánh phở được chần chín, một ít giá chần, hành phi và thịt lợn nạc băm nhuyễn được phủ đều lên. Nước súp để riêng một tô, bạn có thể ăn kèm với thịt bò tái, bò viên hoặc thịt gà. Đặc biệt nước súp không quá đậm đà cũng không quá nhạt nên khi ăn với bánh phở bạn sẽ cảm thấy rất vừa miệng. Khi ăn, bánh phở được trộn đều với tương ớt, tương đen... và ăn kèm với một số loại rau như xà lách, rau cần, giá chần..

Trong tiết trời se se lạnh của vùng cao nguyên, được thưởng thức món đặc sản này thì còn gì bằng.

2. Lụi nướng phố núi

Là một món ăn chơi đơn giản nhưng khá nổi tiếng và phổ biến của giới trẻ ở phố núi Pleiku. Lụi là từ địa phương  mà người dân ở đây dùng hình thức chế biến để đặt tên cho món ăn. Lụi được chế biến với hai thành phần chính là bánh tráng và thịt heo. Thịt heo mua về rửa sạch thái nhỏ trộn đều với nấm mèo thái nhỏ.

Dùng một miếng bánh tráng mỏng, cho vào một ít hỗn hợp đã chế biến, gói lại hình chữ nhật, gần bằng ngón tay út người lớn. Dùng que tre nhỏ lụi qua từng miếng và nướng trên bếp than hồng. Khi nướng, nhớ trở đều tay để những cây lụi không bị cháy xém. Lụi được ăn kèm với mắm me chua chua, ngọt ngọt nhưng hơi cay làm thực khách vừa ăn vừa xuýt xoa.


3. Đậm đà bún mắm cua

Bún mắm cua là món ăn đường phố đặc biệt đáng tự hào của người dân phố núi Pleiku. Món ăn là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, rau sống.... với nước cua lên men đậm mùi.

Bún mắm cua khá kén người ăn bởi mùi vị đặc trưng của nó. Không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của mắm nguyên chất và nước cua lên men. Bún cua có vị mặn của mắm, vị thơm các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da lợn... tất cả hòa quyện nhau tạo nên món ăn lạ miệng. Nếu ai đã thưởng thức qua một lần thì không thể quên được hương vị đậm đà khó quên của món ăn đặc biệt này.

4. Muối kiến vàng

Muối kiến vàng được xem là một tuyệt chiêu của người Gia Lai vùng Ayun Pa, Krông Pa. Để làm món muối lạ lùng này người ta phải vào rừng… bắt kiến. Trong rừng sâu mới có loại kiến vàng to con, vàng ươm, bụng căng mọng.

Kiến bắt về rang sơ qua lửa rồi giã với ớt rừng, lá thèn len và vài loại lá rừng khác. Kiến vàng có vị mặn đồng thời bụng kiến chứa đầy thứ dịch chua, vậy là món chấm vừa có vị chua vừa hơi măn mẳn tương tự như muối và chanh. Tuy nhiên muối kiến vàng thật sự ngon đậm khi có thêm muối hột giã nhỏ cùng.


5. Bò một nắng

Nếu đến với thành phố biển Phan Thiết bạn được thưởng thức món mực một nắng ngon tuyệt thì đến với phố núi Pleiku bạn sẽ được một đặc sản một nắng nữa đó chính là món bò một nắng.

Bò một nắng cũng như những sản vật khác của miền cao thường tập trung về phố núi Krông Pa, một huyện cửa ngỏ miền núi tỉnh Gia Lai sát cạnh cao nguyên Sơn Hòa tỉnh Phú Yên.

Ban đầu, hương vị bò một nắng còn đơn sơ, nhưng khi giao thoa với văn hóa ẩm thực miền xuôi nó trở nên đa vị hơn. Miếng bò mang hương vị của núi rừng trầm mặc đã trở nên đậm đà, phong phú bởi hơi hướm mặn mà khẩu vị xứ biển. Sự giao hòa miền núi và miền xuôi đó mà thành cái tên “bò một nắng hai sương”.






5 món cuốn ngon nổi tiếng ba miền

Hà Nội có phở cuốn trắng ngần Sài Gòn có món gỏi cuốn bình dân, đơn giản. Khắp nơi trên dải đất hình chữ S, người ta đều có thể tìm cho mình một món cuốn ngon.

1. Phở cuốn

Phở cuốn là một món ăn độc đáo của người Hà Nội. Tuy không ra đời cùng thời gian với phở nước nhưng phở cuốn lại nhanh chóng trở thành món ăn chơi yêu thích của nhiều người. Chế biến phở cuốn cũng không quá phức tạp, cầu kỳ. Thịt bò thái miếng mỏng ướp các gia vị như hành, tỏi, dầu hảo, tiêu, bột ngọt, hạt nêm. Hành tây thái miếng mỏng, cho vào chảo phi thơm sau đó đổ thịt bò đã ngấm đều gia vị vào đảo đều tay, vừa chín tới thì bắc xuống.


Bánh phở trắng tinh được trải ra sau đó đặt rau mùi và xà lách đã rửa sạch cùng thịt bò xào vào giữa rồi cuốn đều tay. Phở cuốn ngon ở thịt bò đậm đà kết hợp cùng bánh phở và rau sống vừa miệng, nhưng nước chấm mới là điều khiến phở cuốn nổi tiếng vì vị ngon hơn cả.


Nước chấm phở cuốn có đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt và phải thơm để chỉ ngửi thôi là đã khiến khách phải thích thú, thèm thuồng. Trong bát nước chấm ấy cũng phải được thả những miếng đu đủ được cắt tỉa khéo léo để tăng độ ngon cũng như thẩm mỹ của món ăn này.

2. Nem tai

Vốn là đặc sản của Nam Định nhưng món nem tai nhanh chóng trở nên phổ biến ở các tỉnh miền Bắc. Đúng như tên gọi, nem tai có thành phần từ tai lợn luộc chín sau đó thái thật mỏng rồi trộn cùng thính, lá chanh và ớt thái mỏng. Thính là hỗn hợp được làm từ đỗ xanh, đỗ tương, gạo nếp và một số gia vị khác xay nhuyễn sau khi rang vàng. Khi ăn, tai đã trộn thính và các gia vị được đặt trong một chiếc bánh đa nem cùng lá sung, đinh lăng và lá mơ tam thể rồi cuốn lại chấm với nước chấm chua ngọt.


Vị giòn giòn, sần sật của tai lợn được luộc chín tới, vị bùi của thính, vị hăng, chát của các loại lá quyện với nhau trong một chiếc bánh đa nem chấm cùng nước chấm khiến người ăn thích thú, nhớ mãi không quên.

3. Cuốn thịt nướng

Cuốn thịt nướng là món ăn độc đáo của xứ Huế được làm từ bánh ướt, thịt heo ba chỉ và một số loại rau. Cuốn thịt nướng nhìn qua có vẻ giống phở cuốn của miền Bắc nhưng khi thưởng thức, khách mới cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng. Thịt bò và thịt heo ba chỉ thái lát mỏng ướp với sả, hành tỏi giã nhỏ, gia vị và mè rang chin. Thịt sau khi ngấm đều gia vị được nướng trên than hồng cho tới khi tỏa mùi thơm hấp dẫn.


Khi ăn, khách đặt rau thơm và thịt nướng vào giữa tấm bánh tráng ướt rồi cuốn lại chấm cùng nước tương. Cái hấp dẫn ở thực khách ở cuốn thịt nướng phần nhiều nằm ở bát nước tương đậm đà. Gan heo, tỏi băm nhỏ rồi cho vào chưng cùng nước tương, mè và đường. Nghe thì đơn giản nhưng để có được bát nước tương ngon cũng cầu kỳ, tốn công người làm. Chẳng thế mà không phải ở đâu cũng có thể tìm được những đĩa cuốn thịt nướng thật ngon.

4. Ram cuốn cải


Đây là một món ăn được người dân Đà Nẵng rất ưa chuộng. Cũng như cuốn thịt nướng Huế, phần nhân của ram cuốn bao gồm thịt, miến và nấm mèo bằm nhỏ đã trộn đều gia vị. Hỗn hợp nhân này được đặt vào giữa của bánh đa nem cùng rau sống và đặc biệt không thể thiếu rau cải đã rửa sạch. Ram cuốn cải được chiên vàng trong dầu nóng, khi ăn chấm kèm nước chấm cay, ngọt và nộm đu đủ, cà rốt thái sợi mỏng.

5. Gỏi cuốn

Gói cuốn là món ăn vặt rất được yêu thích tại Sài Gòn. Món ăn bình dân này có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trong thành phố, từ vỉa hè, các khu chợ, quán ăn bình dân cho tới những nhà hàng sang trọng.


Cách làm gỏi cuốn khá đơn giản, như chính cái tên của nó. Thịt heo ba chỉ luộc chín thái miếng vừa ăn, tôm luộc chín lột vỏ, rau thơm, lá hẹ rửa sạch cắt miếng vừa cuốn. Gói cuốn cũng được cuốn từ bánh tráng có đặt các phần nhân đã chuẩn bị sẵn vào giữa. Món gỏi cuốn ngon không chỉ từ phần nhân vừa vặn, bánh tráng không quá cứng, quá dai mà còn ở phần nước chấm cùng.


Nước chấm ăn gỏi cuốn có nhiều loại nhưng riêng người Sài Gòn ăn gói cuốn cùng tương đen có rắc một chút đậu phộng lên trên. Bát nước chấm không quá mặn, vị béo ngậy của đậu phộng rang được ăn cùng miếng gỏi cuốn vừa vặn quả là sự kết hợp đúng điệu. Chẳng thế mà món ăn này nhanh chóng trở thành món yêu thích của nhiều du khách nước ngoài khi tới Sài Gòn du lịch.






Xứ Huế - cái nôi văn hóa ẩm thực miền Trung

Không đa dạng như lối ẩm thực Bắc Kì, cũng không được phồn thực như lối ẩm thực Nam Kì, ẩm thực Miền Trung có một chiều sâu riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất thanh lịch, nhẹ nhàng. Ẩm thực của cư dân miền Trung rất phong phú, mỗi địa phương đều có những đặc sản riêng, mang đậm bản sắc phong phú và hương vị của từng nơi.


Nhắc đến Quảng Nam người ta không thể không nhắc đến món Gà vườn Thơm Thảo đất Tam Kỳ hay món Cao lầu đặc trưng Phố Hội, món mì Quảng đậm đà phong vị, tô Cơm hến cay xé lòng, hay những bữa tiệc thanh cảnh của người Huế. Đó chính là nét đặc trưng trong ẩm thực của người Miền Trung. Nếu một lần đặt chân đến vùng đất sông Hương núi Ngự, bạn cũng đừng quên thưởng thức một chút tình ấm áp của con người nơi đây qua cách mà họ thể hiện bằng những món ăn đậm đà, hấp dẫn.

Người dân Huế nổi tiếng thanh lịch chính vì vậy mà họ tỏ ra sành điệu trong việc ăn uống, không chỉ trong khâu chọn nguyên liệu mà họ còn cầu kì từ khâu chế biến đến cách bày biện trang trí và thưởng thức món ăn.Mỗi món ăn đều được nâng lên thành một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và quyến rũ ta lúc nào không hay. Ở nơi đây, ăn uống cũng là một trong những loại hình văn hóa vì thế văn hóa ẩm thực ở Huế được chia ra làm hai loại khác nhau đó là ẩm thực Cung đình và ẩm thực Dân gian.

Ẩm thực cung đình Huế là một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực miền Trung.Nó không nổi tiếng về cách trình bày mà còn đặc sắc về hình thức. Vua ăn thì gọi là Ngự Thiện, dụng cụ ăn của vua gọi là đồ Ngự dụng, đội phục vụ vua ăn gọi là Đội Thượng Thiện. Mỗi bữa phải từ ba mươi đến năm mươi món, trong đó phải có một món thuộc bát trân như: Nem công, Chả phượng, Da tây ngưu, Bàn tay gấu, Gân nai, Yến sào…Và món nào đặc biệt sẽ được liệt vào danh sách rồi truyền tiếp sang đời sau, cứ thế, món ăn cung đình Huế trở nên phong phú và đa dạng hơn.


Ẩm thực Dân gian Huế là cách chế biến món ăn theo nguyên lý chế biến, trang trí và những thói quen ăn uống rất riêng của người Huế. Một bữa ăn của người Huế như hội tụ đủ cả âm dương, ngũ hành với sự hài hòa đến mức tự nhiên giữa tính chất, mùi vị, màu sắc của các món ăn. Muốn mặn thì có vài chục vị ruốc, ngọt thì có một chuỗi các loại chè, béo thì có Bún bò, đắng thì có Cháo nấm tràm, cay thì dùng cơm hến, Sự đậm đà đó đã tạo nên hương vị rất đặc trưng trong món ăn Huế.


Những món ăn Huế dù là cao lương mỹ vị hay dân dã đơn sơ, đều làm cho ai đó một lần nếm qua phải xuýt xoa khen ngon đến mức “ ngậm mà nghe”, để rồi lưu luyến mãi cái hương vị khó quên ấy. Đặc biệt, người Huế cũng mê gia vị đến cực đoan. Ngoài màu sắc đẹp, đồ gia vị mang lại cho vị giác nỗi “ thống khổ” của cái ngon. Và trong bè giao hưởng hàng trăm loại gia vị thì ớt vẫn là vị “ nhạc trưởng” có chiếc mũ đỏ đầy quyến rũ.


Người Nam – Bắc Hà du lịch Cố đô vẫn cay tít với Huế từ bát bún bò điểm tâm buổi sáng. Rồi Bún hến, Cơm hến, cho đến nước chấm các lọai Bánh khoái, Bánh nậm, Bánh lọc…Tất cả đều cay. Nhưng cái cay đó lại khác với vị cay của ngoài Bắc mà nó có một bản sắc, một màu sắc rất riêng của nơi đây. Nói đến đất Huế thơ mộng với những nét văn hóa ẩm thực phong phú sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới ẩm thực chay xứ Huế. Các món ăn chay ở Huế rất phong phú, được chế biến cầu kì và ngon không kém món ăn mặn. Và cùng với các món ăn trong gia đình, Huế còn có những món ăn đặc sản như Bún bò, Giò heo mà nổi tiếng nhất là Bún Gia Hội. Đến với chợ Tuần Lại còn hàng chục loại bánh mặn, ngọt mà ai đã một lần nếm thử, hẳn không quên được món quà đặc sắc chốn Cựu kinh. Đó là loại bánh nổi tiếng gắn liền với các địa danh: Bánh khoái Đông Ba, Bánh bèo Ngự Bình, Bánh canh Nam Phổ, Bánh ướt thịt nướng Kim Long…


Đặc biệt khi nhắc đến văn hóa ẩm thực Huế ta cũng không thể không nhắc đến chè Huế. Ở Huế có tới mấy chục loại chè, có những loại chè mang nét sang trọng của chốn Cung đình xưa như chè hạt sen, Chè long nhãn bọc hạt sen, Chè đậu ngự…Mỗi loại chè đều có hương vị khác biệt nhưng đều có vị thơm ngon và rất hấp dẫn đặc biệt là món chè mang sắc tím Huế - chè khoai môn. Tất cả đã làm và hình thành nên một “vương quốc chè”. Chính những phong cách và mang bản sắc đó người Huế đã xem ẩm thực là nhân cách. Và Miền Trung chỉ không dừng lại ở đó mà còn có các bản sắc rất riêng của các vùng miền khác.








Chuyên mục văn hoá giải trí của VnExpress

.

© 2017 www.blogthuthuatwin10.com

Tầng 5, Tòa nhà FPT Cầu Giấy, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: nguyenanhtuan2401@gmail.com
Điện thoại: 0908 562 750 ext 4548; Liên hệ quảng cáo: 4567.